Monday, March 18, 2024

Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 nhiều phần sẽ diễn ra tại Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Những tin tức hé lộ những ngày gần đây cho thấy cuộc họp lần thứ nhì của Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un nhiều phần sẽ diễn ra tại Việt Nam hơn những nơi khác.

Nhiều nhà phân tích thời sự đã bình luận về cuộc họp sắp tới của hai ông, ảnh hưởng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như của thế giới liên quan nhiều nhất tới Nhật Bản, Hoa Kỳ nếu Bắc Hàn chịu từ bỏ chương trình võ khí nguyên tử.

Trên tờ New York Times hôm Thứ Hai, 21 Tháng Giêng, 2019, tác giả Mike Ives cho rằng cuộc họp sẽ làm nổi bật Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhanh về kinh tế ở khu vực, sau mấy thập niên kiệt quệ vì chính sách giáo điều cộng sản cuồng tín dù chiến tranh đã chấm dứt.

Tòa Bạch Ốc cho hay cuộc họp thứ nhì của hai lãnh tụ sẽ diễn ra ở đâu và ngày nào sẽ được loan báo sau. Địa điểm có thể là Thái Lan, Hawaii nhưng Việt Nam nhiều phần được dự đoán là nơi sẽ diễn ra.

Chọn Việt Nam có vẻ có lý cho cả Hoa Kỳ và Nam Hàn, vì nhiều viên chức Mỹ đã khuyên Bắc Hàn nên theo mô hình chính trị và kinh tế của Việt Nam. Nhưng tại sao Seoul và Washington thích ý tưởng đó?

CSVN từng là cựu thù của cả Mỹ và Nam Hàn, đã hội nhập vào kinh tế thế giới và trở thành đối tác chiến lược và mậu dịch sâu rộng với cả hai cựu thù. Việt Nam và Nam Hàn bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1992, nay Hà Nội là đối tác thương mại lớn thứ tư với Seoul chỉ sau có Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mậu dịch hai chiều năm 2018 đạt $62.6 tỷ.

CSVN và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 hai thập niên sau 1975. Từ đó, xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ $451 triệu lên $52 tỷ và hiện đang là một trong những nước xuất cảng sang Mỹ gia tăng nhanh nhất.

“Thực tế là chúng ta đang hợp tác với nhau, không phải đánh nhau, là bằng chứng khi một quốc gia quyết định tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho chính họ bên cạnh nước Mỹ, chúng ta thực hiện tới cùng các cam kết của Hoa Kỳ,” Ngoại Trưởng Mike Pompeo nói hồi mùa Hè năm ngoái tại Hà Nội.

“Phép lạ có thể là phép lạ của quý vị.” Ông Pompeo nói thêm về Bắc Hàn và lãnh tụ của họ.

Mối quan hệ Việt Nam-Bắc Hàn ra sao?

Dù cả Việt Nam và Bắc Hàn đều là những nước theo cộng sản, guồng máy cai trị tại Việt Nam theo mô hình cai trị tập thể của một nhóm cầm đầu với quyền lực được chia cho một số lãnh tụ kiểu tam đầu chế.

Mô hình của Bắc Hàn lại là độc tài gia đình trị. Suốt nhiều chục năm qua, ông rồi bố, rồi con của gia đình họ Kim không chia sẻ một tí quyền lực nào cho ai.

Dù khác nhau, nhưng Hà Nội vẫn là một trong những nước anh em thân cận lâu đời nhất của Bình Nhưỡng.

Bắc Hàn công nhận Cộng Sản Việt Nam và thiết lập bang giao từ 1950, trước 4 năm cuộc chiến giành độc lập chấm dứt với trận Điện Biên Phủ và chia đôi đất nước Việt Nam. Bắc Hàn cũng đã đóng góp vũ khí và nhân lực cho Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam Việt Nam.

Về phần Việt Nam, Hà Nội cũng hậu thuẫn để Bình Nhưỡng tham dự Diễn đàn Khu vực Asean, một nơi để các nước đối thoại các vấn đề chính trị và an ninh. Việt Nam cũng bảo trợ các cuộc thảo luận hòa giải giữa Bắc Hàn với Nhật Bản. Việt Nam đã cứu đói Bắc Hàn hồi thập niên 1990 và đổi lại, Bắc Hàn đã cung cấp cho Việt Nam hai tàu lặn mini, một số hỏa tiễn Scud và một số võ khí khác.

Việt Nam có hoan nghênh thượng đỉnh Trump-Kim?

Ý tưởng Việt Nam tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai không được nói nhiều trên báo chí tại Việt Nam những ngày gần đây nhưng có tờ báo, hồi tuần trước, cũng đã đăng tải lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “làm hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp” nếu được chọn.

Việt Nam có một chính sách ngoại giao phức tạp xây dựng trên một mạng đối tác với tất cả các cường quốc trên thế giới gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tuần trước, truyền thông quốc tế thuật lời một số viên chức giấu tên của Việt Nam nói rằng Đà Nẵng được lệnh chuẩn bị đón tiếp một số nhân vật “A1,” mật hiệu ám chỉ lãnh tụ cấp cao nước ngoài. Nơi đây từng đón ông Trump khi đến dự Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương.

Kim Jong Un có đi theo vết chân của Việt Nam?

Theo ý kiến của ông Lê Hồng Hiệp, một phân tích gia tại Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute tại Singapore, khi tổ chức cuộc họp, Việt Nam có cơ hội “bán câu chuyện kinh tế thành công” (sell its economic success story) và đóng vai trò tích cực hơn tại các sinh hoạt khu vực xứng hợp với sự thành công kinh tế. Nhưng theo ông cả Mỹ và Nam Hàn nên cẩn thận và không nên quá nhấn mạnh đến sự do sánh giữa Bắc Hàn và Việt Nam.

“Kim Jong Un đã chứng tỏ ông ta là một lãnh tụ đầu óc độc lập,” Ông Hiệp nói, “Ông ta không thích công khai nhìn nhận rằng ông ta bắt chước mô hình của một nước khác, nhất là khi bị áp lực hay từ ảnh hưởng bên ngoài.”

Còn theo bà Eunjung Lim, một chuyên viên về chính quyền đối chiếu tại đại học Ritsumeikan University, Kyoto, Nhật Bản, Bắc Hàn có thể chưa chắc áp dụng mô hình phát triển kiểu Việt Nam vì lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Bắc Hàn có thể nghiêng về mô hình của Singapore hơn vì vị thế chiến lược của cảng thương mại trung chuyển giữa khu vực Đông Á Châu với Trung Đông cũng như vai trò của họ là cái nôi cho các kỹ nghệ tài chính và vận tải.

Chung quanh lại có Trung Quốc, Nga, Nam Hàn và Nhật Bản sẽ đóng góp lớn lao cho sự phồn thịnh kinh tế của Bắc Hàn. Cho nên, theo ý kiến của bà Lim, rất có thể Kim Jong Un theo kinh nghiệm của Singapore vì Singapore vươn lên thành một cường quốc kinh tế dù nhỏ bé từ năm 1965 của gia đình Lý Quang Diệu, dù rằng xứ này theo mô hình dân chủ bầu cử tự do còn Bắc Hàn thì độc tài chính trị. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT