Friday, March 29, 2024

Tiền Giang bỏ tiền tỷ diệt lục bình nơi này, rồi chi tiền tỷ trồng nơi khác

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Cách đây hai tháng, tỉnh Tiền Giang chi 8 tỷ đồng để diệt lục bình “cứu dòng nước.” Thế nhưng bây giờ lại chi ra 1.2 tỷ đồng để… trồng lục bình “làm kè chống sạt lở,” khiến nhiều người dân hoài nghi.

Theo báo Người Lao Động, ngày 7 Tháng Bảy, tỉnh Tiền Giang cho trục vớt lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch các huyện phía Đông “cản trở lưu thông dòng chảy” với hơn 7,000 người tình nguyện cùng tham gia.

Theo kế hoạch, cả tỉnh có trên 1,200 cây số kênh, rạch bị lục bình bao phủ với diện tích hơn 9 triệu mét vuông. Các đơn vị liên quan sẽ dùng ngân sách chi 1,000 đồng mỗi mét vuông lục bình, ước tính tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng (hơn $343,608).

Đồng thời, sau khi hoàn thành việc trục vớt lục bình “phải có giải pháp để tránh tái diễn tình trạng lục bình phủ dày trở lại, bảo vệ môi trường ở các tuyến kênh, rạch, góp phần lưu thông dòng chảy, để việc sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu của người dân được thuận lợi”.

Khi đó, ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, đã đến kiểm tra công tác này tại một số địa phương. Người dân rất ủng hộ việc làm này vì khơi thông dòng chảy, không gây tắc nghẽn tàu bè lưu thông nhất là sự sinh sôi nhanh của lục bình.

Tuy nhiên, mới đây, người dân tỉnh này đã ngỡ ngàng vì tỉnh tiếp tục trồng lục bình để “chống sạt lở.” Theo Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh, dự án trồng lục bình làm kè ven sông đã triển khai một năm nay, với chi phí chỉ 200,000 đồng (hơn $8.5) mét vuông. Như vậy, tỉnh Tiền Giang hiện có 67 điểm sạt lở, tổng chiều dài hơn 6 cây số, nên tổng kinh phí hơn 1.2 tỷ đồng (hơn $51,541). Và mỗi năm đều phải tốn hàng chục tỷ đồng để khắc phục.

Giải thích việc hai tháng trước tỉnh vừa chi 8 tỷ đồng diệt lục bình, sau đó chi tiền tỷ trồng lục bình, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Tiền Giang phân tích: “Hai dự án này được triển khai tại các địa phương có đặc thù kênh rạch khác nhau. Trước đây, phát động diệt lục bình tại những công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình theo dòng nước bị ứ đọng lại và sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất. Còn dự án trồng lục bình hiện được triển khai tại những tuyến kênh lớn, rộng từ 20 mét đến 100 mét, có dòng chảy mạnh, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở.”

Theo mô hình này, nhiều hộ dân tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy phải dùng cây, dây rào chắn ven sông rồi thả lục bình vào trồng. Kè lục bình rộng 3 mét tính từ bờ sông trở ra. Mỗi người dân sẽ tự kè đoạn sông ngang nhà mình và được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, khoảng 100,000 đồng/mét ngang.

Ngày 18 Tháng Chín, nói với báo Người Lao Động về việc trồng lục bình làm kè, ông Lê Văn Nghi (87 tuổi, ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) hoài nghi: “Tôi sống 87 năm nay trên vùng sông nước, chưa bao giờ thấy ai trồng lục bình để làm kè chống sạt lở cả. Lục bình nổi trên mặt nước, người dân thấy các điểm sông đang bồi thì lùa lục bình vào đó nhằm kéo theo phù sa bồi thêm chứ làm sao chống được sạt lở, vì sạt lở là do ghe tàu chạy sóng đánh làm sạt lở. Chưa nói, vài tháng rào chắn bằng cây mục xuống lục bình sinh thêm và trôi ra ngoài có phải cản trở lưu thông không? Kinh nghiệm sống của dân miền sông nước này là chống sạt lở hay nhất là trồng cây bần, cây dừa nước… Còn ngày xưa chưa có tiền dân hay lấy bao cát vô đất tấn ven các điểm có nguy cơ sạt lở để giữ đất.”

Đồng tình với ý kiến trên, một chủ doanh nghiệp chuyên làm kè sông nhận xét: “Dự án này khá lạ. Nếu kinh phí ít thì có thể dùng bao kẽm (lưới B40) cho đá vào kè sát các điểm sạt lở, còn không chỉ trồng cây bần ven các điểm có nguy cơ sạt lở. Chứ lục bình nổi trên nước trong khi đó sóng đánh phía dưới tạo thành hàm ếch lâu ngày cứ sạt lở nhiều, làm sao gọi là kè được. Không khéo khi dự án này chi 1.2 tỷ trồng lục bình rồi một, hai năm sau phải chi thêm 8 tỷ để diệt lục bình nữa vì lục bình sinh sôi rất nhanh.” (Tr.N)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT