Friday, March 29, 2024

Tiễn ông Táo, người Sài Gòn ra giữa sông thả cá vì sợ cá bị vớt lên

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sáng 8 Tháng Hai, tức 23 Tháng Chạp Âm Lịch, nhiều người dân Sài Gòn tìm tới các bờ sông, ao hồ, kênh rạch để phóng sinh cá chép, tiễn ông Công ông Táo về trời. Để cá không bị người khác vớt lên lại, nhiều người còn đi xuống máy ra giữa sông, mang vợt để đưa cá ra xa bờ để thả.

Theo báo Thanh Niên, tại kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ tờ mờ sáng đã có rất đông người dân đến bên bờ sông để thả cá phóng sinh.

Anh Mai Chí Tâm cho biết: “Có nhiều người thả gần bờ cá ngộp không bơi nổi tạo cơ hội cho những người xấu đến vớt cá. Thả cá đưa ông Táo về trời là một phong tục nhưng cũng là cách để chúng ta thả cá vào môi trường để nó sinh sôi nữa.”

Tuy nhiên, cứ một người thả lại có một kẻ bắt. Do lượng cá phóng sinh vào ngày này rất lớn, nên nhiều người đã mang lưới, vợt, xuồng, ghe, thậm chí dùng cả bình điện để bắt mọi chú cá lớn nhỏ vừa được thả xuống.

Dân Sài Gòn kéo nhau đi xuồng ra giữa sông để thả cá phóng sinh. (Hình: Thanh Niên)

Có nhiều nơi, những người “hành nghề” này còn thản nhiên chờ cạnh những người thả cá để dễ bắt hơn, tạo nên một cảnh tượng bi hài trong ngày đưa ông Công ông Táo về trời.

Nhiều người còn dùng cả xuồng, ghe để bắt được nhiều hơn. Anh M.H., một người đi bắt cá từ sáng sớm cho biết: “23 năm nào tôi cũng đi. Nhà có sẵn xuồng nên tranh thủ kiếm mớ cá về ăn chứ có gì đâu.”

Thậm chí, nhiều người còn dùng cả bình điện để chích cá, lươn được phóng sinh. Những người này cho biết, trong một buổi sáng vớt được vài chục kg cá là chuyện bình thường.

Tại chùa Diệu Giác (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), hàng trăm người dân cũng tập trung cúng tiễn và phóng sinh ở đây. Do khuôn viên chùa cạnh bờ sông Sài Gòn, nên việc làm lễ trong chùa và thả vật phóng sinh diễn ra rất thuận tiện. Vật phóng sinh gồm cá, chim, ba ba… do người dân tự mang đến, hoặc mua ở cửa hàng ngay trước cổng chùa.

Một người đi bắt cá vừa được phóng sinh sáng 23 Tháng Chạp Âm Lịch. (Hình: Thanh Niên)

Chị Hoàng Thu Thảo chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đến chùa để thả cá phóng sinh. Tôi thường thả cá nhỏ vì số lượng nhiều, thả chúng ra môi trường còn sinh sản nữa chứ.”

Nhằm phục vụ cho lễ đưa ông Công ông Táo về trời, chùa Diệu Giác còn chuẩn bị một chiếc xuồng túc trực ở khu vực phóng sinh để chở người dân ra giữa sông thả cá. Nhiều doanh nghiệp, người dân còn thuê người vận chuyển hàng trăm kg cá lớn đến chùa phóng sinh vào ngày 23 Tháng Chạp.

Tuy nhiên, chiếc xuồng chở người dân ra giữa dòng để phóng sinh cá đi đến đâu, liền sau đó sẽ có một chiếc xuồng khác kè đến canh bắt ngay. Nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm trước hành động này. (TS)

Không tỉnh táo, lái xe dễ bị tai nạn

MỚI CẬP NHẬT