Thursday, March 28, 2024

Trần Đại Quang ‘im lặng’ vụ ‘Tuổi Trẻ Online’, nhưng ‘mặn mà’ vụ Đặng Văn Hiến

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến hôm 18 Tháng Bảy, Chủ Tịch Nước CSVN ông Trần Đại Quang vẫn giữ “sự im lặng tuyệt đối” về vụ phiên bản báo “Tuổi Trẻ Online” bị đình bản vì đã dẫn lời ông “đồng tình với kiến nghị cần có Luật Biểu Tình” hồi tháng trước.

Nhiều blogger trong giới truyền thông, luật sư nêu ý kiến trên mạng xã hội rằng theo luật, nếu báo Tuổi Trẻ có dẫn sai lời chủ tịch nước trên website thì lẽ ra ông này nên khởi kiện tờ báo, chứ Cục Báo Chí, Bộ Thông Tin Truyền Thông, không thể tự tiện ra lệnh đình bản và phạt tiền.

Ông Trung Bảo, cựu phóng viên báo Thanh Niên bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Nếu ông chủ tịch nước cho rằng điều này gây ảnh hưởng không tốt cho mình thì ông có quyền khiếu nại theo Luật Báo Chí. Nếu thấy chưa đủ thì có thể nhờ đến sự phân xử của tòa án. Đây là một phản ứng trong không gian của một xã hội dân sự bình thường. Tại Việt Nam không như vậy. Báo chí được khẳng định là “công cụ” của đảng cầm quyền, vì vậy thay vì để mọi thứ diễn ra như một hoạt động dân sự thì quy trình khiển trách bằng một quyết định hành chính đã được áp dụng.”

Tuy nhiên, cũng có suy đoán trong vụ đình bản website của báo Tuổi Trẻ, ông Quang chỉ có thể “ngậm bồ hòn làm ngọt,” vì người ra quyết định xử phạt thật sự là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong lúc người gánh trách nhiệm ký tên trên văn bản là Cục Trưởng Cục Báo Chí Lưu Đình Phúc.

Điều này giải thích tại sao báo Tuổi Trẻ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc “chấp hành lệnh đình bản,” dù tờ quyết định phạt có chú thích ở cuối văn bản rằng: “Báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này theo quy định của pháp luật.”

Trong khi hoàn toàn im lặng vụ “Tuổi Trẻ Online,” Chủ Tịch Quang lại mau mắn lên tiếng “yêu cầu kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến.”

Ông Đặng Văn Hiến là người nông dân nổ súng chống cưỡng chế đất trong vụ việc khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại tỉnh Đắk Nông hồi Tháng Mười, 2016. Ông Hiến vừa bị tuyên y án tử hình về tội “Giết người” trong phiên tòa phúc thẩm.

Phát ngôn về vụ án Đặng Văn Hiến của Chủ Tịch Quang lập tức được một số luật sư bào chữa cho ông Hiến lên tiếng ca ngợi “sự anh minh biết nghe công luận” và suy đoán rằng chủ tịch nước sau cùng sẽ quyết định giảm án cho ông Hiến “để hợp lòng dân.”

Tuy vậy, giới hoạt động xã hội dân sự lại cho rằng việc của ông Quang không phải là ra công văn chỉ đạo Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao “xem xét lại bản án đối với ông Hiến.”

Trên lý thuyết, do đây là án tử hình, nghiễm nhiên hai nơi này phải làm theo quy định pháp luật về việc xem xét lại các khâu điều tra, truy tố, xét xử trước khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm lại vụ án này hay không. Và khi đó, lời chỉ đạo của ông Trần Đại Quang chỉ có giá trị “làm truyền thông,” “tạo dựng hình ảnh” cho chính ông mà thôi. (T.K.)

Du khách Pháp bị trả tiền âm phủ khi đi xích lô

MỚI CẬP NHẬT