Thursday, March 28, 2024

Tránh ‘thực phẩm bẩn,’ dân Sài Gòn nấu ăn ngay trên vỉa hè

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ở bất kỳ đường phố có tên hay ngõ hẻm không tên của Sài Gòn, dù ngày hay đêm, ai cũng dễ dàng tìm được một hàng bán đồ ăn, và chắc chắn họ sẽ ăn no bụng nếu không e ngại chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhưng với dân lao động thì ngay cả chuyện được cung cấp đủ thông tin về sự nhiễm độc tràn lan, vô phương ngăn chặn các loại thực phẩm họ đang sử dụng dù có kể cho họ nghe: Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ dân số mắc bệnh ung thư và chết vì căn bệnh này đứng hàng thứ nhì thế giới. Thì họ cũng chẳng biết đâu mà phòng tránh cứ nhắm mắt liều thân ăn để mà sống.

Ở góc đường Lê Hồng Phong, An Dương Dương, ngay khi vừa qua đợt dọn dẹp lòng lề đường của công an, chỉ hơn 10 giờ sáng, người ta bắt gặp cái bếp ăn được nổi lửa nấu các món ăn trưa ngay trên vỉa hè. Người đàn bà tuổi ngoài 40, đang nấu món cá kho, mùi nước mắm kho cá đang sôi tỏa khói thơm phức. Bà và người chị gái là dân bám vỉa hè để mưu sinh với nghề bán pô xe gắn máy cũ. Thật lạ lùng khi được bà cho biết, chỉ với nghề này chị em bà chia ca bám lề đường kiếm sống hơn mấy mươi năm.

Trong khi chờ nồi cá kho chín, bà lấy bó cải ngọt ra cắt thành từng khúc nhỏ trước khi cho vào cái xô nhựa cũ đựng nước vo gạo. Bà nói. “Mấy mẹ chảnh sợ rau cải nhiễm thuốc trừ sâu nên đi siêu thị mua thuốc rửa rau loại này loại nọ, còn tui cứ như ông bà hồi xưa rửa bằng nước vo gạo là yên tâm.”

Một người khách đàn ông đang thay pô xe hỏi. “Bày nấu nướng giữa đường chi cho khổ vậy, bước vài bước là có tiệm cơm, có hai chục ngàn một dĩa chớ mấy.” Bà lắc đầu, trả lời. “Cơm bao no bao chết hả. Tui còn yêu đời lắm nghe!”

Khi nồi cá kho vừa chín, bà lấy chai nước suối loại khoản nửa lít ra đổ vào cái nồi nhỏ để chuẩn bị nấu canh. Không chờ ông khách đang ngồi chờ thay pô xe hỏi, bà liền nói. “Tui đâu có tin ba cái thứ nước suối trong chai bán tùm lum, nước này tui nấu sôi, đem theo uống với nấu ăn, mấy ông thấy tui kỹ chưa. Muốn sống được ở thời buổi này phải vậy.”

Bám vỉa hè bán pô xe gắn máy cũ, cái nghề tầm thường vậy mà nhiều người tạm đủ sống qua ngày. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Mới đây, khi một cơ quan vệ sinh thực phẩm của chế độ cho thử máu dân Hà Nội, họ loan tin trên báo chí kết quả có gần 50% trong số 67 người xét nghiệm ở Hà Nội nhiễm thuốc trừ sâu.

Đi thăm bà con có nhà ở gần chợ An Hữu, Cái Bè, Tiền Giang, khi đi dạo chợ người bà con chúng tôi căn dặn, muốn mua rau trái gì thì để anh mua cho, chớ thấy đồ tươi ngon mà nhào vô là dính đồ xịt thuốc tăng trưởng, trừ sâu. Ngay chính anh và gia đình ở tại chỗ cũng phân biệt thứ nào trồng để ăn, thứ nào để bán. Biết thứ để bán là độc hại nhưng thiên hạ ai cũng hùa nhau xịt sâu, xịt thuốc cho trúng mùa, mình làm ăn đàng hoàng chỉ có đói.

Tất nhiên khuynh hướng người Việt đầu độc người Việt bằng các loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc thì ai cũng biết. Nhưng chế độ Hà Nội suốt mấy chục năm qua, đến bữa ăn của công dân cũng không bảo đảm được an toàn thì người dân biết dựa vào đâu.

Khi nồi canh gần chín, bà ngước mặt đẫm mồ hôi vì sức nóng lề đường và bếp lửa. Bà nói. “Tui đố mấy chú rau này tui mua ở đâu?” Rồi chừng như đoán chúng tôi sẽ đoán bà mua ở các chợ nhỏ trôi nổi hay xe đẩy, bà vừa nói vừa cười, đưa cái điện thoại di động thông minh cũ lên nói. “Thấy tụi tui nghèo mà coi thường không được đâu nghe, đồ ăn của tụi tui do bà con dưới quê gởi lên không đó, xe đêm lên tới là a lô một tiếng ra lấy hàng tươi.”

Thật thú vị khi chỉ trong khoảng thời gian nấu bữa cơm trưa mà chúng tôi được biết về cách mà người bình dân Sài Gòn chọn cách tự vệ trước vấn nạn toàn phần về nhiễm độc thực phẩm ở Việt Nam. Tất nhiên cách ăn để sống này không ai dám chắc sẽ thoát được thảm họa thực phẩm bẩn; nhưng người lao động nghèo Sài Gòn làm sao có thể tranh mua hàng xách tay thuốc giải độc thực phẩm cao cấp, xuất xứ từ Mỹ hay Nhật với các nhà giàu đỏ đang phất và quan chức cán bộ tham nhũng.

Bữa cơm trưa của hai chị em bán pô xe gắn máy cũ gồm hai món canh cải nấu tôm khô và cá lóc kho sệt sẽ được bày ăn ngay trên vỉa hè dưới bóng mát của cái dù che nắng che mưa cũ nát. Ở một góc riêng của đô thị phồn vinh lòe loẹt giả tạo, vẫn còn đó những người lao động kiếm sống ngon miệng với bữa cơm trưa do chính tay họ chọn thực phẩm và nấu ăn. (Trần Tiến Dũng)

Úc bắt giữ 15 thuyền nhân nghi là người Việt vượt biên

MỚI CẬP NHẬT