Thursday, March 28, 2024

Trẻ con Việt Nam buộc phải ‘sáng tạo’ để có thể sinh tồn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chỉ trích hệ thống công quyền kịch liệt sau khi Thành Đoàn Sài Gòn công bố kết quả cuộc thi “Sáng Tạo” dành cho thanh niên, thiếu nhi 2017.

Người ta phẫn nộ khi hệ thống công quyền đẩy những đứa trẻ chỉ chín, mười tuổi buộc phải “sáng tạo” để có thể sinh tồn.

Facebooker Thanh Nguyen Dac viết: “Nhục. Nhà nước ta có cả một cái cơ quan có tên ‘Ủy Ban Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em’ hàng năm tiêu không ít tiền thuế. Bà Lê Thị Hoàng Yến, đại diện Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em Việt Nam, cho biết luật quy định khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Và những cơ quan này chắc cũng chẳng tự đi quyên góp để lấy tiền hoạt động. Thế nhưng một việc như thế này lại để cho các cháu phải tự nghĩ ra. Khi nhìn thấy bức ảnh này thú thực là tôi lặng hết cả người dù chưa đọc bài viết. Mình không ở trong 15 cái của nợ kia, nhưng cũng cảm thấy nhục. Xin được ngả mũ bái phục các cháu một cách hết sức thực lòng. Các cháu đã vả vào mõm những kẻ luôn leo lẻo chuyện bảo vệ trẻ em.”

Chuyện là thế này, “giải nhất” của bảng A (bảng dành cho học sinh tiểu học) trong cuộc thi “Sáng Tạo” dành cho thanh niên, thiếu nhi năm nay được trao cho ba bé gái: Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Thị Ngọc Lan, cùng học lớp 5 tại trường Tiểu Học Bình Mỹ, tọa lạc ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, Sài Gòn.

Cả ba bé gái là đồng tác giả sản phẩm “áo phao cứu sinh” do các bé tự chế. “Áo phao cứu sinh” này là “hệ thống” những sợi dây mà các bé nhặt nhạnh, gắn chúng vào với nhau để giữ năm vỏ chai nhựa loại có dung tích 1.5 lít, dùng để đựng nước uống, giúp người mang “áo phao tự chế” không chết đuối.

Theo giải thích của bé Trâm, được trang web của Thành Ủy Sài Gòn tường thuật lại, thì ý tưởng “sáng tạo” loại “áo phao tự chế” phát xuất từ thực tế sinh hoạt hằng ngày: Bé và bạn bè phải dùng ghe, xuồng để đến trường. Do nghèo túng, phụ huynh không thể sắm áo phao cho con cháu thành ra tính mạng của chúng luôn luôn bị các vụ tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đe dọa.

Trâm nói thêm vì bé và hai bạn của mình từng chơi trò “Thả Ước Mơ” – viết ước mơ vào một chai đựng nước rồi thả chai xuống sông, vì chai luôn nổi nên bé và các bạn nảy ra ý tưởng dùng vỏ chai chế tạo “áo phao cứu sinh,” giúp bạn bè không bị chìm. Trâm muốn tặng “sáng tạo” của bé và hai bạn cho những bạn bè đồng lứa, phải sống ở vùng nhiều sông, rạch.

Bé Nhung, một thành viên khác của nhóm đoạt giải nhất nhờ “áo phao tự chế” từ các vỏ chai đựng nước, cho biết nhóm ba bé gái này đã thiết kế thêm nhiều “áo phao tự chế” để tặng các bạn trong trường. Sắp tới, các bé sẽ viết hướng dẫn cách làm “áo phao tự chế” để giới thiệu cho bạn bè ở các trường khác tại huyện Cần Giờ, thậm chí trên cả nước nhằm giúp nhiều bạn có thể tự làm cho mình một “áo phao cứu sinh,” tránh được những tai nạn thương tâm…

Bà Châu Thị Thắm, hiệu trưởng trường Tiểu Học Bình Mỹ, nói rằng trường của bà có khoảng 220 học sinh, nhiều học sinh phải dùng xuồng, dùng đò để đến trường, rất nguy hiểm. Do vậy, “áo phao tự chế” vừa thể hiện sự quan tâm của học sinh đến nhau, vừa là động lực để các học sinh khác noi theo, từ đó học sinh có thêm nhiều sáng tạo phục vụ cho nhu cầu của chính mình.

Từ “sáng tạo” và quyết định trao giải cho “áo phao tự chế” của Trâm, Nhung, Lan, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đặt ra hàng loạt câu hỏi. Hệ thống công quyền Việt Nam có hàng loạt tổ chức từ trung ương đến địa phương để “bảo vệ trẻ em,” những tổ chức này ở đâu, làm gì để ba bé gái phải “sáng tạo” các “áo phao cứu sinh” tự chế như thế?

Tại sao chưa kiểm định mức độ an toàn của “áo phao cứu sinh” tự chế mà đã tuyên truyền, khuyến khích trẻ con “sáng tạo” để cứu mình và cứu lẫn nhau? Tại sao hệ thống công quyền không thấy xấu hổ, không sám hối mà lại chuyển luôn trách nhiệm bảo vệ trẻ con cho chính chúng tự lo?

Facebooker Duong Binh Dang bình luận: “Những chuyện như thế này là hiện tượng phổ biến trong cái xã hội quái thai này. Tất cả là do chính sách cán bộ đẻ ra một bọn nhung nhúc ăn hại, làm việc vô tâm vô cảm vô trách nhiệm. Nhiều người đã kết tội chúng: Ngu. Tôi không tán thành, mà là tham, bất lương, vô liêm sỉ…”

Facebooker Justice Công Lý viết: “Các ban bệ và ủy ban Việt Nam toàn là ăn hại thế thôi, phí tiền thuế dân nuôi họ! Quá nhục! Chính quyền ‘của dân, vì dân’ thế đấy! Đảng trưởng còn nổ ‘đất nước bao giờ được như thế này chăng!’ Bỏ rơi dân nghèo, trẻ đu dây qua suối đi học lớp lá dột nát mà còn xây thêm tượng đài với nhà hát opera nữa đi!?”

Đồng tình, Facebooker Dinh Ngoc viết: “Thế các vị tưởng sinh ra mấy cái ban bệ ủy ban này kia là để làm việc à? Ngây thơ thế. Là nơi xếp sắp nhân sự để ăn tiền của dân, để làm điểm tựa, để tiến thân cho con mấy cha thôi.”

Facebooker Tâm Ngô viết: “Ráng đi con ơi, vì nhà nước của chúng ta lấy tiền xây tượng đài ngàn tỷ và biệt thự hết rồi. Đúng là khốn nạn.”

Facebooker Trần Quốc Việt thì cho rằng: “Hãy… tự cứu lấy mình trước khi trời cứu.” (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT