Thursday, March 28, 2024

Mỹ, Trung Quốc, ASEAN muốn tránh va chạm trên không phận Biển Đông

SINGAPORE (NV) – Mỹ, Trung Quốc và các nước ASEAN thỏa thuận trên nguyên tắc về các quy định cho các máy bay quân sự bay trên Biển Đông nhằm tránh đụng độ hay dẫn đến chiến tranh.

Cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác khu vực gồm Úc, Ấn độ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Nga, Mỹ và New Zealand, tiến về phía trước được một bước khi đạt thỏa thuận nguyên tắc, để các phi cơ quân sự bay trên Biển Đông xác định danh tính và tránh có các hành vi khiêu khích nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến những đáp trả khó lường.

Các nguyên tắc mới được thỏa thuận, theo hãng tin Bloomberg, tượng trưng cho các nỗ lực từng được đề cập tại kỳ họp 4 năm trước, về các chuyến bay của các phi cơ quân sự trên Biển Đông, khu vực Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% dù họ chỉ cướp một số đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam từ những năm 1974 đến 1988.

“Khi có chuyện xảy ra, những sôi động tiếp diễn sau đó khó có thể kiểm soát.” Ông Ng Eng Hen, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, nói với báo giới sau cuộc họp hôm Thứ Bảy. “Chúng tôi nhận ra rằng cái giá phải trả cho bất cứ biến cố nào cũng đều quá cao và không cần thiết dù để khẳng định hay chứng tỏ lập trường của mình.”

Cuộc họp ba ngày giữa các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN và các đối tác ở Singapore diễn ra trong bối cảnh chiến hạm Trung Quốc chận đầu chiến hạm Mỹ ở gần đảo nhân tạo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đã biến thành một căn cứ quân sự quy mô. Trong vòng hai tuần lễ, pháo đài bay B-52 của Hoa Kỳ đã hai lần bay qua khu vực Biển Đông, nhắc nhở cho Trung Quốc biết đấy không phải là “ao sau nhà” của họ mà là vùng biển quốc tế.

Những thỏa thuận nguyên tắc mới xây dựng trên căn bản thỏa hiệp năm 2014 được tất cả 21 nước đồng thuận về “Quy ước gặp không hẹn trên biển” gọi tắt là CUES (Code of Unplanned Encounters at Sea).

Ngoài vấn đề tránh leo thang căng thẳng quân sự, cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 đối tác cũng đồng ý với nhau tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo chống lại các nguy cơ khủng bố, giúp xây dựng lòng tin cậy lẫn nhau và phối hợp hành động.

Ngoài các cuộc họp chính thức, các bộ trưởng cũng có các cuộc gặp mặt song phương hoặc đa phương bên lề. Tin tức cho hay Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, thúc giục họ hợp tác chặt chẽ với lực lượng Mỹ, không cho phép nước nào dùng cường quyền độc chiếm Biển Đông.

Cho tới nay, cái người ta trông ngóng nhất vẫn là một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) để tránh xung đột quân sự trên Biển Đông thì vẫn chưa có. ASEAN và Trung Quốc mới chỉ thỏa thuận được với nhau về một cái khung để đàm phán dù hai bên đã ký với bản “Tuyên bố ứng xử” (DOC) từ năm 2002. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Bỏ cao học, nuôi gà kiểng xuất về Việt Nam”

MỚI CẬP NHẬT