Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc đặt hệ thống phá sóng tại Trường Sa

NEW YORK (NV) – Trung Quốc đã đặt hệ thống điện tử để phá sóng trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, báo Wall Street Journal cho hay theo lời một viên chức quốc phòng Mỹ.

Theo lời viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ không thấy Wall Street Journal nêu tên, Trung Quốc đã thiết trí các hệ thống máy móc điện tử tại hai tiền đồn được kiên cố hóa trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa, có thể phá sóng truyền tin của các hệ thống radar. Đây là bước đáng kể trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông đi từng bước của Trung Quốc.

Hành động này giúp Trung Quốc tăng cường bảo vệ vùng biển đảo mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988, đồng thời cũng ngăn trở các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của nhiều nước. Biển Đông là thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới với số lượng hàng hóa thương mại $5,000 tỷ đi qua mỗi năm.

Lời tiết lộ của viên chức quốc phòng Mỹ đưa ra sau khi có tin hồi tuần qua, Trung Quốc mở các cuộc tập trận quy mô cả không quân và hải quân trên Biển Đông, trong đó, có sự tham dự của mẫu hạm Liêu Ninh, vừa diệu võ dương oai với Mỹ, vừa đe dọa các nước nhỏ phía Nam.

Lời tiết lộ của viên chức quốc phòng Mỹ được chứng minh qua những tấm không ảnh do tổ chức DigitalGlobe cung cấp cho Wall Street Journal. Trên đó, có thể thấy những hệ thống phá sóng với trụ ăng-ten trên đảo nhân tạo Vành Khăn, một trong bảy đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa từ năm 2014.

Báo Wall Street Journal cho biết Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không phản ứng gì khi được yêu cầu bình luận.

Một phần đảo nhân tạo Vành Khăn với phi đạo, nhìn gần hơn. (Hình: Wall Street Journal/DigitalGlobe)

Sau hơn ba năm gấp rút xây dựng, bảy bãi đá ngầm Trung Quốc cướp của Việt Nam đã biến thành bảy căn cứ quân sự khổng lồ, phối hợp với các căn cứ tại quần đảo Hoàng Sa, cướp của Việt Nam năm 1974, khống chế toàn bộ Biển Đông. Ba trong bảy đảo nhân tạo tại Trường Sa có các phi đạo dài 3,000 mét, đủ để các phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc lên xuống bên cạnh các cảng biển cho tàu chiến. Những doanh trại to lớn nhiều tầng, các đài radar, các cơ sở truyền tin, viễn thông, các vị trí phòng không, nhà chứa máy bay đã sẵn sàng hoạt động.

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông, các nước khác chỉ còn rẻo nước ven bờ, nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều cùng là thành viên.

Ông Vương Nghị, thành viên quốc vụ viện kiêm ngoại trưởng Trung Quốc, đến Việt Nam hồi cuối tháng trước, tham dự hội nghị phát triển tiểu vùng sông Mekong rồi gặp các lãnh đạo hàng đầu của nhà cầm quyền CSVN như tổng bí thư đảng, thủ tướng, chủ tịch nước, ngoại trưởng CSVN. Các bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và truyền thông trong nước thuật lại các cuộc gặp này đều nói các lãnh đạo CSVN đều kêu gọi “hai bên nghiêm túc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao.”

Đó là những lời tuyên bố chung được lập lại mấy năm qua gồm “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” trong đó hai bên “kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Tuyên bố thì như thế nhưng Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiến hành chủ trương bá quyền bành trướng, cướp ngày, và Hà Nội thỉnh thoảng chỉ có những lời phản đối suông. (TN)

Điểm tin buổi sáng ngày 9 tháng 4 năm 2018

MỚI CẬP NHẬT