Friday, April 19, 2024

Trung Quốc đóng cửa ‘tiểu ngạch,’ ngư dân miền Trung lao đao

PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Trung Quốc đóng cửa “tiểu ngạch” (nhập cảng không chính thức) khiến tôm hùm, mực và cá nục sấy khô… rớt giá mạnh nhưng vẫn không bán được, đẩy ngư dân miền Trung lâm vào cảnh khốn khó.

Theo báo VietNamNet ngày 8 Tháng Mười, 2019, ngư dân nuôi tôm hùm ở Phú Yên đang thua lỗ nặng vì giá tôm rớt giá “chưa từng thấy.”

Ông Trịnh Oai Doanh, người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cho biết: “Năm ngoái giá tôm hùm thương phẩm bình quân ở mức 900,000 đồng ($38.7) đến 1.2 triệu đồng ($51.7), cao điểm lên tới 1.8 triệu đồng ($77.5)/kg, nhưng năm nay rớt giá gần một nửa, thế mà thương lái còn kén chọn trọng lượng đúng kích cỡ từ 0.3 kg trở xuống họ mới mua.”

“Ngư dân nếu đã vớt tôm lên có rẻ cũng phải bán, chứ đem tôm ra rồi lại thả vào là sốc nước chết ngay, mà giá tôm chết thì vô cùng rẻ mạt. Mùa tôm này ai được hòa vốn là mừng lắm,” bà Huỳnh Thị Huệ, một người nuôi tôm lâu năm ở thị xã Sông Cầu, buồn rầu nói.

Tương tự trước đó, “thủ phủ nuôi tôm” Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cũng gặp tình trạng Trung Quốc ngừng mua tôm hùm, khiến giá giảm xuống mức thấp kỷ lục, người nuôi tôm theo đó chịu thua lỗ hàng tỷ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ với người nuôi tôm, những người nuôi ốc hương ở Cam Ranh cho biết bắt đầu Tháng Ba, 2019, khi Trung Quốc ngừng hẳn việc nhập tiểu ngạch hải sản từ Việt Nam, giá ốc hương giảm mạnh xuống mức thấp nhất chỉ còn 130,000-135,000 đồng ($5.6-$5.8)/kg, khiến người nuôi thua lỗ, không dám tiếp tục thả nuôi nhiều.

Giá tôm rớt khoảng 40% so với cùng kỳ 2018. (Hình: VietNamNet)

Nói với báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Võ Nam Thắng, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nguyên nhân khiến cho giá tôm hùm không ổn định là do người nuôi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Giai đoạn này phía Trung Quốc đang có những kiểm soát về mặt kỹ thuật và tiêu chuẩn của tôm rất kỹ, nên tôm hùm ở miền Trung bị tồn đọng lại với lượng lớn, giá bán giảm.

“Thị trường Trung Quốc đã có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nhập cảng từ Việt Nam, siết chặt việc nhập cảng thương mại nông thủy sản qua cả hai đường chính thức và không chính thức. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thu mua tôm hùm, ốc hương… ở miền Trung vốn quen với việc xuất cảng qua đường tiểu ngạch và hầu hết chưa đáp ứng quy định mới của thị trường Trung Quốc,” ông Thắng giải thích.

Theo phúc trình của giới hữu trách Việt Nam, tại các khu vực biên giới Việt-Trung ở tỉnh Quảng Ninh, hiện còn nhiều lô hàng thủy sản tồn đọng do Trung Quốc không cho nhập. Cụ thể tôm của Khánh Hòa hơn 129 tấn; mực, cá từ Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, gần 14 tấn…

Trước đó hồi Tháng Sáu, 2019, cũng do bị Trung Quốc kiếm chuyện ngăn cản không cho nhập cảng qua đường tiểu ngạch, gần 1,000 tấn khô mực của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, bị tồn đọng dù đã giảm giá hết cỡ khiến hàng loạt tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ do không có tiền trả nhân công và chi phí hoạt động cho những chuyến đi biển. Trước tình cảnh này, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam đã phải yêu cầu chính phủ can thiệp để ngư dân có thể bán được hàng với mức giá phù hợp.

Thế nhưng, trong lúc mực khô ở Quảng Nam chưa được giải quyết thì đến lượt cá nục sấy khô của ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tiếp tục bị Trung Quốc “cấm cửa” không cho nhập cảng với chiêu bài bất ngờ buộc các chủ hàng Việt Nam phải có giấy “chứng nhận nguồn gốc cá” và “an toàn thực phẩm.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT