Thursday, April 18, 2024

Trung Quốc ngăn nước, hạn mặn ‘diễn biến khó lường’ ở miền Tây

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Sau Tết Nguyên Đán, nước mặn xâm nhập sâu vào nhiều cửa sông ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo dự báo, mùa hạn mặn năm nay “diễn biến khó lường,” gần 90,000 hécta lúa, cây trái có thể bị thiệt hại.

Báo Tuổi Trẻ dẫn nhận định tình hình hạn mặn tại miền Tây cho biết “có thể gay gắt trong Tháng Hai và kéo dài đến đầu Tháng Ba, sau đó giảm dần.” Tuy không khốc liệt như mùa khô vừa qua, nhưng “ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.” Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở các cửa sông Cửu Long “có khả năng tập trung trong thời kỳ từ giữa Tháng Ba đến đầu Tháng Tư tới.”

Nông dân miền Tây lo lắng khi ruộng lúa chết khô vì thiếu nước. (Hình: Tiến Trình/Tuổi Trẻ)

Theo ông Trần Bá Hoằng, viện trưởng Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam, nguồn nước lưu vực sông Mekong đến giữa Tháng Hai này, rất ít nước do từ ngày 5 đến 24 Tháng Giêng vừa qua, phía Trung Quốc cho rằng phải “bảo trì” đập hồ chứa Cảnh Hồng nên giảm lưu lượng xả ở mức 1,000 khối/giây. Do đó, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (tại trạm Kratie, Cambodia) về Đồng Bằng Sông Cửu Long ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng từ 5% đến 15%.

Điều này khiến nguồn nước Đồng Bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là vùng ven biển sẽ gặp khó khăn từ cuối Tháng Hai và Tháng Ba. Hiện tình trạng xâm nhập mặn đến ngày 16 Tháng Hai, cao hơn trung bình nhiều năm từ 6 đến 13 cây số.

“Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới,” ông Hoằng nói.

Báo Giáo Dục và Thời Đại cho hay thực tế tình hình mặn xuất hiện bắt đầu từ trung tuần Tháng Mười Hai, 2020, cho đến hiện tại và ngày càng dày hơn. Nó làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong các vùng bị ảnh hưởng.

Theo dự báo mùa hạn mặn năm nay, ranh mặn 4 g/lít trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển từ 53 đến 60 cây số. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (tỉnh Tiền Giang), mặn xâm nhập cũng từ 45 đến 55 cây số. Các sông Hàm Luông, Cổ Chiên (Bến Tre, Trà Vinh), mặn đi sâu vào đất liền từ 50 tới 57 cây số, trong khi trên sông Hậu (Sóc Trăng, Trà Vinh) từ 45 tới 53 cây số…

Với tình trạng xâm nhập mặn như hiện nay, nguy cơ thiệt hại vụ Đông Xuân 2020-2021 ở lúa khoảng 37,822 hécta. Trong đó, tỉnh Long An khoảng 1,500 hécta, Trà Vinh khoảng 11,000 hécta, Bạc Liêu khoảng 25,322 hécta…

Đối với cây ăn trái, dự báo rủi ro tổng diện tích khoảng 50,078 hécta. Trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 16,607 hécta; Bến Tre 15,797 hécta; Sóc Trăng 3,424 hécta; Long An 6,133 hécta; Vĩnh Long 1,858 hécta; Hậu Giang 1,681 hécta…

Báo VOV Đài Tiếng Nói Việt Nam cho biết do bị thiệt hại nặng nề trong mùa hạn mặn năm 2020, nên năm nay người dân ở các vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long đã chủ động ứng phó, không chờ nhà nước. Nhiều gia đình đầu tư hệ thống ao, hồ, ao nổi tích trữ nước ngọt. Nhiều nhà vườn tận dụng hệ thống ao hồ trong vườn cây ăn trái để chứa nước mưa và nước ngọt…

Ông Lê Thanh Tùng, phó Cục Trồng Trọt Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết để ứng phó với hạn mặn, người dân trồng cây ăn quả tại các tỉnh ven biển Đồng Bằng Sông Cửu Long đã chủ động tích trữ nước ngọt để tưới cho vườn nhà.

Theo ước tính của Sở Nông Nghiệp tỉnh Bến Tre, trong năm 2020 có khoảng 500 ao với dung tích 500 khối nước/ao được người nông dân thiết kế.

Tại tỉnh Tiền Giang rút kinh nghiệm thiệt hại cây sầu riêng trong mùa khô năm 2019-2020, nông dân tại huyện Cai Lậy đã đầu tư dụng cụ tích nước, trong đó có 109 ao với dung tích 2,000 khối nước/ao…

Nhà vườn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, tự làm ao nổi trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa hạn mặn. (Hình: Giáo Dục và Thời Đại)

Anh Nguyễn Văn Tám (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết đã đầu tư hệ thống ao nổi trong vườn, với lượng nước ngọt trữ được từ Tháng Chín, 2020, gia đình anh yên tâm trong mùa hạn mặn sắp tới.

“Năm trước, do thiếu nước phải tưới nước nhiễm mặn đã làm nhiều cây ăn trái bị chết và suy giảm năng suất. Năm nay, bằng cách chứa nước ngọt trong ao hồ và hệ thống ao nổi, hy vọng vườn sầu riêng của tôi sẽ cầm cự được khoảng hai tháng cao điểm hạn mặn,” anh Tám nói.

Các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… người dân cũng đang tích cực tích trữ nước trong mùa khô… (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT