Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc nghi tàu cá Việt Nam ‘do thám quân sự ở đảo Hải Nam’

HONGKONG, Trung Quốc (NV) – Nhiều tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập vào lãnh hải Trung Quốc gần đảo Hải Nam, nơi có các căn cứ quân sự quan trọng, theo một số nhà phân tích được dẫn lời trên báo South China Morning Post.

Các tàu đánh cá của Việt Nam thường hay khai thác thủy sản gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Họ từng bị đâm chìm, hay ít nhất đâm cho hư hỏng, ngư dân bị đánh đập nhiều lần hàng năm và được tường thuật trên báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, không thấy báo chí của Việt Nam đề cập gì tới những tin tức về các tàu cá nước mình xâm phạm hải phận của Trung Quốc gần đảo Hải Nam.

Hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Hai, 2020, tờ South China Morning Post (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông, dẫn lời một số “nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc” nói các tàu đánh cá của Việt Nam có thể đi đánh cá, nhưng một số đến đó là để “dò thám” vùng biển phía nam tỉnh đảo Hải Nam, khu vực có căn cứ hải quân quan trọng trong mưu đồ khống chế Biển Đông.

SCMP dẫn báo cáo của một tổ chức nghiên cứu của đại học Bắc Kinh nói rằng ít nhất thấy có 34 tàu đánh cá Việt Nam tới gần Hải Nam trong khoảng thời gian từ 19 đến 31 Tháng Giêng 2020 mà hầu hết chạy bên trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.

“Khoảng 30 chiếc tàu cá đó đặc biệt tập trung mặt phía nam của đảo, gần các cảng Sanya (Tam Á) và Lingshui (Linh Thủy), căn cứ theo dữ liệu của hệ thống xác định vị trí tự động theo dõi tàu biển.”

“Theo sự quan sát của tôi, họ có đến vì nguồn cá, nhưng cùng một lúc chúng ta phải lưu ý là Việt Nam cũng có dân quân biển trên các tàu đánh cá mà không được dư luận quốc tế để ý mấy.” Lời ông Chen Xiangmiao (Trần Tường Miêu) một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông, Hải Nam.

Lời ông này không biết có phóng đại không, rằng hơn 10,000 lượt tàu đánh cá của Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc mỗi năm và tiếp diễn ít nhất cả thập niên vừa qua.

Ngư dân đang kéo lưới gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Theo lời ông ta, các căn cứ quân sự Trung Quốc có khu vực an ninh riêng, nhưng các thông tin về quân sự Trung Quốc như hoạt động tiếp vận, trang bị, hoạt động của chiến hạm, máy bay cũng có thể thu thập được từ xa. “Cho nên một số tàu đánh cá của việt Nam đến đó chỉ là những tàu gián điệp,” ông này nói.

Cuối năm ngoái, báo chí tại Việt Nam đưa tin “Việt Nam xây dựng hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.”

Báo điện tử VNExpress thuật lời tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc Phòng CSVN, cho biết như vậy tại “hội nghị chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, sáng 31 Tháng Mười Hai, 2019.”

Theo chủ trương vừa kể, Việt Nam sẽ lập hải đội dân quân tự vệ tại 14 tỉnh “làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng.”

Mới đây, Nhóm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu và Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn, cho hay trong bản phân tích là hai chiếc tàu đánh cá của Việt Nam, nghi ngờ là tàu “dân quân tự vệ” tham gia vào áp lực hoạt động dò tìm dầu khí của Malaysia tại khu vực biển chồng lấn chủ quyền giữa Việt Nam và Malaysia. (TN)

MỚI CẬP NHẬT