Friday, April 19, 2024

Trung Quốc, Việt Nam kêu gọi kềm chế cho hòa bình trên Biển Đông

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam và Trung Quốc cam kết giữ hòa bình ổn định trên Biển Đông khi lãnh đạo hai nước Cộng Sản anh em gặp nhau ở Hà Nội sau những căng thẳng đã làm cho mối quan hệ xuống thấp.

Sau khi tham dự Hội Nghị Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cậnh Bình bay tới Hà Nội hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Mười Một, thăm viếng chính thức hai ngày. Chuyến thăm như một cử chỉ nhằm đẩy lùi những căng thẳng hồi Tháng Bảy vừa qua khi Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính Đông Nam Vũng Tàu khoảng 160 km, vướng cái “Lưỡi Bò” ngang ngược của Bắc Kinh.

Bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm viếng của ông Tập Cận Bình công bố hôm Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một, nói rằng “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước” và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.”

Lời lẽ này cũng chỉ lập lại những lời tuyên bố của những lần trước mà lãnh đạo hai bên gặp nhau, gián tiếp cho hiểu lập trường về chủ quyền lãnh thổ tại các vùng tranh chấp trên biển không thay đổi. Việt Nam từ trước đến nay vẫn tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các bằng chứng lịch sử và thực tế “không thể tranh cãi.” Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn nói lại giống hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều đoạn liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.

Hồi Tháng Tám, ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận về một hiệp định khung để đàm phán chi tiết các điều khoản Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông hầu tránh chung đột võ trang. Việt Nam đòi điều kiện ràng buộc pháp lý để hiệp ước có thể thực thi hiệu quả nhưng một số nước ASEAN đã chống lại từ sự giật dây của Bắc Kinh.

Dù vậy, bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc viết rằng: “Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử Của Các Bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm đạt được Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

Bản tuyên bố chung cũng đề cập đến vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ hiện vẫn còn dậm chân tại chỗ dù hai bên đã ký hiệp ước từ năm 2000.

“Hai bên nhất trí làm tốt công việc tiếp theo sau khi khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; tiếp tục thúc đẩy công việc của nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm đã thỏa thuận. Hai bên đánh giá cao hoạt động thả giống thủy sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ,” bản thông cáo chung viết.

Trước khi có bản thông cáo chung, Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lại cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình, trong đó, ông Trọng “nhấn mạnh” với khách: “Việc bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững, giảm thiểu các nguy cơ bất ổn, xây dựng lòng tin đối với vấn đề Biển Đông giữa các nước liên quan là rất cần thiết, có lợi cho các bên, cho khu vực và thế giới. Các bên liên quan cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhau, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.”

Thông Tấn Xã Việt Nam thuật lại lời ông Tập Cận Bình đáp lời ông Trọng là “nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên Bố về Ứng Xử Của Các Bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán, xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử Của Các Bên ở Biển Đông (COC).”

Trong khi đó, Tân Hoa Xã thuật lại cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Trung Quốc và Việt Nam hôm Chủ Nhật ‘đồng thuận làm sâu sắc hơn sự hợp tác đối tác toàn diện trong tình hình mới.’” Ông Tập Cận Bình đề cao các thành tựu của hai nước và “tiến hành, duy trì và cổ võ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Tân Hoa Xã cũng cho biết: “Hai bên đồng ý xử lý đúng cách các vấn đề trên biển, cổ võ hợp tác trên biển dưới nhiều hình thức, gồm cả hợp tác phát triển, và nỗ lực duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông dựa trên các sự đồng thuận của lãnh tụ hai đảng và hai nước đã đạt được.”

Những lời lẽ này đã thấy được lập đi lập lại nhiều lần nhưng các căng thẳng làm mối quan hệ chùng xuống vẫn diễn ra.

Thứ Năm tuần trước, 9 Tháng Mười Một, ông Tập Cận Bình đã cho đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh và tờ nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội bài viết kêu gọi hai nước “hợp tác với nhau để dàn xếp tranh chấp trên Biển Đông.”

Trong bài viết này, ông kêu gọi hai bên “cần phải quản lý tốt các dị biệt và bất đồng.” Đồng thời, hai đảng phải “cam kết tìm kiếm giải pháp căn bản và lâu dài cho các vấn đề trên biển mà hai bên chấp nhận được xuyên qua tham vấn hữu nghị.” (TN)

Căng thẳng biển Đông: TT Trump muốn làm trọng tài

MỚI CẬP NHẬT