Friday, April 19, 2024

Tử hình Đặng Văn Hiến, công lý đã không đứng về phía người tận khổ (*)

Lời tòa soạn: Hôm 12 Tháng Bảy, 2018, phiên xử phúc thẩm của Tòa Án Cấp Cao tại Sài Gòn tuyên y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, người nông dân nổ súng chống cưỡng chế đất ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Vụ nổ súng xảy ra hồi Tháng Mười, 2016, làm 3 người chết, 13 người bị thương, liên quan đến việc ông Hiến chống cưỡng chế đất sau khi công ty Long Sơn được nhà cầm quyền tỉnh Đắk Nông cho thuê 1,079 hécta đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Sau vụ nổ súng, ông Hiến được một số phóng viên vận động ra đầu thú.
Bản án tử hình dành cho ông Đặng Văn Hiến đã tạo nên làn sóng bất bình và bất an trong dư luận tại Việt Nam, đặc biệt là trên mạng xã hội Facebook, như bài viết dưới đây của Facebooker Lam Hồng Nguyễn.

***
Facebook Lam Hồng Nguyễn

Một bản án thật sự là công lý, ngoài chuyện giữ gìn kỷ cương luật pháp, bắt kẻ phạm tội phải chịu trừng phạt tương xứng với tội lỗi đã gây ra, nó còn mang nhiều ý nghĩa khác.

Bản án có thể là sự xoa dịu nỗi đau cho xã hội. Bản án cho kẻ này cũng là bài học răn đe với kẻ khác, giảm thiểu nguy cơ lặp lại tội lỗi trong cộng đồng. Bản án cho kẻ thủ ác là sự an ủi cho nạn nhân và gia đình của họ. Bản án còn là sự răn đe, giáo dục đối với kẻ phạm tội, bắt họ tâm phục khẩu phục để sám hối về hành vi của mình, giúp cuộc đời họ trở nên tốt hơn sau khi chịu hình phạt. Đó là cách góp phần ngăn ngừa ý định, hành vi phạm tội của kẻ khác có thể nảy sinh trong cộng đồng. Một bản án khi tuyên, nếu thỏa mãn được các ý nghĩa đó, hẳn đó là khi công lý được thực thi hoặc trả lại.

Y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, bản án đã không đáp ứng được các ý nghĩa đó. Đối với người nghèo, đối với anh Hiến, gia đình, người thân của anh và cả chính người thân của những nạn nhân đã thiệt mạng, công lý vẫn xa vời.

Không ai có thể bênh vực, biện hộ gì được cho hành vi mà anh Hiến đã gây ra. Hình phạt cao nhất giành cho Hiến cũng không trả lại được sự sống cho 3 nạn nhân đã thiệt mạng. Bản án tử hình cho Hiến không phải là một hình phạt nặng, nhưng đó là hình phạt không hợp lý và cũng không giúp đem lại công lý hay đạo lý. Nó chỉ khiến cuộc đời có thêm một nạn nhân, nhiều nạn nhân.


Ông Đặng Văn Hiến tại phiên tòa phúc thẩm, ngày 12 Tháng Bảy, 2018. (Hình: Báo Thanh Niên)

Hiến phạm tội khi anh, gia đình anh, cộng đồng của anh bị tước đoạt quyền lợi, bị chà đạp quyền sống, bị đẩy vào đường cùng. Chính tòa án đã công nhận điều đó, khi tuyên công ty Long Sơn có tội. Gia đình các nạn nhân cũng đã có đơn xin giảm án cho Hiến, không đòi hỏi sự trừng phạt nặng nhất để thỏa mãn sự trả thù. Họ nhìn thấy rõ, kẻ gây tội đồng thời cũng chính là một nạn nhân cùng quẫn. Anh Hiến được chính người thân nạn nhân của mình cảm thông và chia sẻ. Đáng tiếc, tòa án đã không giành cho anh sự cảm thông và chia sẻ đó.

Đặng Văn Hiến phạm tội nghiêm trọng, nhưng trong lương tâm xã hội, dư luận và công luận, anh luôn được nhìn như một nạn nhân. Chưa từng có bất kỳ ai đòi phải tuyên cho Hiến bản án là cái chết. Ngược lại, dư luận xã hội đồng thuận tuyệt đối, mong cho anh bản án nhẹ nhất có thể, để cả lý lẫn tình vẫn còn hiện hữu. Không ai muốn có thêm một nạn nhân phải chết. Y án tử hình Hiến, xã hội nhận thêm một vết thương, một nỗi đau lương tâm. Y án tử hình Hiến, lương tri đang bị giễu nhại, công lý đang trở nên méo mó.

Vụ án đồng Nọc Nạn Tháng Tám năm 1928, Tòa Đại Hình Cần Thơ đã tuyên tha bổng cho hầu hết các bị can. Tòa án thực dân đã thừa nhận vị thế nạn nhân của các thủ phạm. Sau 90 năm, tòa án “Xã Hội Chủ Nghĩa” đã không nhìn được điều đó. Ý nghĩa nhân đạo không tồn tại trong bản án phúc thẩm vừa tuyên cho Hiến. Đó là một bước thụt lùi về khía cạnh nhân văn của nền tư pháp.

Trước, trong và sau phiên tòa, hàng trăm, hàng ngàn bài báo đã lên tiếng đòi, kiến nghị, xin giảm án cho Hiến. Gia đình nạn nhân, các luật sư cũng đã làm đủ mọi cách để án cho Hiến nhẹ hơn. Nhưng vô vọng. Luật pháp đã không hề nghe thấy nhưng tiếng kêu từ lương tâm xã hội.

Pháp đình không phải là nơi công lý được thực thi. Công lý đã không đứng về phía người tận khổ.

Vẫn còn một cơ hội cuối: Chủ tịch nước sẽ sẽ đồng ý với đơn xin ân xá cho Đặng Văn Hiến. Chỉ có điều đó mới xoa dịu được nỗi đau từ vết thương mà gia đình nạn nhân, thủ phạm và cả xã hội đang mang. Bằng ngược lại, án tử hình cho Đặng Văn Hiến sẽ cứa vào lương tâm, công lý và xã hội thêm một vết thương, một nỗi đau mới, dai dẳng và khốc liệt.

Khánh kiệt niềm tin, cái ác, tội lỗi khi đó sẽ khó loại trừ hay ngăn chặn. Xã hội cũng giống như một con người. Sống với cơ thể mang một vết thương không bao giờ khép miệng, cơn đau luôn hành hạ, làm sao biết khi nào con người sẽ bộc phát lao vào những hành động rồ dại và điên loạn? (Lam Hồng Nguyễn)
—-

(*) Tựa do tòa soạn Người Việt đặt

Một số nơi ở Việt Nam cấm cán bộ dùng mạng xã hội

MỚI CẬP NHẬT