Friday, March 29, 2024

Tỷ phú mới của Việt Nam nắm giữ mỏ quặng quý hiếm hàng đầu thế giới

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bloomberg ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan Group là một trong hai tỷ phú đô la mới của tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. Ông Quang cũng chính là người đang nắm giữ mỏ quặng vonfram đa kim ở Việt Nam quý hiếm hàng đầu thế giới.

Báo VietNamNet ngày 24 Tháng Mười Hai, 2018, dẫn tin từ Bloomberg vừa có bài tổng kết về các tỷ phú đô la Châu Á năm 2018. Theo đó, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có thêm 2 tỷ phú mới là ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan Group và ông Donald Sihombing, tỷ phú ngành bất động sản của Indonesia.

Khác với Forbes, Bloomberg ghi nhận ông Quang là tỷ phú thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Hãng hàng không VietJet. Trong khi đó, Bloomberg chưa ghi nhận ông Trần Bá Dương, chủ tịch hãng xe hơi Trường Hải – Thaco và ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập Đoàn Hòa Phát.

Ông Nguyên Đăng Quang được biết đến là người “mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga” và trở nên giàu với thương hiệu mì gói Mivimex có nhà máy công suất 30 triệu gói/tháng.

Về Việt Nam, ông Quang thành công hơn với việc xây dựng được một đế chế hàng tiêu dùng nhanh với nhiều sản phẩm như mì gói, tương ớt, nước tương,…

Ông Quang được Bloomberg xếp là tỷ phú đô la thứ 3 tại Việt Nam từ ngay đầu 2018. (Hình: VNEconomy)

Masan Group cũng đầu tư vào một số lĩnh vực khác trong đó có khoán sản và tài chính. Trong đó, dự án Núi Pháo có diện tích hơn 9 cây số vuông ở tỉnh Thái Nguyên, là một trong những mỏ vonfram đa kim, là kim loại cứng không thể thay thế dùng trong ngành sản xuất xe hơi, khai thác mỏ, điện tử, chế tạo vũ khí… có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Thương vụ Masan mua lại dự án Núi Pháo được xem là một thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) kéo dài thời gian và phức tạp nhất ở Việt Nam từ trước đến nay với một loạt các giao dịch phát hành hối phiếu nhận nợ, quyền chọn mua, quyền chọn bán kể từ năm 2010 đến cuối năm 2013, thương vụ này mới chính thức được hoàn tất, với sự tiếp tay đắc lực của ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng CSVN.

Hiện tại, ông Quang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 50% cổ phần của Masan Group. Khối tài sản này chưa được Bloomberg cập nhật, nhưng hồi đầu năm 2018, tạp chí này ghi nhận khối tài sản của ông Quang là $1.2 tỷ.

Tài sản của ông Quang được đánh giá là còn cao hơn nếu dựa vào thương vụ đầu tư $470 triệu của tập đoàn Nam Hàn SK Group, mua 110 triệu cổ phiếu MSN hồi Tháng Chín, 2018. Khi đó, tài sản của ông Quang có thể lên tới khoảng $2 tỷ.

Masan của ông Nguyễn Đăng Quang được các tập đoàn đầu tư tài chính nước ngoài đặc biệt quan tâm. Hồi Tháng Mười Một vừa qua, quỹ chính phủ Singapore cũng đã chi hơn $100 triệu mua cổ phiếu Masan, nâng sở hữu lên xấp xỉ 8.9% và trở thành cổ đông ngoại lớn thứ 2 tại Masan, sau SK Group.

Hồi Tháng Tám, 2018, công ty con của Masan chi $29 triệu mua lại 49% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo – H.C.Starck từ H.C.Starck trở thành công ty con do MSR sở hữu 100% vốn.

Vợ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến hiện nắm giữ hơn 42 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 3.65% vốn điều lệ Masan Group. Mẹ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Quý Định đang nắm giữ 1.99 triệu phiếu MSN… (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT