Friday, April 19, 2024

Vào làm công an nghĩa vụ cũng ‘chạy’ tiền

PHÚ THỌ, Việt Nam (NV) – Một vụ lừa đảo “chạy” vào ngành công an vừa được Viện Kiểm Sát tỉnh cáo buộc phạm tội với những tình tiết kỳ lạ. Bị can là một cán bộ công an, trong khoảng bốn năm đã nhận tiền của 18 trường hợp để chạy vào ngành công an.

Ngày 3 Tháng Tư, Viện Kiểm Sát tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phạm Thế Anh (35 tuổi), cán bộ công an huyện Hạ Hòa, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Báo Tiền Phong dẫn tài liệu của cơ quan điều tra cho hay, mặc dù ông Thế Anh không có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tuyển người vào ngành công an, nhưng từ Tháng Hai, 2011, đến Tháng Mười Hai, 2015, ông Thế Anh đã nhận tiền của 18 người với tổng số tiền trên 6.5 tỷ đồng (hơn $284,883) để “xin” việc cho con em của họ được vào làm việc, trường học, thậm chí đi nghĩa vụ trong ngành công an.

Cụ thể, ông Thế Anh và anh Hiểu, quê tỉnh Nghệ An quen biết nhau. Biết ông Anh đang công tác tại công an huyện Hạ Hòa, anh Hiểu nhờ xin cho con trai mình vào công tác trong lực lượng công an. Ông Anh nhận lời và yêu cầu gia đình anh Hiểu chi 310 triệu đồng (hơn $13,586). Tiếp đó, anh Hiểu giới thiệu chị gái là Nguyễn Thị Tư, ở Nghệ An, liên hệ với ông Anh, xin cho con trai vào học trường trung cấp công an với số tiền “chạy” chỗ là 350 triệu đồng…

Ông Anh còn nhận của chị Nguyễn Thị Hiền, ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, 500 triệu đồng (hơn $21,918) để xin cho con chị này đi nghĩa vụ cảnh sát. Song đến cuối năm 2015, ông Anh vẫn không lo được việc, cùng lúc gia đình chị Hiền nhận tin dữ cậu con trai mắc căn bệnh ung thư. Từ đó đến nay, chị Hiền mòn mỏi mong nhận lại số tiền để chữa bệnh cho con nhưng ông Anh không trả…

Qua điều tra, đến Tháng Năm, 2017, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra-Công An tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, bắt giam ông Phạm Thế Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Điều đáng nói trong số hơn 6.5 tỷ đồng trên, có hơn 1 tỷ đồng (hơn $43,836) ông Anh nhận của 10 người và lo được cho họ trúng tuyển đi nghĩa vụ công an. Số tiền này, cơ quan điều tra cho rằng, “bị hại đã thỏa mãn nguyện vọng và đó là thỏa thuận dân sự nên không cấu thành tội phạm và không đề cập việc xử lý hình sự.”

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Thế Anh khai đã đưa cho một số lãnh đạo và cựu lãnh đạo công an huyện Hạ Hòa, mỗi người 50 triệu đồng (hơn $2,191) để xin đi nghĩa vụ công an cho một số trường hợp; đưa từ 10 đến 20 triệu đồng cho cán bộ cơ quan y tế công an để xin xác nhận đủ sức khỏe cho các trường hợp đi nghĩa vụ công an.

Ngoài ra, ông Thế Anh cũng khai đưa từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho một số cán bộ lãnh đạo Trung Tâm Huấn Luyện và Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ-Công An tỉnh Phú Thọ, cùng nhiều cán bộ công an ở Phú Thọ, Quảng Trị, Lào Cai…  để xin suất đi nghĩa vụ cho các trường hợp mà bị can này giới thiệu.

Tuy nhiên, kết luận của cơ quan điều tra cho rằng “việc đưa, nhận tiền của ông Thế Anh và những người liên quan đều không có căn cứ. Hơn nữa, một phần tiền còn là thỏa thuận dân sự xin đi nghĩa vụ công an của các bị hại. Chính vì thế, cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với những người liên quan.”

Theo báo Lao Động, trước đây, dư luận từng rúng động khi ở Quảng Bình, để làm cấp dưỡng cũng phải chạy tiền, vừa mới rồi, là vài trăm triệu đồng chạy một chỗ đứng trên bục giảng, và giờ thì đi công an nghĩa vụ cũng có người sẵn sàng bỏ tiền. Liệu còn cái gì, còn chỗ nào người ta không chạy? (Tr.N)

Đào móng làm nhà, trúng nhiều cổ vật quý hiếm

MỚI CẬP NHẬT