Thursday, March 28, 2024

Việt Nam có khoảng 222,580 người nghiện ma túy

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Để giảm tệ nạn nhiều vụ trọng án giết người do con nghiện bị “ngáo đá” gây ra, Bộ Y Tế đã ban hành phác đồ điều trị ma túy tổng hợp. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có phác đồ này.

Báo Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Ba, 2019, dẫn số liệu của Bộ Y tế, cho biết vài năm trở lại đây số người nghiện ma túy tổng hợp ở Việt Nam tăng cao, các ca “ngáo đá” gây nguy hiểm cho xã hội nhiều hơn. Nhiều trường hợp “ngáo đá” gây ra các vụ giết người, trong khi tại nhiều tỉnh, thành người nghiện ma túy đã lên tới 90% và bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân hay thủ phạm, từ nhân viên ngân hàng, giáo viên, học sinh, sinh viên…

Theo Bộ Y Tế, loại ma túy tổng hợp được sử dụng nhiều có tên gọi là: đá, thuốc lắc, ngọc diên, viên nữ hoàng… “có thể hấp thu rất nhanh, ở liều thấp có thể gây vã mồ hôi, run, đau ngực, liều cao gây co giật, xuất huyết nội sọ, tăng huyết áp, làm người dùng kích động và lo sợ, lú lẫn, hoang tưởng, ảo giác, khi quá liều có thể làm người dùng tăng thân nhiệt, tăng kích động, tiêu cơ vân, hôn mê và tử vong.”

Nói với báo Tuổi Trẻ, Bác Sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức Khỏe Tâm Thần, Bệnh Viện Bạch Mai, cho biết để hạn chế hậu họa cho người dân, Bộ Y Tế đã ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có phác đồ này.

Theo phân tích của nhóm chuyên gia xây dựng phác đồ điều trị, có đến 48-58% người dùng ma túy tổng hợp “có triệu chứng trầm cảm, lo âu, một tỉ lệ khá lớn có các dấu hiệu như sợ không gian rộng, loạn thần (có hoang tưởng bị truy hại, ảo thính).”

Do vậy, khác với ma túy, có thuốc giúp cai nghiện, “ngáo đá” không có thuốc hỗ trợ, hoàn toàn dựa vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh.

Cũng theo Bác Sĩ Tâm, rất nhiều bệnh nhân nghiện ma túy đá vào điều trị tại Viện Sức Khỏe Tâm Thần. Các bệnh nhân nhập viện “có các biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, luôn nghĩ có người đến chém mình, đánh mình, bắt mình và mình cần phải đánh, chém, bắt lại hoặc chạy trốn…”

Quá trình cai nghiện, các bác sĩ sẽ “can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc ma túy cai nghiện.”

Khi được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thầy thuốc, người thân và gia đình người lệ thuộc ma túy sẽ có vai trò hỗ trợ rất quan trọng. “Đương nhiên hiệu quả cai nghiện phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của bệnh nhân,” Bác Sĩ Tâm nói.

Báo chí Việt Nam hồi Tháng Sáu, 2018, dẫn tin từ Bộ Công An, cho biết hiện Việt Nam có khoảng 222,580 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, số người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành ước tính chiếm khoảng 60 – 70% trong số người nghiện.

Một nghiên cứu thực hiện trong thời gian từ 2016-2019 tại Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng trên nhóm thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp, cho thấy tuổi bình quân sử dụng ma túy tổng hợp lần đầu ở nhóm này chỉ 16-18 tuổi. Đa số con nghiện là thanh thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình và xã hội, chơi bời theo “bầy đàn”, số đông… Những nhóm này thường thuê nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, thậm chí vào quán karaoke… để sử dụng ma túy tập thể. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT