Wednesday, April 24, 2024

Việt Nam có tiềm năng trở thành ‘sào huyệt’ tin tặc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam có tiềm năng trở thành “sào huyệt” của các tổ chức tin tặc thuộc cấp độ trung bình, theo sự nhận định của một nhà xã hội học được tổ chức thông tin kỹ thuật ZDNET thuật lời.

Tiến Sĩ Jonathan Lusthaus, là một người nghiên cứu về các tin tặc trên thế giới suốt hơn bảy năm qua. Ông là giám đốc Dự Án Tội Phạm Công Nghệ Cao tại Đại Học Oxford, Anh Quốc, và cũng là giáo sư tại Đại Học New South Wales, thủ đô Canberra, nước Úc.

Theo lời ông Lusthaus nói với ZDNET hôm Thứ Hai, 29 Tháng Tư, thì Việt Nam có một “truyền thống rất tốt về xâm nhập máy tính” cũng như có “những kỹ thuật xâm nhập.” “Nếu nhìn về phía các nước khác ở Đông Nam Á, tôi không nghĩ rằng người ta có thể thấy người những nước đó có cùng một mức độ sở thích về kỹ thuật đến như thế,” ông cho hay.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình mỗi năm 6%, một tỉ lệ trong chiều hướng có thể tăng 6.5% cho đến năm 2020. Tiền bạc hấp dẫn tội phạm và khuyến khích hoạt động gián điệp mạng. Các công ty về an ninh mạng đã thấy sự gia tăng các hoạt động xâm nhập mạng tại Việt Nam trong năm 2018, gồm cả sự gia tăng của những nhóm tin tặc.

Hồi Tháng Ba vừa qua, công ty Toyota báo động hệ thống máy tính của họ bị tin tặc xâm nhập đánh cắp thông tin của khách hàng, không những tại chi nhánh của công ty tại Việt Nam mà còn tại một số chi nhánh khác như ở Thái Lan, Úc.

Tổ chức thông tin kỹ thuật CrowdStrike gọi nhóm tin tặc đó là “Trâu Biển” (Ocean Buffalo) trong khi tổ chức bảo vệ an ninh mạng ở Mỹ FireEye gọi nhóm đó là APT32 hay một tên khác là “Sen Biển” (OceanLotus).

Nhóm tin tặc APT32 là một tổ chức gián điệp mạng được biết đến từ sự chú trọng đánh cắp thông tin trong kỹ nghệ xe hơi. Giới chuyên viên trong ngành bảo mật thông tin mạng nghi ngờ nhóm APT32 chính là nhóm tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy tính của một số chi nhánh Toyota để từ đó tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính chủ của Toyota tại Nhận Bản được bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Cho tới nay, hãng Toyota từ chối xác nhận những nghi vấn đó trong khi phía nhà cầm quyền CSVN thì phủ nhận các vụ xâm nhập mạng.

Theo ông Lufthaus, rất khó xác định được địa phương của tin tặc. Không biết chắc chắn đó là người sở tại hay những người ở nước khác dùng địa chỉ đó để hoạt động hầu che giấu tung tích thật. Ông cho rằng một số “sào huyệt” nổi tiếng ở Nga hay Ukraine “có thừa những tài năng kỹ thuật” được sử dụng trong các ngành kỹ nghệ hợp pháp ở địa phương, hoặc cũng có thể kiếm việc làm ở nơi nào khác.

“Chúng tôi đang tìm hiểu xem tại những nơi có tiềm năng trở thành sào huyệt tin tặc mới, một nơi như Việt Nam chẳng hạn, là trước hết, nơi đó đang sản xuất ra đủ các tài năng kỹ thuật hay không. Và rồi họ có đào tạo quá dư thừa để sử dụng trong các ngành kỹ thuật hay không,” ông nói.

Ông Lufthaus từng đến Việt Nam tìm hiểu hồi năm 2017 trong chương trình nghiên cứu bảy năm để viết cuốn sách “Kỹ nghệ nặc danh: Bên trong trò kinh doanh tội phạm công nghệ cao” (Industry of Anonymity: Inside the Business of Cybercrime).

Ông đã gặp đủ cả, từ các viên chức chính quyền, giới chức trong các ngành kỹ thuật cao, đến các tay được xếp vào hàng tin tặc. Theo ông Việt Nam có hệ thống giáo dục khác nên không ở cùng một trình độ như Nga hay Ukraine. Cho nên, dựa trên những gì ông nghiên cứu, ông cũng đặt câu hỏi là không biết Việt Nam đang hiện ra là một cái nôi của tội phạm công nghệ cao ở tầm vóc trung bình hay chăng.

Tháng Năm, 2017, công ty an ninh mạng FireEye cho hay nhóm tin tặc APT32 hay OceanLotus, tích cực nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia và các người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Thời gian đó, công ty FireEye nói các hoạt động của nhóm tin tặc có liên quan tới “các lợi ích của đất nước Việt Nam,” một cách ám chỉ được nhà cầm quyền “chống lưng.” (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT