Thursday, March 28, 2024

Việt Nam ngỡ ngàng khi Trung Quốc kiểm soát trái cây nhập cảng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cục Bảo Vệ Thực Vật thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn CSVN tỏ ra ngạc nhiên vì không biết có chuyện Trung Quốc đòi hỏi những điều kiện ngặt hơn cho trái cây nhập cảng.

Hôm 28 Tháng Ba, cổng thông tin của Bộ Công Thương có bản tin với tựa đề “Doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả sang Quảng Tây, Trung Quốc cần lưu ý.”

Nội dung của bản tin không nói thông tin của họ đến từ đâu, chính thức từ cơ quan nào của Trung Quốc, mà chỉ viết rằng “Vụ Thị Trường Châu Á-Châu Phi, Bộ Công Thương, nhận được thông tin về yêu cầu truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý Quảng Tây đối với hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.”

Bản tin của Bộ Công Thương CSVN viết: “Kể từ ngày 1 Tháng Tư, 2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập cảng hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin ‘Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu’ tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm ‘hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.’ Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.”

Sự đòi hỏi khá kỹ thuật và rất cao này rất đột ngột và buộc phải thi hành ngay coi như đẩy trái cây của Việt Nam vào thế kẹt. Hầu như tại Việt Nam không có những công ty lớn chuyên trồng một loại trái cây hay một số loại trái cây trên diện tích lớn hàng trăm hàng ngàn mẫu đất, có thương hiệu riêng, có kỹ sư và chuyên viên kiểm soát phẩm chất. Trái cây được mua thu gom từ các nhà vườn có tính cách gia đình rồi đem xuất khẩu, không có nhãn mác hàng hóa và kiểm phẩm.

Theo báo Đất Việt, “Lãnh đạo Cục Bảo Vệ Thực Vật (Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn) tỏ ra bất ngờ trước thông tin từ ngày 1 Tháng Tư hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất nguồn gốc mà Bộ Công Thương đưa ra.”

Báo này cho rằng “điều đáng bàn là, Cục Bảo Vệ Thực Vật – đơn vị trực tiếp thực hiện – lại không hề biết gì” về thông báo nói trên.

Khi được báo này hỏi, ông Hoàng Trung – cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật – tỏ ra bất ngờ nói: “Tôi không hiểu Bộ Công Thương lấy thông tin từ đâu, nhưng chúng tôi là cơ quan trực tiếp tham gia kiểm dịch thực vật nông sản xuất nhập khẩu chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức gì từ cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc. Về mặt nguyên tắc, Trung Quốc với Việt Nam đều tham gia WTO và đều thống nhất rằng, khi có bất kỳ biện pháp gì thay đổi phải thông báo cho cơ quan chính thức phía bên kia để có biện pháp và thời gian thích ứng để triển khai. Nếu một biện pháp thay đổi quan trọng như vậy sẽ bao trùm trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì một tỉnh nào.”

Theo ông Trung thì “tại thời điểm này, việc thông thương giữa các cửa khẩu của hai nước vẫn diễn ra bình thường, cơ quan kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn triển khai công việc như trước.”

Một số lượng lớn trái cây xuất cảng của Việt Nam là đi theo đường “tiểu ngạch,” biên mậu, sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc giáp giới với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.

Hai bộ Công Thương và Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của nhà cầm quyền CSVN không có phối hợp, chia sẻ thông tin? (TN)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thăm đền Karnark ở Ai Cập”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT