Thursday, March 28, 2024

Việt Nam ngưng xin Mỹ cứu dự án nhiệt điện Long Phú

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền CSVN đột ngột rút lại lá đơn xin ngân hàng xuất nhập cảng của Mỹ tài trợ cho dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng, không ai hiểu lý do tại sao.

Theo báo New York Times hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Hai, 2018, dư luận chú ý theo dõi xem chính phủ Mỹ qua Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng (Ex-Im Bank, một ngân hàng do chính phủ điều hành) quyết định thế nào khi nhận được đơn xin tài trợ cho dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 giữa những quan ngại của mọi giới về ô nhiễm môi trường và góp thêm phần làm biến đổi khí hậu.

Thứ Năm vừa qua, theo NYT, ngân hàng Ex-Im cho hay tập đoàn dầu khí Việt Nam (Peto Vietnam) đã rút đơn lại, không xin vay nữa. Trong một bản thông báo, ngân hàng Ex-Im loan báo dù họ chưa bắt đầu cứu xét cái đơn xin tài trợ thì Hà Nội đã xin rút đơn.

Nếu Ex-Im đồng ý tài trợ, một số công ty Mỹ, đặc biệt là công ty sản xuất trang thiết bị cho nhà máy nhiệt điện như General Electric, có thể có mối bán các thiết bị sản xuất điện tối tân cho Việt Nam.

Dự án nhiệt điện chạy Than Long Phú 1 tại tỉnh Sóc Trăng cũng như những nhà máy nhiệt điện chạy than khác của Việt Nam bị giới bảo vệ môi trường và các nhóm khác đả kích mạnh mẽ. Họ cho rằng tác dụng xấu đến môi trường của các dự án này tệ hại gấp bội so với những gì được chế độ Hà Nội tiết lộ.

Ngân hàng Thế Giới (World Bank) và nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã từ chối tài trợ các dự án nhiệt điện chạy than tại các nước đang phát triển vì tác động nghiêm trọng đến sự biến đổi khí hậu. Trước khi xin Mỹ tài trợ, Petro Vietnam đã bị ngân hàng xuất nhập cảng của Anh Quốc (tương tự như Ex-Im Bank của Mỹ) từ chối vì lý do tương tự vừa kể.

Thêm nữa, dự án Long Phú 1 cũng đã được ngân hàng liên quan đến chính phủ Nga, Vnesheconombank, tài trợ một phần. Đây là ngân hàng bị chính phủ Mỹ cấm vận vì việc Nga chiếm phần đất Cremea của Urkaine hồi năm 2014. Mới ngày 26 Tháng Giêng, 2018, Bộ Tài Chính Mỹ cấm vận công ty Power Machines của nước Nga, một trong số các công ty có hợp đồng xây dựng tại dự án Long Phú 1.

Dự trù phát điện từ năm 2014, nhưng đến nay dự án nhiệt điện chạy than Long Phú 1 mới chỉ có cái khung vì thiếu vốn. Dự án đặt tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) nhiều tai tiếng làm chủ đầu tư.

Nhà máy gồm 2 tổ máy, công suất tổng cộng 1,200 MW, chạy than nhiều phần nhập cảng từ Indonesia hoặc Úc. Vốn đầu tư ban đầu dự trù $1.2 tỷ. Khi bắt đầu khởi công dự án đầu năm 2011, tin tức lúc đó đăng tải cho biết PVN “chỉ định thầu” làm “tổng thầu” cho công ty con của mình là tổng công ty cổ phần Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PTSC).

Cũng như bao dự án khác tại Việt Nam, giữa Tháng Bảy, 2011, PTSC Power đã “tổ chức ký giao ước thi đua hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo, quyết tâm nỗ lực hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đảm bảo chất lượng và tiến độ kế hoạch được giao.”

Tuy vậy, vì “vừa làm vừa học” chương trình xây dựng nhiệt điện Long Phú 1 ì ạch mấy năm vẫn chẳng di tới đâu, phải bán cái lại cho nhà thầu Nga, Liên Doanh Power Machines (Liên bang Nga) – BTG (Slovakia) – PTSC, trong đó, công ty Power Machines là thành viên chủ chốt chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng của dự án. Sự điều phối và kế hoạch mới được thay đổi cho dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 là phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019.

Theo báo cáo của PVN, “tới hết Tháng Sáu, 2016, tiến độ tổng thể thực hiện Hợp Đồng EPC đạt khoảng 24.4%. Nguyên nhân được PVN cho biết là do công tác mua sắm thiết bị của nhà thầu Power Machines và một phần của công tác thiết kế,” bản tin ngày 6 Tháng Tám, 2016 của PVN.

Không những vậy “nguy cơ chậm tiến độ tại Dự Án Nhiệt Điện Long Phú 1 vẫn hiển hiện, bởi công tác thu xếp vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga đang gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ bản không chào thu xếp vốn cho phần hàng hóa xuất xứ từ Nga.” Và “… sự phối hợp của nhà thầu Power Machines với PTSC và các nhà thầu trong nước tuy có cải thiện, nhưng do công tác thiết kế và mua sắm chủ yếu thực hiện tại Ấn Độ và Nga, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến sự phối hợp và tiến độ xử lý công việc chung của Liên danh tổng thầu.”

Nếu các nơi đều từ chối, rất có thể Hà Nội sẽ phải quay sang Bắc Kinh xin tài trợ. Nếu việc này xảy ra, Hà Nội sẽ bị Bắc Kinh ép sử dụng kỹ thuật và máy móc tồi tệ của họ, môi trường sống của người dân vùng lân cận sẽ ngập tràn bụi than, khí thải.

Hồi năm 2015, nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân 2 tại Bình Thuận do Trung Quốc thầu xây dựng đã xả khí thải và xỉ thải ra khu dân cư lân cận và quốc lộ khiến dân cư biểu tình rất dữ dội. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự “Những chiếc bánh tét gói trọn yêu thương”

MỚI CẬP NHẬT