Thursday, April 18, 2024

Việt Nam nhập cảng dược liệu chỉ toàn ‘bã rác’ của Trung Quốc

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Dược liệu bị Trung Quốc chiết xuất lấy hết chất thuốc bên trong rồi lừa bán sang Việt Nam để làm thuốc.

“Thị trường dược liệu toàn là bã, chẳng còn chất gì bên trong nên mất hết công dụng bồi bổ hay phòng chống bệnh tật.” Đó là thông tin được Tiến Sĩ Hồ Bá Do, phó chủ tịch Hội Y Học Cổ Truyền Việt Nam, kiêm phó viện trưởng Viện Thực Phẩm Chức Năng Việt Nam, cho biết tại hội thảo “Gian lận thương mại – Hệ lụy và giải pháp,” do Công Ty Truyền Thông Quốc Tế Nam Hàn – Việt Nam, tổ chức ngày 16 Tháng Giêng, 2019 ở Sài Gòn.

Nói với báo Người Lao Động, ông Do cho biết, Việt Nam có rất nhiều dược liệu quý nhưng bị người Trung Quốc vào tận thôn, bản thu mua hết. Họ không cần chở dược liệu về Trung Quốc mà tiến hành chiết xuất tại chỗ, hút hết các hoạt chất sinh học có trong dược liệu.

Chẳng hạn, cây dâm dương hoắc rất quý chỉ có ở vùng cao Việt Nam, người Trung Quốc chiết xuất hết tinh chất, chỉ còn lại xác cây. Người dân đem xác cây này bán tiếp, về đến “chợ” dược liệu ở quận 5, Sài Gòn bán ra chỉ 30,000 đồng (hơn $1)/kg (trong khi loại dược liệu này có giá đến vài triệu đồng/kg).

Cũng theo ông Do, hầu hết dược liệu của Trung Quốc xuất bán sang Việt Nam cũng toàn là bã, rác vì đã bị lấy hết dược chất. Loại rác dược liệu này lại được đưa sang Việt Nam bán với giá khá rẻ nên tiêu thụ mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam xuất bán dược liệu sang Trung Quốc dưới dạng thô, nguồn hàng này cũng bị rút sạch tinh chất rồi quay ngược về Việt Nam để bán tiếp ra thị trường cho người Việt sử dụng.

Dược liệu thô của Việt Nam bị thương lái Trung Quốc thu gom tận gốc (Hình: Cần Thơ)

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chức năng đang tiêu thụ trên thị trường cũng trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn,” chưa được kiểm soát và đang được quảng cáo quá mức, sai sự thật. Các sản phẩm chức năng “Made in Vietnam” chỉ mới tiêu thụ nội địa, chưa đủ điều kiện xuất cảng, thậm chí sản xuất không đúng với phẩm chất như nội dung ghi danh công bố sản phẩm.

Tin cho biết, năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016, có 1,872 cơ sở sản xuất với 3,447 sản phẩm và con số này hiện nay đã cao hơn rất nhiều.

Ông Do nói thêm, có quá nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhưng đến thời điểm này chỉ vài cơ sở được chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP). Trong khi ở các nước khác, thực phẩm chức năng được lưu hành phải đạt 4-5 chứng nhận.

Theo quy định, từ ngày 1 Tháng Bảy, 2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng GMP. “Cơ sở muốn sản xuất theo GMP phải đầu tư 30 tỷ đến 40 tỷ đồng (hơn $1.2 triệu đến hơn $1.7 triệu). Nhiều nơi sẽ không đáp ứng được và tìm cách sản xuất lậu, tung hàng giả ra thị trường,” ông Do cảnh báo. (Tr.N)

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT