Friday, March 29, 2024

Việt Nam sắp đơn phương miễn thị thực cho người ngoại quốc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc Hội cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Báo Tiền Phong dẫn thông báo tại phiên họp hôm 25 Tháng Ba từ Văn Phòng Chính Phủ, cho biết Thường Trực Chính Phủ đã đồng ý miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người ngoại quốc  tại Việt Nam.

Người ngoại quốc du lịch ở Việt Nam. Hình: Nguyễn Đông/VNExpress)

Theo đó, giao Bộ Công An, Bộ Tư Pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị Quốc Hội nâng thời hạn e-visa từ 30 ngày lên ba tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ. Thời hạn tạm trú của người ngoại quốc nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn thị thực cũng được đề nghị nâng từ 15 ngày lên 45 ngày nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Hiện, e-visa do Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh cấp cho người ngoại quốc thông qua hệ thống giao dịch điện tử có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu dự kiến 650,000 tỷ đồng ($27.6 tỷ).

Tuy nhiên, theo báo VNExpress do thủ tục phức tạp, website xin visa thiếu chuyên nghiệp, thời gian phản hồi lâu khiến nhiều người ngoại quốc ngán ngẫm, phải nhờ tới dịch vụ.

Trường hợp chị Melissa, du khách Úc, dự định đến Việt Nam từ Indonesia cùng ba thành viên trong gia đình hôm 21 Tháng Mười Hai, 2022, nên đã xin e-visa trước đó 10 ngày, nộp phí đầy đủ.

Website của Cục Xuất Nhập Cảnh Việt Nam thông báo “e-visa sẽ được xử lý trong ba ngày làm việc kể từ khi cục nhận được hồ sơ hoàn chỉnh và phí thị thực đầy đủ.” Một tuần sau khi ghi danh, hồ sơ của chị Melissa được chấp thuận, nhưng ba hồ sơ của chồng và hai con được trả về kèm yêu cầu cung cấp hình chân dung khác.

Gia đình Melissa gửi lại ảnh, đồng thời lùi lịch trình ba ngày. Thế nhưng quá thời gian vẫn không có phản hồi nào. Họ ra phi trường vào ngày ấn định với hy vọng có thể đến Việt Nam, nhưng bị từ chối.

Gia đình chị Melissa trở lại Bali, tìm kiếm dịch vụ làm visa nhanh, uy tín để vào Việt Nam. Họ tìm được một người Việt nhận làm dịch vụ này với giá hơn $100 một người, trong khi chi phí thực tế là $25. Nữ du khách nói chuyến đi Việt Nam “rất tuyệt” nhưng các thủ tục về visa khiến chị ngán ngẩm.

Nhân viên của một đơn vị làm dịch vụ visa có trụ sở ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết nhiều khách tìm đến họ vì gặp vấn đề này.

Website xin e-visa của Việt Nam bị nhiều du khách đánh giá trông “thiếu uy tín.” (Hình: Chụp qua màn hình evisa.xuatnhapcanh.gov.vn)

Tại mục “Hình ảnh người ngoại quốc,” Cục Xuất Nhập Cảnh Việt Nam có đưa ra hai hình mẫu nhưng không có hướng dẫn cụ thể.

Anh Sterre Kardinaal, du khách Hòa Lan, từng đến Việt Nam đầu năm 2023, cho rằng trang web Cục Xuất Nhập Cảnh Việt Nam “như một trang giả mạo.”

Tương tự, anh Subhadeep Pal, du khách Ấn Độ, nói anh bị “rối não” bởi vì quá nhiều website nộp visa Việt Nam với giao diện đẹp hơn website chuẩn.

Đây cũng là điều ông Phạm Hà, tổng giám đốc Lux Group, từng đề cập. Đại diện doanh nghiệp này nói trang web làm e-visa của Việt Nam có tên miền khó nhớ, khách vào xem chỉ có hai ngôn ngữ lựa chọn là tiếng Anh và tiếng Việt. Giao diện “cổ lỗ,” khó trả tiền và nộp xong cũng không biết được chấp thuận không.

Mặt khác, ông Hà cũng nói thêm không chỉ e-visa, visa on arrival của Việt Nam cũng có vấn đề. Thay vì khách đến phi trường và dán visa, trả tiền, Việt Nam yêu cầu khách phải có giấy duyệt visa trước mới được phép lên máy bay. Để có giấy duyệt visa, du khách phải xuất trình vé máy bay hai chiều. Ông Hà cho rằng khâu này “phức tạp, không tiện cho khách.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT