Wednesday, April 24, 2024

Sợ vỡ đập thủy điện, dân Nghệ An nháo nhào chạy lên núi

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Lượng nước đổ về quá lớn khiến thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Tương Dương. Người dân huyện này nhìn thấy nước lũ chảy cuồn cuộn trên sông và nghe mọi người kháo nhau “vỡ đập thủy điện,” nên dân nháo nhào chạy lên núi lánh nạn.

Theo báo VietNamNet, Ủy Ban Nhân Dân huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây ngập úng ở nhiều xã như thị trấn Hòa Bình, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang…

“Nhiều xã bị ngập, quốc lộ 7 ngập năm đoạn chưa thể đi qua. Một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy, nhiều nhà bị cuốn trôi,” vị lãnh đạo văn phòng ủy ban huyện cho hay.

Báo VNExpress dẫn tin, hơn 9 giờ sáng 31 Tháng Tám, 2018, trên mạng xã hội rộ tin với nội dung “vỡ đập thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương (Nghệ An),” khiến nhiều người dân ở huyện này hoảng hốt.

Một ngôi nhà ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An bị ngập sâu. (Hình: VietNamNet)

Các nhà dân ở thị trấn Hòa Bình, xã Xá Lượng, Yên Na, Tam Quang… nháo nhào gọi nhau chạy lên chỗ cao. Người lớn bế trẻ nhỏ, dắt người già ôm đồ đạc di chuyển lên các ngọn núi gần nhà để tránh lũ.

“Tôi thấy nước lũ ở sông chảy cuồn cuộn dâng nhanh. Cùng lúc này mọi người nói với nhau có thông tin vỡ đập thủy điện nên tay chân run bần bật rồi chỉ biết gọi mọi người cùng chạy lên điểm cao,” chị Thái Thị Tú, ở xã Xá Lượng, nói.

Nhận tin báo về sự hoảng loạn của nhiều người dân, ông Nguyễn Văn Hải, chủ tịch huyện, “đã tới khu vực thủy điện Bản Vẽ để kiểm tra; đồng thời chỉ đạo phòng văn hóa dùng xe hơi gắn loa chạy dọc các tuyến đường để bác bỏ thông tin thất thiệt về việc vỡ đập thủy điện,” báo VNExpress tường thuật.

Theo báo này, tại các khối, xóm, do điện lưới bị mất nên cán bộ phụ trách được yêu cầu dùng máy phát điện để lên loa phóng thanh thông báo cho người dân biết “đập thủy điện vẫn an toàn.” Lực lượng công an, quân đội cũng được giao nhiệm vụ dùng điện thoại, trực tiếp gặp dân hoặc có thể lên mạng xã hội đăng thông tin chính thức về thủy điện Bản Vẽ.

Người dân thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nháo nhào chạy lên núi lánh nạn. (Hình: VietNamNet)

“Ước tính có cả ngàn người dân bị hoảng loạn bởi thông tin thất thiệt, hàng trăm người chạy lên núi tránh lũ. Đến chiều nay, người dân khi có thông tin chính thức đều đã trở về nhà,” ông Hải nói và cho biết công an đang vào cuộc xác minh người đăng thông tin thất thiệt nêu trên.

Nằm ở hạ du thủy điện Bản Vẽ, nhiều người dân huyện Con Cuông cũng lo lắng gọi điện thoại hỏi nhau về tình hình mưa lũ.

Để trấn tĩnh người dân, ông Nguyễn Đình Hùng, bí thư Huyện Ủy Con Cuông, đã viết thông báo trên mạng xã hội với nội dung: “Hiện tại có một thông tin thất thiệt về vỡ đập thủy điện. Đề nghị cấp ủy chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân hết sức bình tĩnh…”

Nói với báo VNExpress, ông Tạ Hữu Hùng, phó giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Bản Vẽ, cho biết: “Tôi đang ở khu vực nhà máy thì bất ngờ có nhiều cuộc điện thoại từ lãnh đạo các huyện, xã gọi tới tấp để xác minh thông tin vỡ đập thủy điện. Chúng tôi khẳng định công trình vận hành an toàn.”

Người dân xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, căng bạt tá túc trên núi. (Hình: VietNamNet)

Chiều cùng ngày, thủy điện Bản Vẽ giảm lưu lượng xả từ 4,200 mét khối/giây xuống còn 3,800 mét khối/giây.

Mặc dù ông Hùng khẳng định “công trình vận hành an toàn,” nhưng theo báo VietNamNet dẫn tin của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai-Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Nghệ An cho hay: “Lũ dâng khiến 15 ngôi nhà tại huyện Tương Dương bị ngập sâu, 10 nhà bị sụt lún, sạt lở phải di dời; 13 nhà dân ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, đang bị ngập sâu.”

Ngoài một cây cầu dẫn lên thủy điện Bản Vẽ bị gãy thì “Nhiều vị trí trên quốc lộ 7A bị ngập. Có đoạn ngập sâu 2.5 mét. Hiện tuyến quốc lộ 7A từ huyện Tương Dương lên cửa khẩu Nặm Cắn (huyện Kỳ Sơn) có nhiều đoạn đang bị ngập sâu 30-50 cm gây tắc nghẽn giao thông,” ông Nguyễn Việt Phương, chi cục trưởng Chi Cục Quản Lý Đường Bộ II.2, được báo VietNamNet trích lời nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT