Friday, March 29, 2024

Vợ LS Nguyễn Văn Đài cùng nhiều người ‘đòi quyền dự tòa’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một ngày trước phiên xử Luật Sư Nguyễn Văn Đài và năm thành viên Hội Anh Em Dân Chủ tại Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội vào ngày 5 Tháng Tư, người nhà của những nhân vật này vẫn không chắc việc họ có được tham dự “phiên tòa công khai” này hay không.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự Lê Thu Hà và các nhà hoạt động Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức cùng bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ Luật Hình Sự CSVN.

Hôm 4 Tháng Tư, bà Vũ Minh Khánh, vợ của Luật Sư Đài, gửi đến nhật báo Người Việt “bản lên tiếng” mà bà và những người vợ của các ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức đã ký vào cùng các nhà hoạt động khác.

Văn bản này viết: “Đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan đến một tổ chức xã hội dân sự hoạt động ôn hòa và bất bạo động, nhưng bị cáo buộc thực hiện hành động ‘Lật đổ chính quyền nhân dân.’ Chắc chắn phiên tòa sẽ trình diễn một vở kịch hài hước bởi đã được dàn dựng cẩn thận về kịch bản, diễn biến và kết quả. Tất nhiên bản án sẽ được tuyên ở phiên tòa như thế cũng hoàn toàn vô giá trị.”

Theo văn bản nêu trên, “Những hoạt động được mô tả trong bản cáo trạng của vụ án này là những điều mà một người dân bình thường được quyền thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của mình với tư cách là một công dân và một con người theo Hiến Pháp 2013 của Việt Nam. Do đó, không thể dựa vào sự mô tả đầy kỳ thị, ác ý và lệch lạc về các hành động đó để bỏ tù và tuyên án những công dân đang thực thi quyền con người và quyền công dân một cách bình thường.”

“Các ‘chứng cứ’ nêu trong bản cáo trạng chỉ là sự suy diễn đơn thuần nhằm mục đích gán ghép tội trạng cho các nhà hoạt động xã hội dân sự, chứ không dựa trên cơ sở pháp lý và chuẩn mực pháp lý, dù sơ đẳng nhất, để chứng minh hành vi của các bị cáo có vi phạm pháp luật hay không một cách thuyết phục. Do đó, những ai đã tạo dựng nên các chứng cứ như vậy cũng cần phải hiện diện tại phiên tòa để trả lời chất vấn của các luật sư và bị cáo về cách thu thập chứng cứ và nội dung chứng cứ,” bản lên tiếng viết.

Cùng ngày, Tổ Chức Amnesty (Ân Xá Quốc Tế) phát đi thông cáo với nội dung: “Hôm 5 Tháng Tư, sáu người phải ra tòa ở thành phố Hà Nội vì các hoạt động cổ vũ ôn hòa của họ. Cả sáu người đều bị cáo buộc tội ‘lật đổ’ vì các hoạt động bao gồm cổ vũ chính trị ôn hòa, thúc đẩy các tổ chức quốc tế đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và cung cấp hỗ trợ pháp lý cho nông dân và công nhân. Nếu bị kết án, họ có thể phải đối mặt với án chung thân hoặc tử hình.”

Thông cáo cũng dẫn lời ông James Gomez, giám đốc đặc trách Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế: “Việc đàn áp bất đồng chính kiến không ngừng ở Việt Nam phải chấm dứt ngay lập tức. Chính quyền cần phải bắt đầu bằng việc hủy bỏ các cáo buộc lố bịch chống lại sáu nhà hoạt động và trả tự do vô điều kiện cho họ.”

“Trừ khi chính phủ Việt Nam thay đổi cách hành xử và chấm dứt tất cả các thực trạng phi pháp nhằm bỏ tù và sách nhiễu các nhà đối lập ôn hòa, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi danh sách các tù nhân lương tâm sẽ còn tăng lên thêm nữa. Việt Nam cần phải lập tức trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm chỉ vì lên tiếng bày tỏ suy nghĩ một cách ôn hòa, và tuân thủ một cách nghiêm túc các nghĩa vụ của nhà nước trong việc tôn trọng nhân quyền cho mọi người,” trích thông cáo.

“Việt Nam là một trong những nước cầm tù nhiều nhà hoạt động ôn hòa nhất ở Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ mà không ai mong nhận được. Cả 97 tù nhân lương tâm trên đất nước này mà chúng tôi biết được đều là những người phụ nữ và đàn ông can đảm, những người mà tự do của chính họ bị tước đoạt chỉ vì thúc đẩy quyền con người,” ông James Gomez, được trích lời trong thông cáo.

“Điều tệ hơn là, không thể biết được con số thật sự là bao nhiêu, vì chính quyền Việt Nam hành xử phía sau một tấm màn che đậy nhiều bí mật,… Các tù nhân lương tâm phải đối mặt với tình trạng tồi tệ trong tù, nơi họ thường xuyên bị biệt giam và bị từ chối không cho gặp luật sư và thành viên gia đình. Tình trạng tra tấn diễn ra thường xuyên trong nhà tù Việt Nam. Chúng tôi đã thu thập bằng chứng về các trường hợp tù nhân bị đánh đập bằng gậy, ống cao su, đấm và đá; giật điện; và phải chịu các tư thế căng thẳng,” Ân Xá Quốc Tế cho biết thêm. (T.K.)

Du khách tưởng Nha Trang là “phố Tàu, nước Nga”

MỚI CẬP NHẬT