Tuesday, April 23, 2024

Vợ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy ra tòa án Đức làm nhân chứng

BERLIN, Đức (NV) – Vợ ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc tổng công ty xơ sợi Đình Vũ (PVTex), ra tòa thượng thẩm tại thủ đô Berlin hôm 7 Tháng Năm, làm nhân chứng trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Cả bà Trần Dương Nga và ông Vũ Đình Duy làm nhân chứng trong vụ tòa án thượng thẩm Đức xử Nguyễn Hải Long, chủ một công ty dịch vụ chuyển tiền tại Praha, Cộng Hòa Czech, về tội làm gián điệp và tiếp tay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh buổi sáng ngày 23 Tháng Bảy, 2017, tại công viên Tiergarten, thủ đô Berlin cùng với “đào cũ” của ông ta.

Bà Trần Dương Nga, vợ ông Trịnh Xuân Thanh đã chạy sang Đức khoảng thời gian ông trốn khỏi Việt Nam ra tòa làm nhân chứng là dễ hiểu. Nhưng sự xuất hiện bất ngờ của ông Vũ Đình Duy, nguyên là tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Hóa Dầu và Xơ Sợi Dầu Khí (PVTex), trốn khỏi Việt Nam hồi Tháng Mười năm ngoái, hiển nhiên gây kinh ngạc không ít.

Ông Vũ Đình Duy, 42 tuổi, hiện đã bị nhà cầm quyền Việt Nam truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế…” và bị truy nã khắp nơi. Công ty PVTex là một công ty con của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam), thua lỗ chỏng chơ, số tiền đầu tư 7,000 tỉ đồng giờ chỉ như đống sắt vụn.

Theo tường thuật phiên xử ngày 7 Tháng Năm, 2018, của BBC và Thời Báo bên Đức, bà Trần Dương Nga, 49 tuổi, vợ ông Trịnh Xuân Thanh, khai tại tòa rằng vợ chồng bà đã bàn tính chuyện trốn chạy khỏi Việt Nam từ năm 2016 khi thấy chồng bà “đang có chuyện.”

Ông Vũ Đình Duy lúc còn là phó bí thư Đảng Ủy, tổng giám đốc PVTEX. (Hình: PVTEX)

“Chuyện,” có nghĩa là những chuyện lình xình khởi đầu từ cái xe riêng mang bảng số “xe công” Trịnh Xuân Thanh sử dụng khi làm phó chủ tịch Hậu Giang dẫn đến bới móc những chuyện khác trước đó tại tại Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) khi ông ta làm chủ tịch hội đồng thành viên.

“Chúng tôi bàn với nhau tôi đi trước cùng các con, chồng tôi sẽ đi sau. Chúng tôi không muốn ai biết là chúng tôi ra đi.” BBC dẫn lời bà Nga khai tại tòa. Bởi vậy, bà Nga đã sang Đức từ Tháng Bảy, năm 2016, lấy cớ đi chữa bệnh. Rồi sau đó quay lại Việt Nam và trở lại Đức cùng với 3 người con khoảng cuối Tháng Tám, năm 2016.

Tại phiên tòa, bà Nga kể lại mấy ngày trước khi chồng bà bị bắt cóc, bà chở ông Thanh đến “trại tị nạn” (hay Sở Ngoại Kiều) để được phỏng vấn. Đến “sáng ngày 23 Tháng Bảy, 2017, khoảng 9:30 phút sáng, chồng tôi gọi điện nói chuyện với tôi vài phút. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau.”

Bà kể tiếp là con gái bà 5 tuổi nói chuyện với bố. Bà “đứng ở gần đó nhưng không nghe chồng tôi nói chuyện gì với con tôi cả.”

Đó là lần cuối cùng bà và con gái nói chuyện điện thoại với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày hôm sau, 24 Tháng Bảy, 2017, lời bà Nga khai tại tòa trên BBC: “Luật sư và phiên dịch đến giờ hẹn (phỏng vấn xin định cư tị nạn) rồi mà không thấy chồng tôi đến. Chúng tôi (gồm cả luật sư, phiên dịch và tôi) đều không biết là anh ấy đang ở đâu, chúng tôi đã liên tục gọi điện thoại nhưng không thấy trả lời. Điện thoại của chồng tôi có đổ chuông nhưng mà không có người bốc máy. Tới 5 giờ chiều tôi sốt ruột thì đến gặp luật sư là bà Schalagenhauf. Và đến khoảng chiều Thứ Ba ngày 25 Tháng Bảy, 2017, thì đó là lần đầu tiên tôi được biết tin về chồng tôi bị mất tích.”

Cũng xuất hiện tại phiên tòa ngày 7 Tháng Năm, 2018, theo tờ thoibao.de, người ta thấy ông Vũ Đình Duy. Ông Duy khai đã trốn đến Đức từ Tháng Mười, năm 2017, tức sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và cá nhân ông cũng có thể sắp bị bắt. Ông khai là em họ của Trịnh Xuân Thanh và cả hai “biết nhau từ bé.” Sau khi trốn tới nước Đức, ông Duy khai ông gặp lại Trịnh Xuân Thanh tại đây.

Tại tòa, ông Duy khai đã cùng với bạn gái từng sang Praha gặp “bạn thân” là Đào Quốc Oai, một nhân vật là cậu của Nguyễn Hải Long và cũng dính líu trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ông kể rằng ông Oai đã hỏi dò về thông tin của Trịnh Xuân Thanh và ông nói thác rằng Trịnh Xuân Thanh “không sống ở Đức mà là ở Anh và thông báo cũng chưa gặp Thanh tại Châu Âu.”

“Sau khi từ Praha về lại Berlin, tôi có gặp Thanh và tường thuật lại những điều anh Oai hỏi, tôi thấy anh ấy luôn bất an, vì đang trong tâm thế của người trốn chạy.” Lời ông Duy tại phiên xử Nguyễn Hải Long được thuật lại trên thoibao.de.

Cá nhân ông Vũ Đình Duy có “bất an” hay không, ông có ở trong “tâm thế của người trốn chạy” hay không, chắc nhiều người muốn biết. (TN)

Năng suất lao động của người Việt thấp hơn cả Cambodia

MỚI CẬP NHẬT