Friday, March 29, 2024

Vũ Đức Đam nói ‘phản động có nói khác’ về cách CSVN ứng phó COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Đến nay, dù một số lực lượng phản động có nói khác nhưng uy tín Việt Nam trong dịp này không những không bị tổn hại mà còn nâng cao, khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng CSVN, vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam,” tờ Thanh Niên hôm 4 Tháng Ba dẫn lời ôngVũ Đức Đam, phó thủ tướng CSVN.

Vị phó thủ tướng CSVN đang kiêm nhiệm điều hành lĩnh vực y tế nói thêm: “Nếu nói thành công thì chưa nói được nhưng nếu ví đây là một cuộc chiến thì ta đã chiến thắng chiến dịch mở màn.”

Tính đến hôm 4 Tháng Ba, nhà cầm quyền CSVN vẫn bảo lưu con số 16 ca nhiễm virus COVID-19 “đã được chữa khỏi” mà không công bố thêm bất kỳ ca nhiễm mới nào ngoài “77 trường hợp nghi nhiễm COVID-19.”

Cũng theo báo Thanh Niên, ông Đam cho biết rằng “nếu trong một tuần tới không có ca nhiễm COVID-19 mới thì Việt Nam sẽ công bố hết dịch.”

Đáng lưu ý, đề cập về năng lực ứng phó của hệ thống y tế, ông Đam mạnh miệng tuyên bố rằng các bệnh viện ở Việt Nam “có khả năng đảm bảo tốt cho 3,000 người nhiễm [virus COVID-19]” và với bệnh viện dã chiến mới thành lập, “có khả năng đảm bảo [chữa trị cho] đến 40,000 – 50,000 người [nhiễm].”

Phó Thủ Tướng CSVN Vũ Đức Đam. (Hình: Lê Hiệp/Thanh Niên)

Việc ông Đam lăm le “công bố hết dịch” xem ra khá tương phản với tình hình thực tế, khi mà chính quyền ở Sài Gòn ráo riết thành lập 30 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, với hơn 1,000 giường bệnh, theo báo Một Thế Giới.

Dường như các tuyên bố của Phó Thủ Tướng Đam chỉ có tác dụng tuyên truyền và trấn an người dân trên mặt báo, trong lúc truyền thông nhà nước liên tục đưa tin công an tại các địa phương “mời làm việc” và “phạt vi phạm hành chính cả chục triệu đồng [hơn $500]” đối với những Facebooker đưa tin về COVID-19 “không theo chỉ đạo.” Phát ngôn mới nhất của ông Đam cũng cho thấy nhà cầm quyền CSVN cương quyết kiểm soát thông tin về bệnh dịch virus COVID-19 bằng mọi giá, không chấp nhận bất kỳ ý kiến trái chiều, phản biện về cách chính quyền kiểm soát dịch bệnh. Nếu có thì các ý kiến này sẽ lập tức bị chụp mũ là “phản động, chống đối.”

Hiện tại, báo nhà nước và giới “dư luận viên” không ngớt lời ca tụng thành tích chống dịch và “sự quyết liệt” của ông Vũ Đức Đam. Tuy vậy, giới xã hội dân sự trên mạng xã hội cho thấy cái nhìn dè dặt xen lẫn hoài nghi về năng lực “kỹ trị” của ông này. Hồi trung tuần Tháng Hai, trang Luật Khoa Tạp Chí, tờ báo bị chặn truy cập ở Việt Nam, đăng bài chỉ trích xoay quanh một phát ngôn của ông Đam: “Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá bán khẩu trang thì không cần thanh tra, kiểm tra, đề nghị Bộ Y Tế rút giấy phép kinh doanh [của các nhà thuốc này] ngay lập tức.”

Tờ báo độc lập bình luận: “Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam có lẽ không hiểu một nguyên tắc pháp quyền căn bản, đó là trước khi tước đoạt tài sản hoặc quyền tự do của người dân thì chính quyền phải đảm bảo cho người dân được hưởng một quy trình xử lý chuẩn mực, công bằng.”

“Nếu Sở Y Tế Thanh Hóa xử phạt các nhà thuốc dựa trên chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đồng nghĩa với việc họ xem chỉ đạo đó là luật, đây là điều trái với nguyên tắc ‘sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật.’ Nếu lời nói của một quan chức trở thành luật thì nghĩa là chúng ta đang trở về thời quân chủ chuyên chế, lời vua là luật, chứ không còn là thời [của những tuyên bố đanh thép về] pháp quyền nữa,” trang Luật Khoa Tạp Chí viết. (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT