Thursday, April 18, 2024

Vũ Văn Tiền tha thiết vay vốn Trung Quốc làm dự án nhiệt điện

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội đang bày tỏ sự phản đối trước tin ông Vũ Văn Tiền và liên danh Geleximco-HUI dự định “vay vốn từ các ngân hàng Trung Quốc để xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức PPP (đối tác công tư).”

Ông Tiền là CEO công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Tổng Hợp Hà Nội (Geleximco). Còn HUI là tên viết tắt của Hong Kong United Investors Holding, một doanh nghiệp Hồng Kông mới được thành lập ngày 15 Tháng Giêng, 2016.

Hồi năm ngoái, ông Tiền từng gây xôn xao khi kiến nghị thủ tướng CSVN, Bộ Giao Thông Vận Tải, về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng phi trường Long Thành trong 3 đến 5 năm cũng theo hình thức PPP.

Tập đoàn của ông Tiền cũng bị từ chối tham gia dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ông Tiền còn bị chỉ trích khi đề nghị mời Viện Thiết Kế và Quy Hoạch Hàng Châu của Trung Quốc tham gia quy hoạch hai bờ sông Hồng.

Theo báo Zing, ông Tiền còn được biết đến với cái tên Tiền “Còi,” và được cho là “tỷ phú đô la” giấu mặt của Việt Nam khi sở hữu hàng loạt công ty (trong đó có Ngân Hàng An Bình) với số vốn điều lệ “nhiều ngàn tỷ đồng” cùng “khối tài sản bất động sản khổng lồ.”

Đến nay, ông Tiền được ghi nhận đã hai lần đề nghị đầu tư dự án nhiệt điện bằng vốn vay của Trung Quốc.

Lần thứ nhất là Tháng Bảy, 2017, liên danh Geleximco-Tập Đoàn Năng Lượng Mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc) đề nghị thủ tướng CSVN cho đầu tư năm dự án nhà máy Nhiệt Điện Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3.

Lần thứ hai là Tháng Mười, 2017, liên danh này tiếp tục đề nghị đầu tư hai dự án Nhiệt Điện Quỳnh Lập 1 ở tỉnh Nghệ An và Quảng Trạch 2 ở tỉnh Quảng Bình.

Báo VNEconomy dẫn văn bản của Bộ Công Thương CSVN cho hay: “80% vốn được vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất 10.86%/năm, vay thương mại quốc tế 11.77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do ngân hàng Phát Triển Nhà Nước Trung Quốc đứng đầu gồm ngân hàng Trung Quốc, ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc, ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam và chi nhánh An Huy, ngân hàng Công Thương Trung Quốc.”

Báo Đất Việt hôm 30 Tháng Ba dẫn lời ông Lê Công Nhường, đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Bình: “Không nên vay vốn Trung Quốc và cũng không nên làm nhiệt điện than nữa. Trung Quốc đã chỉ đạo cho đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than từ năm 2017 vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Việt Nam không nên đi ngược xu hướng chung của thế giới. Khi Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại quốc gia này họ sẽ tìm cách đẩy các thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sang nước khác. Nếu vay vốn xây dựng dự án Quảng Trạch 2, Quảng Bình rất khó tránh được việc phải sử dụng công nghệ của nước này.”

“Dự án nào sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc cũng bị chậm tiến độ, bị kéo dài thời gian, đội vốn cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, một dự án vay hàng ngàn tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động lại không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nợ công quốc gia,” ông Nhường được trích lời nói.

Hồi Tháng Tám, 2017, khi vụ ông Tiền đề nghị để nhà thầu Trung Quốc làm phi trường Long Thành, báo Lao Động bình luận: “Chúng ta không đánh đồng các nhà thầu Trung Quốc, nhưng cũng không thể bàng quan với những cái bẫy giá rẻ. Bởi nếu bài học về sân vận động Mỹ Đình còn chưa đủ nặng ký thì hãy nhìn sang đường sát trên cao Cát Linh-Hà Đông. Mức đầu tư đã đội vốn 100% rồi. Hãy nhìn sang đường ống nước Sông Đà với số lần vỡ, gặp trục trặc mà nói ra chắc không ai tin nổi – 21 lần cả thảy.” (T.K.)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm bắp nếp xào tôm”

MỚI CẬP NHẬT