Thursday, March 28, 2024

Xôn xao biệt phủ của hai ‘quan’ về hưu ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai căn biệt phủ đồ sộ, rộng hàng ngàn mét vuông nằm ở vùng ven Sài Gòn được xác định là của hai quan chức về hưu vừa được phát hiện đang khiến dư luận xôn xao không ngớt.

Theo báo Người Lao Động, một căn rộng gần 7,000 mét vuông, nằm cạnh bờ sông Sài Gòn, trước cảng An Sơn, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, Sài Gòn, thuộc sở hữu của ông Bùi Cách Tuyến, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường.

Căn “biệt phủ” được xây dựng khá lớn, có nhà thủy tạ dùng để hóng mát, tiếp khách ngoài trời, bao quanh là thảm cỏ xanh mướt, có tường rào bao quanh, cổng cao hơn 2 mét và cửa ra vào đối diện bờ sông.

Tin cho biết, hồ sơ đất đai của căn biệt phủ này do bà Trần Thị T., vợ ông Tuyến, sở hữu từ năm 2013, gồm năm thửa. Năm 2015, bà T. xin giấy phép xây dựng và cùng chồng đứng tên chung.

Khu biệt phủ thứ hai, nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, có quy mô rộng khoảng 3,000 mét vuông, kéo dài ra tận con sông chợ Đệm, với hàng rào cao 2 mét, được cho là của ông Nguyễn Phước Thanh, cựu phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, vừa về hưu.

Căn biệt thự được cho là của ông Nguyễn Phước Thanh, cựu phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước. (Hình: Báo Người Lao Động)

Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Phụng, bí thư Huyện Ủy Bình Chánh, cho biết: “Qua báo cáo sơ bộ từ Thanh Tra huyện và Phòng Quản Lý Đô Thị huyện, biệt thự này xây dựng đúng với giấy phép xây dựng và khu đất do con gái ông Nguyễn Phước Thanh, nguyên phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, sở hữu, tên là Nguyễn Phước Thiên Anh, 22 tuổi.”

“Tổng diện tích gần 3,000 mét vuông, nhưng trừ lộ giới còn 2,300 mét vuông,” ông Phụng nói.

Sau khi truyền thông rầm rộ loan tin, tối 25 Tháng Mười, từ Úc, ông Bùi Cách Tuyến đã chủ động gọi điện thoại đến báo Người Lao Động phản hồi vụ việc cho biết: “Tôi đang qua nước ngoài để thăm con thì nghe thông tin mình sở hữu biệt phủ nên phải lên tiếng để dư luận hiểu rõ. Nói thật, hồi trước đến giờ tôi đều lo làm việc nhà nước, còn về kinh tế đều do vợ đảm trách. Năm 2013, khi tôi còn làm tại Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, vợ tôi mua khu đất này và có kê khai tài sản theo quy định pháp luật.”

“Năm 2015, tôi về hưu nên vào Sài Gòn tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Nông Lâm. Lúc này, vợ chồng tôi bắt đầu bỏ tiền ra xây dựng căn nhà. Lúc bấy giờ là giáo viên thì không còn phải kê khai gì nữa. Vả lại hồi tôi chưa làm hiệu phó, hiệu trưởng trường thì kinh tế gia đình tôi cũng đã khá rồi. Nếu không tin, có thể tìm trường Nông Lâm hỏi sẽ rõ,” ông Tuyến nói.

“Tôi gốc là nhà giáo. Năm 1979, tôi tốt nghiệp trường đại học Nông Lâm rồi ở lại trường công tác. Sau đó, tôi là hiệu trưởng trường đến hết năm 2007. Tôi có chuyên môn và cũng có nguyện vọng là đào tạo thế hệ trẻ sau này. Năm 2008, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường mời tôi ra bộ làm thì tôi có ra một thời gian rồi vô lại dạy học sau khi nghỉ hưu… Tôi là thầy giáo đứng đắn, trước giờ ai cũng biết. Tôi tự lo mọi thứ ngay từ đầu, từ hồi mới ra trường, tức là năm 1979 đến giờ,” ông nói thêm. (Tr.N)

Dân lo lắng qua cầu lún gần nửa mét ở Quảng Nam

MỚI CẬP NHẬT