Thursday, April 25, 2024

Xót lòng với nhà nông miệt vườn miền Tây

Trần Tiến Dũng/Người Việt

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Bây giờ, người dân miệt vườn trồng cây trái đẹp mắt chỉ để bán mà không dám ăn, vì bởi: “Dân thành phố nói tụi tôi ác nhưng họ đâu có chịu mua trái xấu mà còn ưa đòi ăn trái cây trái mùa. Thiệt lòng tôi thấy làm vậy cũng thất đức nhưng đâu biết phải làm sao.”

Rời Sài Gòn trong cơn mưa đầu mùa. Từ Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận, tỉnh Tiền Giang, hai bên đường, các vựa trái cây lớn đua nhau mọc lên theo nhu cầu thị trường Trung Quốc. Nhìn các đống trái cây đủ loại đang chờ xe vận tải bốc hàng, người ta còn thấy các hàng quán khác đang chất đầy một màu đỏ chói của trái thanh long đang chờ “giải cứu” hoặc đem đi bỏ rác.

Cụm từ “giải cứu nông sản” suốt từ các tỉnh miền Trung, miền Đông, cao nguyên, miền Nam đã trở nên quen thuộc đến mức khiến người tiêu dùng có hảo tâm phải chán ngán. Nhiều người cho rằng đang có sự dung túng để thương lái Trung Quốc thỏa sức thâu tóm và hủy hoại các loại nông sản và đời sống nông dân Việt Nam.

Cây bưởi trong vuông vườn tạp của ông Hai. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Đất vườn không còn tiếng loài lưỡng cư

Chúng tôi đến trọ ở nhà một người nông dân nằm sâu bên một con kênh thông ra dòng sông Tiền. Đất vườn mùa nước nổi ngập úng nhưng cành lá vườn cây vẻ ngoài vẫn xanh tươi. Ông Hai, vừa đi hái cam về, mở quạt máy cho đống cam xoàn ông đổ trên hiên nhà ráo nước mưa.

Ông cho biết, với bảy công vườn, ông trồng cam xoàn, ổi Đài Loan, mận giống Ấn Độ. Số cam xoàn ông vừa hái khoảng 200 kg, mỗi ký giá hiện tại mà vựa trái cây thu là 10,000 đồng (khoảng 40 cent). Giá rẻ vậy nhưng phải hơn một tháng ông mới hái một đợt cam.

Ông Hai bận rộn với số cam vừa hái từ vườn nhà. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Ông tính toán, vườn của ông thuộc loại trồng đủ loại trái cây phổ biến của nông dân hiện nay, nhưng mỗi tháng tùy theo giá trái cây lên hay xuống, thu nhập chỉ trên dưới 5 triệu đồng (khoảng $215). Ông tặc lưỡi nói: “Đám trẻ tụi nó đi Sài Gòn, Cần Thơ làm xí nghiệp, nhà vườn bây giờ chỉ còn người già thì chừng đó cũng tạm sống qua ngày. Thấy người ta phá vườn tạp làm vườn chuyên canh mít Thái hay sầu riêng giống mới, mỗi mẫu kiếm gần cả tỷ một năm, nhưng mình đâu có vốn, có sức mà mơ.”

Đêm Cái Bè vẫn mưa rả rích. Trên cái bàn tròn giữa nhà, ông Hai mời chúng tôi uống trà. Người bạn trẻ cùng đi với chúng tôi hỏi ông: “Chú Hai, con ở Sài Gòn, đi ăn bánh cuốn nghe nói về con cà cuống, con chưa từng thấy con này, xứ mình có hông chú.” Ông Hai chỉ cười trừ mà không trả lời.

Nhìn cách cười mà dân miền Tây gọi là cười trừ, ai cũng hiểu chuyện tuyệt chủng của con cà cuống này đã lâu đến mức không cần phải giải thích nữa. Chúng tôi góp thêm chuyện: “Hồi trước mỗi lần qua phà Mỹ Thuận thì được ăn chim sẻ rô ti, còn đến phà Cần Thơ thì ăn dế cơm nhét đậu phộng. Mấy món đó bây giờ còn không có, nói chi tinh dầu cà cuống tự nhiên.”

Một ngôi nhà của người miệt vườn miền Tây. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Rồi chúng tôi chợt nhận ra ngay trong đêm mưa dầm miệt vườn mà tuyệt nhiên không có một tiếng kêu nào của các loài côn trùng hay lưỡng cư, các thứ âm thanh của thời đồng ruộng, vuông vườn miền Nam nghe như dàn hợp xướng rền vang trong mỗi đêm suốt mùa mưa.

Phát hiện sự biến mất dàn hòa âm điền giả này là điều bất ngờ với chúng tôi. Ông Hai lại cười trừ, nhưng khác với lần được hỏi về con cà cuống, ông giải thích kiểu tiếu lâm: “Chút nữa mấy chú sẽ nghe người ta hát karaoke dậy xóm, chớ nghe chi tiếng ếch, nhái với ễnh ương để mà buồn hiu.”

Rồi để gián tiếp giải thích cho chúng tôi vì sao đêm miệt vườn đã thưa vắng sự sống các tầng sinh vật quen thuộc của đồng bằng từ thời mở cõi, ông Hai kể khơi khơi: “Ngoài thuốc xịt cỏ diệt cỏ, xịt diệt sâu, cây nào cũng cần xài thuốc kích thích để trái rộ, ngay mận Ấn Độ còn thêm chất tạo màu mới bán được. Mấy chú tính coi tiền mướn người làm cỏ với tiền mua thuốc xịt diệt cỏ thứ gì rẻ hơn.”

Một góc đường quê miền Tây. (Hình: Trần Tiến Dũng)

“Tụi thanh niên thì đi thành phố, người già ở vườn chỉ trông cậy vô thuốc diệt cỏ chớ sức đâu mà làm. Còn thuốc kích thích ra trái thì ai cũng xài, mình không xài lấy trái ngon đâu mà bán. Đến cây trong vườn xịt kích thích riết chừng vài năm phải đốn bỏ trồng cái khác, như sầu riêng ngày xưa sống hàng chục năm giờ sống giỏi lắm chừng bảy, tám năm. Dân thành phố nói tụi tôi ác nhưng họ đâu có chịu mua trái xấu mà còn ưa đòi ăn trái cây trái mùa. Thiệt lòng tôi thấy làm vậy cũng thất đức nhưng đâu biết phải làm sao,” ông tự vấn.

Thực trạng các vùng đất vườn trồng trái cây nổi tiếng của miền Nam, cứ mùa qua mùa bị các chất hóa học nông nghiệp độc hại đa phần xuất xứ từ Trung Quốc dần thấm vào đất vào nước, đồng nghĩa với việc hủy diệt mọi loài côn trùng, thủy sinh, lưỡng cư bản địa… nhưng trầm trọng hơn không phải là các giống loại đó bị diệt chủng mà chính là tàn hại sức khỏe chính người dân nơi đây và cả cộng đồng tiêu thụ sản phẩm.

Cảnh sống tạm bợ trên ghe vẫn không thay đổi giữa miệt vườn miền Tây. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Ốc mương và cây trồng ăn riêng

Bình minh miệt vườn sau cơn mưa đêm cây trái xanh mướt. Từ sân nhà lót gạch thẳng ra tới các con đường làng quanh co đâu đâu cũng nở rộ các loại hoa đặc hữu đồng bằng. Dù con người bị vướng víu cảm xúc lo lắng, thậm chí sợ về việc môi trường nơi đây không còn trong sạch nữa, thì cũng không thể không mở lòng đón nhận một ngày mới yên bình với người nông dân.

Cô con gái của ông Hai pha cà phê mời khách, cô cho biết đó là loại cà phê gói, nhà cô không còn dùng cà phê bậy bạ bán ký như trước. Rồi cô ra vườn hái ổi, cam để vô cái khay có sẵn chén muối ớt. Cô nói cho chúng tôi yên tâm là mấy cây này nhà trồng riêng để ăn không xịt thuốc.

Người nông dân miền Nam xưa cũng có lệ để lại giống cây ngon, trái ngon để cúng ông bà, để ăn và mời khách chớ không bán. Đứa con gái út của cô đang quấn chân mẹ, chỉ cây bưởi trồng bên hông nhà, nói chen vô: “Bưởi đó ngon lắm đó ông.”

Người bạn trẻ cùng đi với chúng tôi, lại hứng chí đưa ra ý tưởng mới: “Nếu tổ chức một tua du lịch miệt vườn ăn trái cây trồng riêng, các loại thực phẩm khác cũng trồng riêng luôn chắc là ok lắm luôn.” Thật ra việc phân biệt thực phẩm trồng để ăn riêng với thực phẩm bán ra cho cộng đồng chỉ là tình huống bắt buộc trong thời mà chính quyền bất lực không có chính sách cho một nền nông nghiệp sạch.

Đàn vịt trên ghe hướng về các cánh đồng miền Nam mùa nước nổi. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Bỗng đứa cháu ngoại của ông Hai nói: “Mẹ, mình có kêu mấy chú này đi bắt ốc với mình hông mẹ?” Cái mương nhỏ nằm ở rìa khu vườn, có cống dẫn ra dòng sông. Chúng tôi cùng đứa cháu ngoại của ông Hai xuống bắt loài ốc bươu bản địa đang trú dưới đám lá bông súng. Đứa bé lại nói: “Mỗi lần cậu con ở Sài Gòn về là bắt cả thúng đem lên trển ăn. Có lần người ta vô xin bắt rồi trả cho ông ngoại cả trăm ngàn luôn đó, ốc sạch mà ông.”

Thật ra cũng không có gì chắc là vuông ao nhỏ này là đất sạch, là nước sạch giống như thời đồng ruộng vườn tược của người miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Mọi thứ của vùng đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu với môi trường đa dạng sinh học bậc nhất này giờ đã thay đổi, không chỉ ở bề ngoài mà sâu đến tận gốc rễ của đất và người. (Trần Tiến Dũng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT