Friday, April 26, 2024

Làm sao tránh mua nhầm một chiếc xe phế thải ‘total loss?’

LOS ANGELES, California (NV) – Sau một tai nạn, một chiếc xe bị hư hỏng quá nặng khiến tiền sửa chữa nhiều hơn giá trị của chiếc xe, hãng bảo hiểm sẽ đánh giá là “total loss.”

Trong trường hợp này, người chủ xe hay người mua bảo hiểm trên chiếc xe, sẽ được hãng bồi thường số tiền tương đương với giá thị trường của chiếc xe vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Một chiếc xe sau tai nạn có thể bị “total loss,” và cũng có thể được “phục chế,” bán lại cho người không biết. (Hình minh họa: Mark Ralston/AFP via Getty Images)

Hầu như những chiếc xe đánh giá là “total loss” chỉ còn đưa vào bãi xe phế thải, gỡ đồ phụ tùng nào còn xài được, rồi đem đi một nơi khác nghiền nát, nấu chảy, lấy kim loại tái chế.

Tuy nhiên, không phải tất cả các xe “total loss” là hoàn toàn không chạy được trở lại.

Một số chiếc xe “total loss,” trở thành phế thải, nếu được bán lại bằng giá “ve chai” rẻ mạt, vẫn có nhiều người có thể chấp nhận trả tiền sửa xe và phục chế để tiếp tục sử dụng hoặc bán lại kiếm lời.

Các xe “total loss” vì bị ngập nước, trong vùng bị lụt, vẫn được “tân trang” đem đi vùng khác bán.

Trang Cars.com đưa một vài hướng dẫn để tránh mua những chiếc xe phế thải “total loss” này.

Luật về xe “total loss” khác nhau tùy tiểu bang

Ở một vài tiểu bang, khi giấy chủ quyền được “đóng dấu” những chữ như “total loss” như “salvage,” “flood” hay “junk,” những chiếc xe này không được phép lưu hành.

Nhưng ở một số tiểu bang khác, lại không quy định ghi nhận tình trạng chiếc xe bị “total loss,” người mua nếu không xem xét kỹ sẽ mua lầm một chiếc xe từng bị phế thải, được “tân trang” chắp vá.

Tệ hơn, bởi vì luật mỗi tiểu bang khác nhau, một chiếc xe bị “total loss” ở một tiểu bang này nhưng lại có giấy chủ quyền xe hoàn hảo tại một tiểu bang khác.

Xe ngập nước bị đánh giá là “total loss,” vẫn được đem sang những tiểu bang “dễ dãi” bán. (Hình: Mauro Pimentel/AFP via Getty Images)

Nhiều người lợi dụng tình trạng này thực hành tệ nạn “tittle-washing”(tạm dịch: tẩy sạch giấy chủ quyền), đặc biệt, tệ nạn này được dùng nhiều nhất với các xe bị ngập nước.

Mỗi mùa mưa bão gây lũ lụt sẽ khiến cho hàng chục ngàn chiếc xe bị ngập nước.

Các hãng bảo hiểm đánh giá những chiếc xe này vào hàng phế thải “total loss” vì không thể nào định giá sửa chữa, và đặc biệt, tình trạng các vật dụng như ghế, mặt sàn bị ẩm mốc sanh bệnh cho người dùng.

Tuy nhiên, vẫn có nơi mua các xe này với giá “ve chai” về tân trang, rồi đem sang những tiểu bang “khô hạn” luật lệ dễ dãi, bán cho những người không biết mình đang bị lừa.

Lưu ý, các hãng bảo hiểm có thể không chịu bảo hành những chiếc xe bị đánh đấu là “total loss” hoặc sẽ tăng bảo phí cao, vì cho rằng những chiếc “total loss” được phục chế không còn an toàn khi sử dụng.

Các ngân hàng và công ty tài trợ cũng không cho mượn tiền nếu chiếc xe có lịch sử “total loss.”

Mỗi mùa mưa bão gây lũ lụt có hàng chục ngàn chiếc xe bị ngập nước. (Hình: Ian Forsyth/Getty Images)

Làm sao biết một chiếc xe bị “total lost?”

Cơ quan National Insurance Crime Bureau cung cấp dịch vụ miễn phí gọi là VINCheck, đường link sau: www.nicb.org/vincheck, sẽ cung cấp thông tin về chiếc xe đã từng bị hãng bảo hiểm báo cáo bồi thường “total loss” hay bị đánh cắp.

Hầu hết, các hãng xe đều tham gia cung cấp thông tin tuy nhiên không phải là tất cả các xe bị “total loss” hoàn toàn được báo cáo.

Các hãng cung cấp thông tin xe như Carfax và AutoCheck và National Vehicle Title Information System cũng cung cấp thông tin này, nhưng phải trả lệ phí. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT