Thursday, April 18, 2024

Ông Hai Ðúng, nghệ nhân hô bài chòi và hò bả trạo

Liêu Thái - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Ðể tìm một người có khả năng hô hát bài chòi và hò bả trạo thuộc hàng “bậc thầy” của xứ Quảng thì phải tìm đến ông Hai Ðúng.

Dường như mọi tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này đã cô đúc trong ông. Ðặc biệt, cái khí chất xứ Quảng, ăn nói bộc trực và không đãi bôi, có lẽ cũng chỉ có vài người như nghệ nhân Hai Ðúng. 

Con Sanh con Tử

Biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về hô hát bài chòi và hò bả trạo, ông Hai Ðúng kể một cách rành mạch, rặt giọng Quảng ở làng Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nơi ông cùng gia đình sinh sống.

“Thứ nhất, hô hát bài chòi xưa dựa trên ngũ âm gồm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, sau này tôi quyết định nhấn nhá, lấy nhịp và hô theo thất âm của phương Tây, dựa trên nền trống chầu và trống cơm. Bây giờ thì có nhạc đủ thứ loại từ keyboard cho đến guitar đàn đệm, nghe ra vui nhộn hơn. Nhưng gốc thì phải là trống chầu, sên và trống cơm,” ông nói.

“Bây giờ muốn phối âm giữa ba thứ nhạc cụ cổ và tạo ra không khí sinh động thì rất khó. Nhưng tôi thích làm theo lối cổ và hát câu cú theo lối mới, ngẫu hứng. Tôi nghĩ muốn hô hát bài chòi hay hò bả trạo, tố chất cần nhất vẫn là sự thông minh và tâm hồn trong sáng. Nếu không có hai tố chất này sẽ khó mà hô hát bài chòi hay hò bả trạo được,” ông nói tiếp.

Hô hát bài chòi ở phố cổ Hội An.
Hô hát bài chòi ở phố cổ Hội An.

Theo ông, do cả hai loại hình này đều có tính ngẫu hứng rất cao, không theo một khuôn mẫu nào về mặt chữ nghĩa, câu cú, nên tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh mà phát sinh câu chữ.

“Mà câu chữ phải cho đẹp, đắt, chứ xoàng xoàng thì người nghe bị nhàm chán. Ví dụ như hô bài chòi, mỗi người có một chiến thuật, nhưng đa số chọn chiến thuật hô thẻ Sanh chứ không hô thẻ Tử. Bởi vì hô thẻ Tử khó vô cùng nên ít ai chọn,” ông chia sẻ.

Nói về hô thẻ Sanh, ông cho biết: “Hô thẻ Sanh nghĩa là khi cầm con bài chòi lên, hô và dẫn đến đúng tên con đó. Ví dụ như con Nhì Nghèo chẳng hạn, một nghệ nhân không bị khuôn phép chữ nghĩa, nôm na là không bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt thì họ sẽ hô theo cách: ‘Quanh năm chật vật làm ăn, cày sâu cuốc bẫm, í mà cày sâu í mà cuốc bẫm vẫn trắng răng như bò/ Chỉ vì đời cứ quanh co, khúc eo khúc hiểm dày vò tâm can/ Bù cho sâu bọ xài sang, bao nhiêu lá biếc mùa màng phải đau/ Bao năm mưa nắng dãi dầu, mũi tên vô định mà bạc đầu công danh/ Vì nghèo nên chỉ loanh quanh, thương đời ao cạn anh đành nhìn em đi, í mà con Nhì Nghèo.’”

“Ngược lại, hô thẻ Tử thì khác, mình phải nhanh ý, trong lúc hô hát bài chòi, mình phải ‘nhìn’ ra mọi phía. Cái này nghề dạy nghề, nhìn là biết ông nào, bà nào, cô nào, anh nào đang cầm được hai lá cờ đang háo hức chờ lá thứ ba để tới (trúng thưởng – mỗi thẻ bài chòi có ba con bài, người nào đoạt được ba thẻ thì tới, xem như xong một hội, lại tổ chức hô hội khác). Nếu mình hô ngay con bài người ta trúng thì không còn hấp dẫn nữa,” ông nói.

“Thủ thuật” này được ông giải thích: “Mình hô vòng con bài cũ, ví dụ như con Bạch Huê ra, mình không hô ngay mà hô một trong hai con của thẻ sắp trúng thưởng.”

Thẻ bài chòi.
Thẻ bài chòi.

Khi đó, ông hô theo cách: “Kể từ ngày đất nước điêu linh, thêm phần bọn gian ác thì tình hình tệ ra/ Cá đã chết và rừng cũng hết già, mặt đất trơ trọi với tà huy đau/ Làm người có trước có sau, đừng vì ham hố mà đau tộc nòi/ Làm quan phải biết phận tôi đòi, của nhân dân ông chủ thì giống nòi nó mới yên/ Nhắm mắt làm hại vì tiền, cơ đồ thủy tổ đảo điên tan tành/ Tìm đâu cho thấy hiền nhân, đôi đường tài đức dấn thân cho đời/ Tham quan í mà tham quan có thoát được lưới trời í mà con Quan to mập ú...”

“Ðến đây thì người chơi tưởng là mình hô con Quan, ai dè mình chuyển. Lúc đó tôi hô: ‘Tham quan ý mà mập ú í mà có nhiều tiền, dung dăng dung dẻ mà vợ riêng vợ nhà/ Lang thang trong cõi ta bà, em chân dài, em váy ngắn rất là ham vui/ Kể từ sông biển ngậm ngùi, vì mê cái bông trắng mà vùi cái thân trai/ Ðêm về mộng tưởng bi ai/ Bạch Huê ơi hỡi cái bông nhài ngoài chợ hoa, ấy là con Bạch Huê.’ Cuối cùng thì hô con Bạch Huê!” 

Danh và thực

Theo đuổi bộ môn nghệ thuật hô hát bài chòi và hò bả trạo từ lúc lên 10 tuổi nhưng ông Hai Ðúng chỉ hát chơi vậy thôi chứ chẳng đi biểu diễn, cũng chẳng có đứng hô bài chòi bao giờ. Thường thì ông hô cho bà con trong xóm nghe cho vui thôi!

“Sau này lớn lên làm nghề đi biển, đánh bắt xa bờ, tít tận ngoài Hoàng Sa, Trường Sa nên tôi thường hát bài chòi, hát bộ mỗi khi buồn, lênh đênh trên biển. Nhờ tôi biết làm vui cho anh em nên anh em cảm thấy vui, mặc dù gặp nhiều khó khăn cũng chịu đựng để làm việc. Rồi mỗi khi đến mùng Mười Tháng Hai Âm Lịch, tôi hát Lễ Cầu Ngư,” ông tâm sự.

Ông Hai Ðúng trong trang phụ hô bài chòi.
Ông Hai Ðúng trong trang phụ hô bài chòi.

Dần dà, mọi người gọi ông là nghệ nhân. Nhưng ông chỉ là nghệ nhân trong lòng người dân xứ Quảng, chứ thực ra ông chưa được nhà nước công nhận.

Ông cho biết: “Tôi cũng từng nộp đơn xin phong danh hiệu nghệ nhân. Lúc đó tôi suy nghĩ trong sáng lắm, nghệ nhân là một danh hiệu cao đẹp, đáng để con cháu sau này tự hào, thậm chí khi mình chết, con cháu giỗ mình thì nói là ‘giỗ nghệ nhân,’ nghe cũng hay! Nhưng rồi qua thời gian, tôi thấy quá nhiều cái nhiêu khê, buồn cười, nên tôi không nghĩ đến khái niệm nghệ nhân nữa. Cái này chẳng còn cuốn hút tôi nữa.”

“Bởi vì để lấy một danh hiệu, người ta phải bỏ ra quá nhiều thời gian cũng như tiền bạc hoặc sự đầu tư về thời gian cho một thứ chẳng liên quan gì đến chuyên môn hay đam mê của mình, thậm chí làm cho người ta đánh mất sáng tạo thì tốt nhất là đừng có nó. Với tôi, một người hô hát bài chòi hay hò bả trạo, qua những câu hát được ai cho đồng nào thì mang về cho vợ mua gạo, vậy là đủ rồi. Nó cũng giống như con tằm nhả tơ, không ai phong danh hiệu thì con tằm vẫn cứ nhả tơ,” ông nói.

Chia sẻ về chuyện gia đình, ông cho hay: “Các con tôi đã lớn, trưởng thành rồi, có gia đình riêng rồi. Tôi cũng có cháu nội cháu ngoại cả rồi, vậy là ổn. Giờ còn hai vợ chồng già, tôi đi làm lúc có lúc không, nên tiền ít thì bà nhà mua gạo, nhiều chút thì mua cho bịch cà phê, thỉnh thoảng bà nhà mua cho chai bia. Như vậy là quá đủ.”

“Với tôi, vật chất quý lắm nhưng nó không quý bằng sự tự do sáng tạo. Tôi không chấp nhận đánh đổi với bất cứ thứ gì để lấy đi của tôi tự do sáng tạo. Mà đã tự do sáng tạo thì đôi lúc cũng đụng chạm chứ!” ông nói nhẹ như tênh.

Mời độc giả xem chương trình “Miền Nam yêu dấu! Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu” (Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT