Friday, May 10, 2024

Nên mua xe mới hay sửa xe cũ?

Bài và hình: Tư Mỏ Lết

So với các nước khác trên thế giới, kể cả Việt Nam, xứ Mỹ đúng là thiên đường xe hơi. Ai sang Mỹ cũng lắc đầu, tặc lưỡi: “Xe hơi ở Mỹ rẻ quá, bằng một nửa so với giá ở Việt Nam! Nhìn giá là chỉ… muốn mua ngay thôi!” Đó là một sự thực “mát lòng” (chứ không “mất lòng”) mà người Mỹ nên trân quý.

Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng có khả năng mua xe mới, cho dù giá xe rẻ. Sau một thời gian đi một chiếc xe, nhiều chủ xe đứng trước ngã ba đường: nên bán xe cũ để mua xe mới, hay là nên sửa xe cũ tiếp tục đi? Người giàu thì khỏe re, cứ việc mua xe mới chạy cho sướng, khỏi suy nghĩ. Nhưng cũng có một số người tuy dư tiền, nhưng vẫn thích sửa chiếc xe cũ mà chạy. Nhiều người Mỹ thích sự lựa chọn này. Lý do thường thiên về tình cảm, kỷ niệm: Những tay triệu phú muốn giữ lại chiếc xe đầu tiên giúp mình khởi nghiệp thành công. Có người muốn giữ một chiếc xe như là kỷ niệm của cha mẹ, ông bà. Có người muốn lưu lại những ký ức gia đình gắn bó với chiếc xe: Những chuyến nghỉ hè vui thú của cả gia đình, ngày đưa vợ đi sinh con đầu lòng… Người Mỹ coi vậy chứ tình cảm lắm!

Còn người nghèo thì phải cân nhắc nhiều hơn vì tài chính. Mua xe mới thì không đủ tiền. Sửa lại chiếc xe cũ thì sợ sửa xong lại phải… sửa tiếp, dần đà rồi cũng sẽ bằng tiền mua xe mới. Có người nghĩ đến chuyện bán chiếc xe cũ, rồi mua lại một chiếc xe… ít cũ hơn, với hy vọng sẽ ít hư hỏng lặt vặt hơn, may ra đỡ tốn tiền sửa xe hơn. Mà điều này thì cũng không ai dám bảo đảm.

Quả là khó quyết định thiệt!

Theo anh Đức Phạm, chủ nhân tiệm sửa xe JJ Star ở La Habra, những người không thích sửa xe cũ cũng có lý do chính đáng để lo lắng. Nhất là những ai đã có kinh nghiệm sửa xe hơi, xe gắn máy ở Việt Nam. Chiếc xe đã bị làm máy lại ít có khả năng chạy tốt như trước. Đó là chưa kể chuyện thợ lắp đồ phụ tùng “dỏm,” xe mới đại tu máy chạy được một thời gian ngắn lại bị chết máy, phải đem đi sửa tiếp, rắc rối vô cùng. Cộng thêm chuyện định bệnh sai, xe bị hư máy mà lại đi bảo trì hộp số! Rồi còn chuyện “vẽ ra bệnh” nữa.

Thực ra, mọi chuyện cũng không đến nỗi tệ như vậy ở xứ Mỹ văn minh này. Tất nhiên, cũng tùy thầy, tùy thợ. Do đó, chọn cho mình một chỗ sửa xe quen thuộc, có uy tín là một việc làm quan trọng cho người đi xe cũ.

Hãy đem xe đi bảo dưỡng định kỳ là cách tốt nhất để tránh tình trạng đùng một cái phải trả tiền sửa xe một lần quá nhiều đến phát ngán. Những kỳ tiểu tu, trung tu nếu làm đúng lúc, có thợ kiểm tra đàng hoàng, thì kỳ đại tu xe sẽ rẻ hơn. Và xe cũng có tuổi thọ dài hơn. Trong bất cứ xe nào cũng có quyển sách owner’s manual, trong đó chỉ rõ việc bảo dưỡng định kỳ cho xe. Bao nhiêu miles thì phải kiểm tra cái gì, thay thế cái gì. Trong các kỳ bảo dưỡng 15K, 30K, 45K, 60K miles, chủ yếu là thay nhớt, thay các bộ lọc… Người thợ sẽ kiểm tra bằng mắt (visual check) để quyết định có bộ phận nào cần phải thay thế hay chưa.

Đến kỳ bảo dưỡng 105K miles mới được xem là đại tu. Có nhiều thứ cần phải làm, phải thay thế: Thay bugi, thay timing belt, điều chỉnh valve máy, kiểm tra tốc độ không tải… Anh Đức khuyên không nên tiếc tiền cho những kỳ bảo dưỡng như vậy. Có nhiều chỗ sửa xe không làm đủ các yêu cầu bảo dưỡng định kỳ khi khách không có yêu cầu. Họ nghĩ làm vậy khách đỡ tốn tiền. Điều này không đúng, vì không tốn tiền trước thì sẽ phải tốn tiền sau, mà còn nhiều hơn. Những người thợ có kinh nghiệm sửa xe trong các dealers (chỗ đại lý bán và bảo hành xe) thường tuân thủ cách bảo trì do các hãng chế tạo xe đề nghị. Họ thường nhắc khách hàng là đã đến lúc nên làm cái này, thay cái kia… Còn chuyện làm hay không là do khách quyết định.

Sau 100K miles cũng là lúc xe bắt đầu phải được kiểm tra cẩn thận, và có khả năng phải thay thế những bộ phận chính như máy, hộp số, dàn giảm chấn, hệ thống truyền động… Tùy loại xe, điều kiện xe vận hành, tùy chủ có biết giữ gìn xe hay không… mà thời gian phải thay thế những bộ phận này xảy ra sớm hay muộn.

Nặng tiền nhất là làm máy. Người thợ có kinh nghiệm sẽ biết lúc nào nên làm lại máy. Thường là khi xe hao nhớt quá nhiều, xe chạy thải ra khói trắng… Làm máy có nghĩa là phải thay mới piston, xi lanh, trục máy, hệ thống valve… Tuy nhiên, đây không phải là một công việc khó khăn đối với người sửa xe ở Mỹ. Bởi vì Mỹ có những công ty chuyên làm mới các loại máy xe từ A đến Z. Tức là sản phẩm của họ giao là một cỗ máy xe hoàn chỉnh như mới. Việc rebuild hộp số, bộ phận truyền động cũng thế. Điển hình là hãng Jasper, đã có 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Máy xe đã đại tu hoàn chỉnh của Jasper được bảo hành tới 3 năm, hoặc 100,000 miles, tức là còn cao hơn bảo hành của nhiều hãng chế tạo xe hơi. Những tiệm sửa xe như của anh Đức có thể lấy máy của Jasper để lắp cho khách hàng. Như vậy độ tin cậy và an toàn là hoàn toàn có thể yên tâm. Còn về giá cả? Anh Đức cho biết khi thay thế một máy xe mới hoàn chỉnh của Jasper, đối với các loại xe thông thường thì chi phí vào khoảng 6,000- 7,000 USD. Bằng khoảng 1/3 – 1/4 giá tiền mua một chiếc xe mới. Thoạt tiên nghe có vẻ đắt. Nhưng tính kỹ lại, thay máy xe tiết kiệm được nhiều khoảng tiền đáng kể so với việc mua xe mới. Xe mới mua mất giá rất nhanh sau vài năm chạy xe. Tiền bảo hiểm xe cũng cao hơn.

Muốn làm máy rẻ hơn cách thay nguyên bộ máy rebuild hoàn chỉnh như trên, có những tiệm cho tháo máy ra kiểm tra, thấy cái gì hư, mòn thì chỉ thay cái đó. Cách sửa chữa này rẻ tiền, nhưng độ tin cậy kém hơn nhiều.

So chuyện sửa xe cũ với việc “mua một chiếc xe cũ khác, nhưng đời mới hơn” thì chuyện sửa xe có lợi hơn thấy rõ. Mua một chiếc xe cũ chạy được, mileage thấp bây giờ cũng phải cỡ trên dưới 10,000 USD. Mua về rồi cũng sẽ phải sửa. Mà điều còn tệ hơn đó là mình không biết phải sửa cái gì. Bởi vì chiếc xe của người khác chạy, họ giữ gìn xe ra sao, xe đã bị hư hỏng gì, đâu có mấy người bán muốn nói thật cho mình nghe. Sửa chiếc xe mà mình đã từng chạy nhiều năm, biết tính ý vẫn dễ dàng hơn nhiều.

Tất nhiên là quyết định giữ lại chiếc xe cũ cũng còn tùy thuộc vào điều kiện của xe. Nếu nó đã bị đụng nặng, thì không nên giữ làm gì. Theo anh Đức, cái quan trọng nhất của một chiếc xe cũ là dàn khung, chứ không phải là dàn máy. Dàn khung xe còn vững chãi, chưa bị hư hại, thì chuyện thay máy, hộp số, bộ truyền động trên dàn khung này là chuyện nhỏ. Sau khi đã thay máy, chủ nhân hoàn toàn có thể yên tâm là xe chạy trong điều kiện “gần như mới.”

Nói tóm lại, bà con mình nếu dư tiền, muốn enjoy những đời xe mới, với những kỹ thuật tiện nghi mới thì nên chọn mua xe mới. Còn những ai muốn tiết kiệm tiền, muốn giữ lại kỷ niệm, thì việc sửa chữa để có một chiếc “xe cũ mà như mới” ở xứ Mỹ này không phải là một điều không thể thực hiện được.

Thông tin được cung cấp bởi: JJ Star Complete Auto Repair

441 E. Imperial Hwy #B La Habra, CA 96031. Muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc Đức Phạm 714-526-4078.

MỚI CẬP NHẬT