Wednesday, April 24, 2024

Có nên mua xe với giấy chủ quyền ‘rebuilt title?’

LOS ANGELES, California (NV) – Có nên mua xe có giấy chủ quyền “rebuilt” hay không? Câu trả lời là tùy thuộc vào lý do vì sao xe có “rebuilt title,” và quan trọng là mua xe này thì sau đó có mua được bảo hiểm hay không.

Thử tưởng tượng, bạn có chiếc xe mua được mấy năm, vẫn thường xuyên chăm sóc để giữ đi lâu. Một ngày, bạn đem xe tới tiệm mới thấy ở gần nhà, để tune-up và thay dầu nhớt. Sáng hôm sau, trên đường lái xe đi làm, bạn thấy đồng hồ báo máy xe quá nóng. Loay hoay mãi, bạn mới ra được khỏi xa lộ, vào đường trong để ngừng xe lại. Mở nắp xe, bạn thấy máy xe bốc khói. Nhìn xuống dưới gầm xe, bạn thấy dầu nhớt chảy rỉ rả. Con ốc vặn hộp nhớt không thấy đâu nữa.

Một chiếc xe bị ngập nước ở Louisiana. (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Nơi sửa xe bằng lòng đền bù bằng cách thay máy xe cho bạn. Nhưng từ đây, giấy chủ quyền xe của bạn sẽ cho thấy đây là xe tái tạo (rebuilt title) chứ không là xe “bình thường” hay “clean title” nữa.

Nói chung, các xe có giấy chủ quyền cho biết là xe tái tạo thường là những chiếc xe đã trải qua hư hại lớn, đã phải sửa. Nhưng các xe này cũng có thể chỉ là xe “có huông,” còn gọi là “dớp,” mới mua mà phải sửa đi sửa lại nhiều lần, ở Mỹ gọi là “lemon car,” vốn theo luật ở một số tiểu bang thì đại lý phải mua lại. Các xe này cũng có thể đã bị ngập nước do lụt, hay bị trộm và bị tháo mất một số món trên xe. Hoặc trong trường hợp tệ hại nhất thì đã bị tai nạn và chủ xe không muốn bỏ, cho sửa lại để chạy tiếp và sau đó bán lại.

Do đó, trước khi quyết định mua xe “rebuilt title,” bạn nên xem giấy tờ liên quan tới chiếc xe. Chiếc xe có bị đụng hay không? Nặng nhẹ như thế nào? Tình trạng chiếc xe trước khi được đổi giấy chủ quyền ra sao? Nếu là “lemon car” thì vì lý do gì?

Nhưng dù cho thế nào chăng nữa, trong trường hợp này bạn nên luôn đem xe tới một tiệm tin tưởng để nhờ người thợ máy nơi này xem xét.

Bạn cũng phải nghĩ tới việc là mua xe này rồi sau đó có mua được bảo hiểm hay không.

Một số công ty bảo hiểm ngần ngại với các xe có “rebuilt title” vì đôi khi chiếc xe được tái tạo không đúng theo tiêu chuẩn, có thể không còn an toàn, và có thể gây ra tai nạn, gây ra bao rắc rối khác. Do vậy phải hỏi nơi bạn mua bảo hiểm trước khi mua chiếc xe.

Bạn cũng nên nhớ rằng ở Mỹ, không phải tiểu bang nào cũng giống nhau, ngay cả khi liên hệ đến các chiếc xe tái tạo.

Thường thì nếu chiếc xe bạn mua là loại có “salvage title” thì đây là những chiếc xe đã hư “tanh bành,” bị công ty bảo hiểm liệt vào loại bỏ đi (total loss), nhưng vẫn có người mua lại để tháo gỡ phụ tùng, hoặc sửa chạy tiếp. Trước đây, người ta thường gộp chung loại xe “salvage title” với “rebuilt title.”

Nhưng rõ ràng ở đây có khác biệt. Vì xe “rebuilt title” là xe đã được sửa, được coi là an toàn và hợp lệ để lưu thông trên đường. Trong khi xe “salvage title” được coi là chưa sửa, chưa kiểm nhận an toàn và hợp lệ. Như đã nói ở trên, có một số tiểu bang như New Jersey, chỉ dùng danh từ “salvage title” cho cả hai loại này, do vậy nếu bạn ở nơi không có sự phân biệt thì lại càng phải cẩn thận hơn nữa.

Một chiếc xe bị hư hại nặng do bão lốc ở North Carolina. Có thể có “rebuilt title” sau khi sửa xong. (Hình: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)

Sau cùng, nếu bạn mua xe có giấy chủ quyền “clean title” thì có thể coi như an toàn vì đây có nghĩa là xe không bị ai cầm cố, thế chấp hay có lý do gì khiến có thể bị đưa vào loại “salvage title” hay “rebuilt title.”

Dù vậy, khi mua xe cũ bạn cũng nên đưa xe đến thợ máy nhờ xem lại, vì xe nào cũng có thể có các vấn đề mà người mua không hay biết. Nhưng đây lại là một đề tài khác. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT