Bụi và Rác (Kỳ 18)


Kỳ 18


Chương Sáu 


Khi tôi về đến đầu ngõ, cả khu Mã Lạng bỗng tắt điện bất ngờ. Tôi nghe tiếng người nói ồn ào ở rạp Quốc Thanh. Hồi sáng, khi chạy xe ngang, tôi thấy rạp dựng bảng đoàn kịch Kim Cương trình diễn vở “Dưới Hai Màu Áo.”

Có lẽ khán giả đang bực mình vì vở diễn bị ngưng nên túa ra trong vòng cửa sắt hút thuốc, uống nước, tìm chút không khí. Tôi tắt máy xe, dắt bộ xuống con hẻm. Hai dãy nhà ngó mặt nhau trong đêm với những cánh cửa sổ như được mở đồng loạt kiến tôi có cảm tưởng là mình bị những cặp mắt vô hình dòm ngó, soi mói. Dựng xe ở hiên nhà, tôi ngạc nhiên thấy cửa không đóng. Phòng khách tối, nhưng bên trong, nơi được dùng làm phòng ăn và buồng ngủ, tôi thấy ánh sáng leo lét của một ngọn đèn dầu.


“Ảnh về đó kìa!” Tôi nghe tiếng Quỳnh nói. “Vô đây anh.”


“Chào chú mày!” Tôi nghe tiếng nói của một người đàn ông, giọng cứng và lạnh.


Tôi đến cửa hông, dừng lại.


“Chào ông.” Tôi trả lời, hơi bỡ ngỡ không hiểu người đó là ai.


“Anh Mười. Ðây là anh Thăng, chồng em.” Quỳnh giới thiệu tiếp, “Anh Mười Tân, bữa trước em có kể anh nghe rồi!”


“Thưa anh.” Tôi chào thêm lần nữa, bối rối.


“Ði đâu cả ngày bây giờ mới về, mậy?”


Bất ngờ, tôi nghe tiếng nói của Tuấn. Hắn ngồi trong ghế sát cửa sổ, mở ra sàn nước, nhưng vì ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng, nên tôi không nhìn ra hắn.


“À, đi lăng quăng…” Tôi trả lời.


Ông Mười Tân vẫn ngồi yên, chỉ có đốm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc sáng rực lên và dịu xuống từng lúc.


“Thời này không phải như hồi trước đâu, đừng có la cà theo bọn phản động, có ngày tù rục xương, chết không kịp ngáp!” Tuấn nói, vẫn cái giọng lên lớp.


Tôi đến chỗ Quỳnh nằm, bế con lên. Ðứa bé trở mình khóc. Cả thân thể nó nóng hâm hấp. Tôi ôm con vào lòng. Thuốc men hồi này khan hiếm. Hoặc giả nếu có thì đã quá hạn kỳ, hoặc tủ lạnh mất hơi vì thiếu điện nên không giữ được dược tính của thuốc.


“Tại sao xin nghỉ dạy?” Ông Mười Tân hỏi tôi một câu trống trơn.


Tôi ngồi xuống mép giường. Quỳnh đưa tay bế con. Tôi chưa biết trả lời sao cho ông Mười Tân rõ. Tôi biết người đang nói chuyện với tôi là một đảng viên Cộng sản, một cán bộ cao cấp của chế độ mới. Tôi cũng biết, theo như cách nói của Hiên, hiệu trưởng của nhà trường “cách mạng.” Mười Tân là “thủ trưởng của thủ trưởng” của y nữa kia. Có lẽ, Mười Tân đã được báo cáo về trường hợp xin nghỉ của tôi, theo một cách nào đó như kiểu tờ trình của Hiên gửi lên Sở Giáo Dục Thành Phố mà Sự đã cho tôi một bản sao. Tôi không nghĩ là ông ta đang nói như một người anh họ của người đàn bà đang sống với tôi. Ông Mười Tân đang nói như chính cái chế độ của ông nói:


“Thưa anh,…” tôi chậm lại, “Tôi thấy công việc dạy học không thích hợp với tôi.”


“Không thích hợp tại sao trước đây chọn nó?” Mười Tân tiếp tục hỏi trống trơn, giọng nhẹ nhàng.


“Chắc mày dạy cái môn triết lý bá láp này cũng hơn mười năm rồi phải không?” Tuấn chen vào, giọng đắc thế. “Duy Tâm! Duy Tâm! Hỏng hết!”


“Em không hiểu sao anh Tuấn hồi này nói năng lung tung quá!” Quỳnh đứng dậy đặt con vào nôi, vừa buông màn vừa nói, “Ở đời ai chẳng chọn lựa, chọn sai thì đổi, có sao đâu!”


Mười Tân không nhìn tôi. Ông vừa liếc mắt về phía Quỳnh vừa châm một điếu thuốc. Có vẻ ông là người hút thuốc nhiều.


Em có biết là cái thái độ xin nghỉ việc của thằng Thăng trong tình hình củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng là một thái độ mang ý nghĩa phản kháng chế độ này hay không?” Mười Tân nói giọng nhỏ nhẹ mềm mỏng hơn, mặc dù nội dung không phải là như thế. “Vả lại,” Mười Tân tiếp, “rồi tụi bây sẽ làm gì để sống trong những ngày sắp tới?”


“Em sẽ đi buôn bán như hồi má em còn sống!” Quỳnh trở lại giường, ngồi sát chỗ tôi.


“Hừ! Buôn bán! Chế độ này không có chỗ cho cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu đâu. Bây giờ mà má còn sống, má cũng phải dẹp tiệm chứ đừng nói em!” Tuấn nói như một nhà cách mạng thứ thiệt.


“Chớ anh quên cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu kia lâu nay nuôi anh ăn học nên người như thế này à? Chớ anh tưởng ba đang được tự do như anh với tôi, với anh Thăng à?” Quỳnh bất ngờ xẵng giọng.


“Quỳnh!” Tôi nắm tay vợ, chận không muốn cô nói nữa.


“Anh theo cách mạng hồi nào vậy?” Quỳnh tiếp tục nói, “bộ anh là con kỳ nhông sao đổi màu mau quá vậy?”


“Thôi em!” Tôi choàng tay qua vai Quỳnh.


“Thì anh cũng để em nói với ảnh một lần cho ảnh biết chớ!”


“Thôi em!” Tôi ôm chặt Quỳnh. Bàn tay tôi bóp bóp vai vợ. Tôi biết là mình không thể ngăn chặn được điều Quỳnh nói.

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • NHÀ ĐẤT

Lý do chính khiến việc sở hữu nhà ở Mỹ hiện nay đắt đỏ

Những người mong muốn sở hữu nhà ở Mỹ có thể không gặp may trong…

3 hours ago
  • Xe Hơi

Có nên sử dụng bộ lọc khí thải rẻ tiền?

Một số tiệm chuyên sửa xe Toyota có thể có biết về một số bộ…

3 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Làm nail

Song Thao/SGN Ông bạn tôi quả quyết: “Muốn hỏi thăm về người Việt tại một…

4 hours ago
  • Cộng Đồng

Nam sinh lớp 6 gốc Việt đoạt giải “Thi Sĩ Của Năm” ở Boston

Học sinh lớp 6 trường Patrick J. Kennedy School (PJK), Vincent Phan, nhận được “Giải…

5 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Chuyện chưa kể của thầy Quyên Di

Khiết Văn/SGN Năm 1979, thầy Quyên Di trở thành cư dân của California. Nơi đây…

6 hours ago
  • Hoa Kỳ

Đổ rác xuống biển, 2 thiếu niên Florida có thể ngồi tù 5 năm

Trong video được đăng lên YouTube, hai thiếu niên này mỗi người đổ một thùng…

7 hours ago

This website uses cookies.