Thursday, May 16, 2024

7 điều những người lái xe văn minh không nên làm

ORANGE COUNTY, California (NV) – Trên đường phố, chúng ta thường rất bực bội khi thấy một người lái xe khác làm những điều sai luật, kém ý thức. Ta còn lẩm bẩm: “Lái xe kiểu này nguy hiểm quá, sẽ gây tai nạn cho người khác!”

Người xưa dạy, “những gì mình không muốn người khác làm (cho mình) thì mình cũng đừng làm (cho người khác).” Tuy nhiên, vấn đề là có khi chúng ta khó chịu vì những hành vi lái xe thiếu ý thức của người khác, nhưng chính chúng ta cũng làm mà không hay.

Lái xe trong sương mù rất nguy hiểm, cần giảm tốc độ để quan sát tốt hơn. (Hình minh họa: Marwan Naamani/AFP via Getty Images)

Trang mạng Cartalk chỉ ra một số thói quen lái xe làm người khác bực mình, mà nhiều người trong chúng ta cũng đã từng làm!

Nói chuyện điện thoại khi lái xe

Thống kê cho thấy những người lái xe nói chuyện qua phone gây tai nạn không kém gì những người say xỉn! Ngay cả khi không gây tai nạn, những người này cũng thường xuyên gây cản trở lưu thông khi lái xe chậm, hay lái xe lạc tay lái, gây phiền hà cho những tài xế khác.

Lái xe nhanh trong điều kiện đường sá không bình thường

Khi bảng hiệu giao thông ghi 65 mph, điều đó không có nghĩa là ta có thể chạy với tốc độ này bất cứ lúc nào. Những lúc trời mưa, sương mù, trời đổ tuyết… mà giữ tốc độ này thì dễ gây tai nạn cho mình và cho người khác. Hãy tưởng tượng trời đang mưa lớn, một người phóng xe với tốc độ 40 mph trên đường phố, tạt một đống nước trên đường vào xe của ta, khiến ta không thể nhìn thấy đường, lạc tay lái. Bất lịch sự đến thế là cùng!

Tốc độ phù hợp nhất là khi người lái có thể làm chủ được tình huống trên đường, có thể phản ứng kịp lúc. Tốc độ phù hợp có khi là 30 mph, 20 mph, hay thậm chí là 0 mph (ngừng xe lại).

Không bật đèn “signal” (đèn báo quẹo) hay để quên

Bật “signal” là một thói quen giúp tránh tai nạn cho mình và cho người khác. Khi không biết xe đi trước muốn đổi lane, hay muốn quẹo, người lái xe sẽ không chuẩn bị để nhường đường, từ đó dễ gây ra tai nạn.

Ngoài ra, việc để quên không tắt “signal” cũng gây phiền hà. Tưởng tượng người lái xe phía trước để “signal” quẹo trái, mình đi đằng sau lịch sự giảm tốc độ để nhường đường cho họ qua. Thế nhưng cả phút sau rồi, chiếc xe này cứ đi thẳng dù vẫn cứ “signal.” Mất thời giờ “lịch sự” vô ích!

Để đèn pha (high beam) thường trực

Lái xe ban đêm nguy hiểm hơn ban ngày bởi vì tầm quan sát của người lái bị giới hạn, cho nên tai nạn dễ xảy ra hơn. Khi để đèn pha, ánh đèn chiếu thẳng vào mắt người lái xe theo chiều ngược lại, làm lóa mắt, không thể quan sát được đường sá nữa.

Những người lái xe để đèn pha gây nguy hiểm cho người khác, mà cũng có thể gây tai nạn cho chính bản thân, khi chiếc xe đi ngược hướng bị lóa mắt do đèn pha, lạc tay lái đâm vào xe mình!

Đậu xe chiếm hai chỗ trong bãi đậu xe

Nhiều người đậu xe không lọt vào giữa vạch phân cách trong bãi đậu xe, hay cố tình đậu chiếm hai chỗ! Đây không những là một hành động dễ gây khó chịu cho người khác, mà còn có thể gây ra cọ quẹt xe không cần thiết.

Hãy tưởng tượng trong một ngày bận rộn, ta tìm chỗ đậu trong bãi đậu xe trước chợ. Tìm mãi mới thấy một chỗ trống, nhưng chiếc xe đậu trước lấn sang phía vị trí còn trống. Vì không còn chỗ nào khác, ta ráng đậu xe chen lọt vào vị trí này. Khi đi từ trong chợ ra, mới thấy xe mình bị trầy do cọ quẹt, còn chiếc xe đậu trước đó đã đi mất rồi! Có thể chủ chiếc xe này khi lùi xe ra quẹt vào xe mình do bất cẩn.

Chạy ở lane ngoài cùng bên trái trên xa lộ với tốc độ chậm

Theo quy ước, lane ngoài cùng bên trái trên xa lộ dành cho những xe chạy với tốc độ nhanh. Trên nhiều xa lộ còn quy định rõ ràng chỉ dùng lane bên trái để vượt xe khác, sau đó phải trở lại vào lane bên trong. Lái xe với tốc độ chậm nhưng “cương quyết” giữ lane bên trái khiến cho những người lái xe nhanh hơn muốn vượt rất khó chịu. Thậm chí, thói quen này có thể gây ra tai nạn, khi người lái xe nhanh phía sau tìm cách vượt lên chiếc xe chậm, nhưng lạc tay lái do bực mình hay mất tập trung.

Chất đồ trên xe quá tải, không an toàn

Chúng ta thường cảm thấy bất an khi chiếc xe đi trước mình chở đồ trên mui hay phía sau xe, nhưng buộc một cách lỏng lẻo, kém an toàn. Chúng ta sợ rằng những thứ này có thể rơi và đập vào xe mình bất cứ lúc nào!

Cách tốt nhất khi muốn chở đồ đạc cồng kềnh nhưng không biết cách buộc cho an toàn là hãy nhờ một người khác rành hơn làm giúp. (HD) [kn]

MỚI CẬP NHẬT