Thursday, March 28, 2024

Thụy Điển chuẩn bị đóng tàu vận tải xe hơi chạy bằng gió

STOCKHOLM, Thụy Điển (NV) – Chiếc Oceanbird mang hình dáng một chiếc tàu của tương lai, trong chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng lại được hoạt động bằng nguồn năng lượng từ thời cổ đại: Gió!

Chiếc tàu vận tải chở xe hơi Oceanbird đang được hãng Wallenius Marine, Thụy Điển, lên kế hoạch đóng tàu với tài trợ của chính phủ và một vài viện nghiên cứu, theo đài CNN.

Hình đồ họa chiếc tàu vận tải Oceanbird, chạy bằng gió, của hãng Wallenius Marine, Thụy Điển. (Hình chụp trang mạng Wallenius Marine)

Với chiều dài 650 foot, khoảng gần 200 mét, chiếc Oceanbird có thể chở được 7,000 chiếc xe, trọng tải giống như các loại tàu vận tải thông thường, tuy nhiên hình dáng và nguồn năng lượng để hoạt động hoàn toàn khác.

Theo bản vẽ, trên boong chiếc tàu vận tải chạy bằng gió nay là năm “cánh buồm,” thoạt nhìn giống như năm ống khói hay tòa nhà chọc trời, có chiều cao là 260 foot, khoảng 80 mét.

Các “cánh buồm” này có thể quay 360 độ và rút ngắn lại còn 195 foot, 60 mét, mỗi khi đi qua gầm cầu hoặc khi trời gió lớn.

Các “cánh buồm” được làm bằng thép và vật liệu composite, nhựa hỗn hợp, với chiều cao như mô tả, mới đủ sức “gom gió” đẩy con tàu nặng 35,000 tấn vượt đại dương.

Tính từ mặt nước lên đến đỉnh cánh buồm, chiều cao của con tàu khi “giương buồm” ra khơi là khoảng 328 foot, 100 mét.

“Với chiều cao này, sức và hướng gió thay đổi rất nhiều,” lời ông Mikael Razola, người lãnh đạo toàn bộ kế hoạch chế tạo Oceanbird cho biết. “Từ dưới lên đỉnh ‘cánh buồm’ các bộ phận cảm biết sẽ thu thập những dữ liệu về sức mạnh và hướng gió thổi để điều chỉnh các ‘cánh buồm’ nhằm tạo ra công suất tối đa nhất.”

Chế tạo một chiếc tàu vận tải dùng sức gió là nỗ lực làm sách bầu khí quyền nhờ giảm bớt khí thải CO2.

Ngành vận tải hàng hải là một trong những kỹ nghệ thải thán khí CO2 nhiều nhất.

Một chiếc tàu vận tải chở xe, loại RoRo, trung bình tiêu thụ 40 tấn dầu/ngày, thải 120 tấn CO2 vào khí quyển.

Cơ quan Internaltional Maritime Organization (IMO), thuộc Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ theo dõi vận tải toàn cầu, đưa ra yêu cầu kỹ nghệ vận tải giảm 50% lượng CO2 vào năm 2050.

Hãng đóng tàu Wallenius tiên phong chế tạo chiếc Oceanbird với mục đích giảm tới hơn 90% lượng thán khí trên các loại tàu hàng vận chuyển.

Dù chạy bằng sức gió là chủ yếu, nhưng chiếc Oceanbird vẫn còn cần những động cơ để bẻ lái, hay cần động cơ khi cập cảng hay ra khơi.

Tất nhiên, không thể có mọi thứ hoàn hảo, khi một phương tiện giảm tối đa việc gây ô nhiễm bằng cách dùng sức gió, vì thế, Oceanbird không có được vận tốc như các tàu chạy bằng động cơ nhiên liệu hóa thạch.

Hình đồ họa tàu vận tải chở xe hơi Oceanbird. (Hình chụp trang mạng Wallenius Marine)

Một loại tàu vận tải chạy máy dầu diesel hiện nay có tốc độ 17 knots/giờ và băng qua Đại Tây Dương mất bảy ngày.

Tàu “cánh buồm” Oceanbird chỉ đạt được tốc độ 10 knots/giờ và cần 12 ngày để đến bờ bên kia.

“Với khuynh hướng bảo vệ môi trường càng lúc càng mạnh, người ta sử dụng xe điện nhiều hơn, nên các khách hàng mua xe sẽ cảm thấy phi lý trong khi họ chạy xe điện và chấp nhận tàu vận tải gây hại môi trường,” Giáo Sư Jakob Kuttenkeuler, Viện Kỹ Thuật Hoàng Gia Stockholm, phân tích.

“Khách hàng bảo vệ môi trường sẵn sàng đợi thêm vài ngày để nhận chiếc xe điện của họ,” ông Kuttenkeuler khẳng định.

Ông Razola, trưởng nhóm thiết kế, cho biết: “Chúng tôi đặt tham vọng chỉ trong vòng bốn năm, 2024, Oceanbird sẽ ra khơi.” (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT