Saturday, May 18, 2024

Traction Control kiểm soát độ bám đường, ngăn xe bị trượt bánh

LOS ANGELES, California (NV) – Việc lái xe khi trời mưa hoặc bão tuyết vào ban đêm có thể là một trải nghiệm đáng sợ, đặc biệt là khi xe có khả năng bị mất độ bám đường, trượt nước hoặc tệ hơn là gặp tai nạn.

Độ bám đường cũng phát huy tác dụng nếu xe quẹo ở một khúc cua dốc hoặc trên những con đường bị đóng băng. Những điều kiện lái xe này có thể ảnh hưởng đáng kể đến độ bám đường của bánh. Mặc dù hầu hết mọi chiếc xe đều có đèn hệ thống chống bó cứng thắng (ABS) sẽ bật sáng để thông báo rằng xe đang mất độ bám đường, các kỹ sư xe hơi đã phát triển hệ thống Traction Control để kiểm soát độ bám đường để giúp ngăn chặn tình trạng xe bị trượt, theo Kelley Blue Book.

Lái xe trong mưa rất nguy hiểm vì rủi ro trơn trượt. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Kiểm soát độ bám đường là gì?

Kiểm soát độ bám đường, còn được gọi là “TC,” là một tính năng an toàn chủ động giúp giữ độ bám giữa bánh và đường trong điều kiện trơn trượt hoặc nguy hiểm. Tính năng an toàn này duy trì độ bám đường bằng cách giới hạn số lượng bánh xe có thể quay, giúp xe duy trì ma sát với bề mặt đường đang tiếp xúc.

Kể từ năm 2012, kiểm soát độ bám đường là một tính năng an toàn bắt buộc trên xe hơi tại Mỹ. Tuy có thể bật tắt tùy ý muốn, có một số trường hợp người lái cần phải tắt hệ thống này. Khi có thể, việc bật hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ an toàn hơn nhiều.

Hệ thống kiểm soát độ bám đường hoạt động ra sao?

Kiểm soát độ bám đường có cơ chế khá đơn giản nhưng rất hiệu quả. Đây là một hệ thống có các cảm biến hoạt động trong tất cả bánh xe, được gọi là cảm biến yaw. Các cảm biến có nhiệm vụ giám sát theo dõi cẩn thận cả tốc độ và cách bánh xe vận hành.

Nếu bất kỳ bánh nào quay nhanh hơn tốc độ xe đang chạy, bánh đó sẽ bắt đầu mất độ bám đường dẫn đến tình trạng trượt bánh hoặc trượt nước. 

Hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ kích hoạt nếu phát hiện bánh quay quá nhanh và sẽ tự động giảm tốc độ, giúp xe lấy lại độ bám đường. Khi kích hoạt, người lái có thể cảm thấy xe hơi giật, điều đó chỉ có nghĩa là hệ thống đang làm nhiệm vụ bảo vệ chiếc xe.

Tuy nhiên, kiểm soát độ bám đường không hoạt động riêng lẻ. Chủ xe cũng có thể nhận thấy đèn ABS bật sáng giúp xe không bị trượt bánh, nhưng theo một cách khác. Hệ thống bảo đảm rằng bánh xe tiếp tục quay khi thắng và chúng không bó cứng vào xe. Nếu bánh xe bị khóa, xe có thể sẽ bị mất kiểm soát.

Khi nào người lái cần sử dụng hệ thống kiểm soát độ bám đường

Kiểm soát độ bám đường là một tính năng có thể hoạt động mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong điều kiện thời tiết bình thường. Hệ thống được bật theo mặc định mỗi khi xe khởi động. Chủ xe có thể tắt tính năng an toàn này, nhưng chỉ vì một số lý do nhất định. Trên thực tế, có một số điều kiện lái xe vẫn yêu cầu chủ xe bật hệ thống kiểm soát độ bám đường. Khi lái xe dưới trời mưa lớn, tuyết hoặc băng giá, hoặc thậm chí trên bề mặt đất có thể lỏng lẻo, hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong việc bảo đảm sự an toàn cho chủ xe.

Hệ thống này cũng hoạt động hiệu quả khi xe chạy quanh các khúc cua trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Việc quẹo gấp trên bề mặt đường bình thường, không nguy hiểm cũng có thể khiến xe mất độ bám đường. 

Vì vậy, tốt nhất chủ xe nên bật tính năng kiểm soát độ bám đường bất cứ khi nào lái xe trong điều kiện thời tiết xấu. 

Nút bật tắt hệ thống kiểm soát độ bám đường nằm ở đâu?

Nhiều người có thể gặp khó khăn trong việc tìm nút bật tắt hệ thống kiểm soát độ bám đường nếu không biết nó trông như thế nào. Nút kiểm soát độ bám đường chỉ hiển thị ký hiệu một chiếc xe với những đường nét nguệch ngoạc phía sau vỏ xe.

Ở nhiều loại xe, nếu nhìn về phía dưới bên trái hoặc bên phải của vô lăng, chủ xe sẽ thấy nút điều chỉnh độ bám đường. Đôi khi đèn sẽ có chữ “tắt” dưới ký hiệu và trên những chiếc xe khác, nút này sẽ có đèn cho biết hệ thống kiểm soát độ bám đường đang bật hay tắt.

Khi nào cần tắt hệ thống kiểm soát độ bám đường

Điều quan trọng là luôn kiểm soát độ bám đường trong 99% thời gian lái xe. Tuy nhiên, có một số trường hợp hệ thống này có thể gây hại. Ví dụ, hãy tắt hệ thống kiểm soát độ bám đường nếu xe bị kẹt trong bùn, cát hoặc thậm chí là tuyết. Nếu xe đang bị trượt bánh, việc bật hệ thống kiểm soát độ bám đường cũng có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Khi bật, hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ làm chậm tốc độ quay của bánh xe. Hãy nhớ rằng hệ thống trợ lực lái không tạo ra độ bám đường, nhưng sẽ giúp xe ổn định. Nếu bị kẹt, xe cần các bánh xe quay nhanh để có thể vượt qua lớp bùn, tuyết, băng hoặc cát để tìm nền đất vững chắc. Khi chạm đến đáy của bề mặt đường, xe có thể lấy lại độ bám đường và tiến về phía trước

Để tránh bị dính tuyết hoặc băng, hãy cân nhắc sử dụng xích bánh hoặc bánh xe dùng tuyết thay vì dựa vào hệ thống kiểm soát độ bám đường. Xích có thể xuyên qua lớp tuyết hoặc băng dày và cung cấp độ bám tối đa để lái xe trong những điều kiện thời tiết này. Trong khi đó, bánh xe tuyết có những đường rãnh đặc biệt tạo độ bám mà bánh xe thông thường không làm được. 

Sự khác biệt giữa hai hệ thống kiểm soát độ bám đường và kiểm soát độ ổn định là gì?

Kiểm soát độ ổn định là một tính năng an toàn ít được biết đến, nhưng vẫn được trang bị và giúp tăng cường độ an toàn khi lái xe.

Vì vậy, tuy không giống nhau, nhưng hệ thống kiểm soát độ bám đường và độ ổn định luôn song hành với nhau để bảo đảm một trải nghiệm lái xe an toàn. Cả hai hệ thống đều sử dụng cùng một cảm biến ở cả bốn bánh, cùng với hệ thống thắng ABS có trong xe. Nhưng chúng khác nhau như thế nào?

Hệ thống kiểm soát độ ổn định giúp xe ổn định và có thể điều khiển theo hướng mong muốn. Tuy có vẻ đơn giản, nhưng đây thực sự là một hệ thống khá phức tạp. Sử dụng nhiều cảm biến trên bánh xe, hệ thống kiểm soát độ ổn định cũng được trang bị thêm một vài cảm biến và sử dụng hệ thống máy tính trong xe. Cảm biến và máy tính làm việc cùng nhau để tìm ra hướng chuyển động của xe so với chuyển động thực tế. Nếu hai chuyển động này không khớp, hệ thống sẽ giúp xe chuyển động ổn định và chạy theo hướng mong muốn của người lái xe.

Tương tự như cách hệ thống kiểm soát độ bám đường, hệ thống kiểm soát độ ổn định cũng sẽ sử dụng thắng cho một bánh xe không chuyển động theo ý muốn.

Hệ thống kiểm soát độ ổn định cũng trở thành tính năng bắt buộc đối với tất cả các xe hơi từ năm 2012.

Các ký hiệu của đèn cảnh báo kiểm soát độ bám đường?

Đèn kiểm soát độ bám đường có nhiều nghĩa tùy thuộc vào ký hiệu hiển thị. Nếu đèn hiện một chiếc xe có vết trượt phía sau, điều đó có nghĩa là tính năng này đang được kích hoạt để giữ an toàn cho xe. Mặt khác, nếu thấy một ký hiệu tam giác có một đường thẳng đi ngang qua, điều này cho thấy hệ thống đang có vấn đề. Cả hai ký hiệu này sẽ xuất hiện trên bảng điều khiển.

Hãy lái xe cẩn thận hơn khi đèn kiểm soát độ bám đường bật sáng trong lúc xe chạy. Điều này thường có nghĩa là hệ thống kiểm soát độ bám đường đang được sử dụng, cho biết rằng xe đang bị mất độ bám đường khi đi quanh khúc cua gấp, lái xe trên mặt đường ướt hoặc các điều kiện tương tự. Tuy nhiên, đèn cũng có thể bật sáng vì nhiều lý do khác.

Ví dụ, người lái xe có thể đã vô tình tắt hệ thống. Hãy nhớ rằng, hệ thống kiểm soát độ bám đường luôn được bật trừ khi được người lái xe tự tắt. Khi hệ thống không hoạt động, đèn có thể bật sáng, nhưng tùy thuộc vào từng mẫu xe.

Nếu xe không bị mất độ bám đường khi chạy, rất có thể đó chỉ là do cảm biến nằm sai vị trí. Việc chạy qua lề đường, va vào ổ gà hoặc bất kỳ loại tác động nào khác có thể khiến các cảm biến bị lệch, làm đèn hệ thống bật sáng.

Mỗi mẫu xe sẽ được thiết kế khác nhau và chủ xe nên đọc hướng dẫn sử dụng để nắm bắt đầy đủ về đèn kiểm soát độ bám đường. Nếu đèn bật không có lý do, hãy sử dụng các cách dưới đây và kiểm tra bảo hành xe. Một số hãng xe có cung cấp sửa chữa miễn phí nếu xe chưa hết hạn bảo hành.

Cách khắc phục

Giống như việc khởi động lại điện thoại, hãy thử khởi động lại xe nếu đèn vẫn sáng. Hãy tắt xe khi đến nơi an toàn, để yên trong 1 phút, sau đó bật lại.

Nếu đèn vẫn sáng sau khi khởi động lại, hãy mang xe đến đại lý hoặc cửa hàng sửa xe để kiểm tra và sửa chữa.

Việc lái xe khi đèn kiểm soát độ bám đường bật sáng vẫn an toàn, trừ một số điều kiện nhất định. Nếu đèn kiểm soát độ bám đường, đèn hệ thống chống bó cứng thắng và đèn cảnh báo thắng màu đỏ bật sáng, toàn bộ hệ thống thắng có thể bị ảnh hưởng. Nếu điều này xảy ra, hãy gọi xe kéo đến đại lý hoặc cửa hàng sửa xe gần nhất để bảo đảm an toàn. (AXT) [qd]

Video: Hệ thống lọc khói thải bảo vệ sức khoẻ tài xế và hành khách trên xe/AutoNetTV

MỚI CẬP NHẬT