Saturday, May 18, 2024

Xe ‘rebuilt title’ và ‘salvage title’ là gì?

LOS ANGELES, California (NV) – Chắc hẳn đối với những người có hiểu biết về xe hơi thì giấy chủ quyền “rebuilt” và “salvage” không còn quá lạ lẫm.

Những xe này có giá rẻ hơn khá nhiều so với xe “clean title,” vậy chúng khác nhau như thế nào? 

Cẩn trọng nếu chọn mua xe “rebuilt title” hoặc “salvage title.” (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Khái niệm “rebuilt title” và “salvage title” 

Theo AutoZone, khi một chiếc xe bị “hư hại toàn bộ” (“total loss”) – tức chi phí sửa chữa không đáng với giá trị xe, do tai nạn hoặc thiên tai, thì xe này sẽ được công ty bảo hiểm bán đấu giá cho các bãi phế liệu. 

Trong quá trình này, một số xe chưa đến mức “hư hại toàn bộ” sẽ được bán lại cho các bên muốn mua hoặc các cơ sở sửa chữa xe để họ có thể phục hồi và bán chúng trên thị trường. 

Các xe này không được nhận giấy chủ quyền bình thường (“clean title”) mà chỉ được cấp giấy chủ quyền “rebuilt” hoặc “salvage.” 

Do quy trình sửa chữa có rất nhiều biến số không thể lường được, một khi xe bị phân loại “rebuilt” hoặc “salvage,” chúng sẽ không bao giờ được công nhận là xe bình thường. 

Ở hầu hết các tiểu bang, giấy chủ quyền “rebuilt” và “salvage” hoàn toàn giống nhau.  

Một số tiểu bang khác sẽ thực hiện kiểm định các xe này, và nếu đạt chuẩn, chúng được cấp giấy chủ quyền “rebuilt,” còn lại sẽ được công nhận là xe “salvage.” 

Đa số mọi người sẽ né những chiếc xe này do lịch sử của chúng.

Vậy có nên mua những chiếc xe này không?

Thật sự không thể khẳng định có hoặc không, câu trả lời có lẽ là “cẩn trọng nếu chọn mua.”

Có một điều cần lưu ý, đó là các giấy chứng nhận này chỉ có nghĩa rằng trước đó xe từng bị xem là hư hại toàn bộ, chứ không phản ánh tình trạng hiện tại của xe.

Nếu chọn mua xe “rebuilt title” hoặc “salvage title,” hãy thu thập càng nhiều thông tin càng tốt.

Kiểm tra lịch sử xe: Tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân gây ra thiệt hại và quá trình phục hồi xe. Thông tin này được ghi nhận trên nhiều trang mạng về lịch sử xe hơi.

Kiểm tra quá trình phục hồi xe: Xác định xem xe được ai phục hồi, những thiệt hại nào được sửa chữa và quy trình sửa ra sao.

Nếu xe bị hư do ngập nước, hãy kiểm tra xem xe được vệ sinh đúng cách chưa và liệu có bất kỳ dấu hiệu nấm mốc nào không. Ngoài ra, hãy thử dùng các thiết bị điện tử của xe để bảo đảm chúng hoạt động bình thường. 

Nếu xe bị cháy nổ, tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn và xe được phục hồi như thế nào.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng các xe đã sử dụng lâu năm rất dễ bị xem là xe hư hại toàn bộ dù không có nhiều thiệt hại, do khái niệm “hư hại toàn bộ” chỉ có nghĩa là chi phí sửa chữa đắt hơn tổng giá trị của xe. 

Vì vậy có nhiều xe “salvage title” cũ vẫn có thể chạy rất tốt. (AXT) [qd]

MỚI CẬP NHẬT