BẠN ĐỌC VIẾT

Trái tim người mẹ

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: docgiaviet@nguoi-viet.com.

Nguyễn Thị Liên Tâm

Cuối cùng, một quả thận đã được cắt rời khỏi cơ thể của em gái để ghép vào cơ thể của anh trai. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/GettyImages)

1.
Người mẹ Chăm già nua đang oằn cong người, chắt ra hai giọt nước mắt đặc quánh. Hai sợi gân to nằm hai bên thái dương cứ giật giật liên hồi, trông thật khổ ải. Tuổi mụ chưa tới 50, nhưng sao héo úa, cằn khô, đen xạm như bà lão 60, 70 tuổi.

Người đàn bà ấy không khóc nổi, không còn nước mắt. Vì đã khóc nhiều rồi!

Một lần héo hắt vì đứa con trai út bị viêm thận tưởng chết. May mà thần linh thương tình để nó ở lại trên đời với bà, sau mấy tháng đối mặt với nỗi đau và sự túng quẫn.

Một lần chết cả trái tim, khi thằng con trai đầu lại mắc y hệt chứng bệnh như em của nó. Nhưng quá nặng. Sống hay chết đều tùy thuộc vào một quả thận bé bỏng.

2.
Hai mươi năm trước, HaNi mảnh dẻ, xinh xắn biết bao nhiêu. Đôi mắt như muốn cười. Trái tim như muốn hát. Bao chàng trai thương thầm nhớ trộm. Nhưng HaNi chỉ thích chàng trai tốt bụng, hiền lành ấy mà thôi.

HaNi cưới ba của Đường vào một ngày mùa Hạ. Nắng chói chang. Hoa phượng nở đỏ rực. Bụi đỏ thốc lên mù mịt theo bước chân của đoàn người tham gia lễ cưới trên con đường đất trong làng.

Ngôi nhà nhỏ ông bà ngoại cất trên đồi cát đỏ như của hồi môn cho HaNi, ngày một rộn thêm tiếng cười con trẻ. Hai trai, ba gái lần lượt đua nhau chào đời. Mặc cho nắng cháy sém da, mặc cho mồ hôi đổ giọt trên mặt ruộng. Ngày ngày, gia đình bé nhỏ ấy vẫn ngập tràn hạnh phúc và tình yêu thương. Không dư dật, nhưng no ấm theo cách nghĩ đơn sơ của họ. Đường là đứa con thứ hai trong năm anh chị em.

3.
Lớp tôi chủ nhiệm có 18 sinh viên. Tất cả đều ngoan, học tập chăm chỉ, phong trào văn nghệ và hoạt động ngoài giờ bao giờ cũng nổi bật. Thầy cô trong trường ai cũng yêu quý.

Tôi thật sự khó khăn khi xếp loại rèn luyện cuối kỳ cho sinh viên, bởi lớp tôi nhất toàn trường nhưng theo quy định chung, vẫn phải có sinh viên trung bình-đồng nghĩa với việc sinh viên đó sẽ không có học bổng.

Vậy mà Đường cười toe, giơ tay xin nhận mình loại trung bình. Đường lý giải: “Em có tham gia văn nghệ văn gừng gì đâu, trung bình được rồi, cô và các bạn đừng ái ngại.”

Đơn giản như vậy. Không so đo, tính toán và giàu lòng yêu thương bè bạn.

Mùa Hè năm ấy, Đường xung phong tham gia chiến dịch “Mùa Hè Xanh” ở một xã miền núi. Tưng bừng những ngày chặt tre, đánh rạ làm nhà, những ngày đắp đập đào mương, những ngày dạy bổ túc văn hoá, những đêm tổ chức văn nghệ cho dân.

Sức trai trẻ tưởng không có gì quật ngã. Thế mà, đột ngột, Đường không dậy nổi. Giống hệt bệnh của thằng em. Máu lẫn trong nước tiểu… Người mệt rã rời, ngộp thở, đau xót…

Người mẹ Chăm quay cuồng đau đớn vì thương con. Sợ nó sẽ chết. Chuyển viện từ huyện lên tỉnh. Không thuyên giảm. Chuyển từ tỉnh vào Sài Gòn, cũng không giảm. Phải chạy thận nhân tạo một tuần ba lần, mỗi lần gần hai triệu đồng. Hai vợ chồng mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 50,000 đồng để lo cho bốn người ở nhà. Hai đứa học ở thành phố đã cố tự lập, ít xin tiền nhà vì biết nhà khó khăn. Một đứa nữa là Đường. Như vậy tính ra một tuần, vợ chồng HaNi chỉ kiếm được 350,000 đồng lo gạo, cá cho cả nhà, nhưng tiền thuốc của Đường thì phải cần đến năm, sáu triệu bạc. Lại còn tiền ăn, tiền uống cho người bệnh và cả người nuôi bệnh.

Không có tiền thì bán ruộng. Không còn tiền, đi vay nóng. Không có ruộng thì đi nhặt phân bò để bán.

Đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy.

4.
Mùa mưa đến sớm. Ngập lụt.

Tôi với một đồng nghiệp vào thăm Đường vào một buổi chiều u ám.

Khi đi từ cư xá Thanh Đa lên bệnh viện Chợ Rẫy, trời mưa như cầm chỉnh đổ. Nhìn thấy Đường xanh xao trên giường bệnh, tôi ứa nước mắt và nghe trái tim đau.

Đường vừa mới chạy thận sáng nay nên người vô cùng mệt mỏi. Cổ tay bầm tím. Nhưng miệng vẫn mở nụ cười rạng rỡ với thầy cô.

Trên đường về, mưa càng lớn hơn. Lòng vòng trên xe bus qua các trạm, nghe cái lạnh thấm vào người, có cả nỗi yêu thương, đắng đót dành cho Đường.

Lội vào một con đường nước ngập tời thắt lưng. Nhầy nhụa. Rồi mì gói cho qua buổi vì đã hơn 8 giờ tối.

Không có một quả thận thay vào thì nó sẽ chết. Chạy thận nhân tạo vừa tốn rất nhiều tiền, vừa mệt sức, không bảo đảm sức khoẻ lâu dài. Nhưng ai cho thận mà ghép. Biết có đáp ứng hoàn hảo về điều kiện cấy ghép không? Chi phí cho ca mổ lên đến trên hàng trăm triệu.

Những đợt vận động quyên góp của chúng tôi như muối bỏ bể. Đỡ ngặt chứ không đỡ nghèo. Đường phải tranh thủ lúc khỏe để về nhờ Ban Dân Tộc Tỉnh giúp. Sống trong lo sợ, nghèo túng, nợ nần suốt gần một năm trời.

Biết bao sự lo toan, giúp đỡ của những tấm lòng nhân hậu. Cuối cùng, chi phí cho ca mổ cũng đã cấp.

Nhưng nan giải bây giờ lại là quả thận.

Ai cho? Ai hy sinh?

Người ngoài, không có ai.

Trong nhà, hai người khả dĩ cho được là ba và em gái lớn.

Nhưng ba thì… Không được vì ba là lao động chính trong nhà, thân hình lại xương nhiều hơn thịt.

Em gái? May mắn, em gái chấp nhận hy sinh cho anh một quả thận dù rằng em phải nghỉ năm cuối chương trình đại học.

Bởi, lý lẽ của em rất đơn giản: “Không thể để anh Đường chết. Một quả thận thì em vẫn sống. Có hai quả mà anh Đường không sống thì có đủ để làm gì?

Vậy là hai anh em phải trải qua rất nhiều đợt xét nghiệm, để tìm khả năng thích ứng tốt nhất cho điều kiện cấy ghép tạng

5.
Rồi cái ngày mong đợi và lo sợ cũng đến. Cuối cùng, một quả thận đã được cắt rời khỏi cơ thể của em gái để ghép vào cơ thể của anh trai.

Tôi lo phát lạnh người. Ba mẹ Đường điếng lòng điếng dạ lo cho cả hai đứa con một lúc. Và khi nhận được tin ca mổ thành công, thầy trò chúng tôi mừng vô hạn. Đường sống rồi, em gái đã tái sinh cho Đường. Đường đã gọi em gái mình là Phật sống.

Nhưng tất cả không phải là chấm dứt.

Mội tháng, Đường cần phải uống thuốc chống ghép thải khoảng 4, 5 triệu đồng.

Cơ cực. Lợi mọc dài như muốn phủ hết cả chiếc răng. Lông mày, lông mi, tóc tai mọc rậm ri nom như người Ấn Độ. Do tác dụng phụ của thuốc.

Lại phải ăn ở tuyệt đối vô trùng. Lại phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Lại rất cần sự giúp đỡ của mọi người.

6.
Một năm dài khốn khó rồi cũng trôi qua.

Vào một buổi chiều mưa lạnh, Đường nhận được giấy mời trở lại bệnh viện để có mặt trong hội thảo đánh giá chất lượng việc ghép tạng, thì cũng là lúc Đường nhận hung tin ba vừa mới trút hơi thở cuối cùng do bị ung thư phổi.

Phút vĩnh biệt, Đường không được nhìn mặt ba lần cuối vì phải có mặt trong hội thảo. Cũng trong ngày ấy, ba Đường đã được đem thiêu theo nghi lễ của người Chăm. Khi Đường quày quã trở về, thì chỉ còn nhìn thấy hủ tro tàn.

Xót xa. Hết nước mắt.

HaNi thổn thức: “Sao ông bỏ tui mà đi? Hai anh em nó, mỗi đứa có một quả thận vẫn sống kia mà. Nhà cũng đỡ khổ rồi mà.”

Và HaNi chắt ra hai giọt nước mắt là vậy. Vón cục. Khô queo. Cái đau đã lặn vào trong.

Gói chặt. Chôn chặt.

Quả tim nhỏ bé nhưng bao la tình vợ, tình mẹ.

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Sài Gòn Nhỏ

Về sự ra đi tức tưởi của nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng

Thường Dân/SGN Có lẽ không cần chần chừ gì mà khẳng định ngay, kẻ phải…

1 hour ago
  • Little Saigon

Nghi can cướp ngân hàng, bắt cóc nhân viên ở Anaheim bị bắt

Khoảng 4 giờ 40 chiều Thứ Tư, cảnh sát tới ngân hàng BMO Bank trên…

1 hour ago
  • Việt Nam

Măng cụt Việt giá cao gấp đôi hàng Thái, thua ngay trên sân nhà

Nhập cảng ồ ạt, mỗi ký măng cụt Thái Lan lại có giá bán chỉ…

2 hours ago
  • Hoa Kỳ

Xin huy động $1 tỷ tranh cử, hứa Biden làm gì cho môi trường, Trump làm ngược lại hết

Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa, tuyên bố sẽ đi ngược…

2 hours ago
  • Hoa Kỳ

Hàng chục xe RV cháy trong đại lý Nam California

Mười bốn chiếc RV, mỗi chiếc trị giá ít nhất $150,000, kể như tiêu tùng…

3 hours ago
  • Xe Hơi

Chiếc sedan rẻ nhất ở Mỹ có ‘đáng đồng tiền bát gạo?’

Khi những mẫu xe như Nissan Versa vẫn còn tồn tại ở mức giá rẻ,…

3 hours ago

This website uses cookies.