Phụ Nữ

Tiếng chuông chùa

 

 

Bích Ngọc

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: Ngoclan@nguoi-viet.com.

“Cho tôi lại ngày nào

Trăng lên bằng ngọn cau

Me tôi ngồi khâu áo

Bên cây đèn dầu hao

Cha tôi ngồi xem báo

Phố xá vắng hiu hiu

Trong đêm mùa khô ráo

Tôi nghe tiếng còi tàu”

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, không hiểu sao tôi lại yêu thích bài hát này và thường hát cho bạn bè nghe hoặc những khi một mình, mà lần nào cũng vậy, khi hát đến câu “Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao…” là tôi chực khóc. Thương cha thương mẹ. Còn cha mẹ, cho dù mình bao nhiêu tuổi hay tóc phai màu, vẫn thấy mình nhỏ bé bên cạnh đấng sinh thành.

Tôi vẫn cần lắm lời hỏi han yêu thương, vỗ về của ba mẹ. Vẫn thấy lòng thật nhẹ nhàng, bình yên khi được vỗ về, “Ừ thôi ráng đi con nhé, mọi việc sẽ ổn thôi con ạ.”

Ba mẹ theo năm tháng tóc bạc phau, chuyện lúc nhớ lúc quên lẫn lộn. Ấy vậy mà có một chuyện ông luôn nhắc con cháu nghe “con Ngọc hồi nhỏ sợ tắm biển lắm. Ba bế ra biển là khóc…”

Ba tôi giờ 85 tuổi rồi, nhưng tôi còn diễm phúc được dìu ba dạo phố một chiều sau 14 năm tôi về lại quê hương, dù ông nói, “Không sao, ba đi được mà con.”

Nhìn dáng ba lụm khụm bước lên vỉa hè, tôi nhớ ngày xưa ấy, những ngày được ba chở đến trường, vòng tay ôm bụng ba, trí óc non nớt chỉ nghĩ một điều “ngồi sau xe gắn máy của ba, được ba chở đi chơi khắp phố phường sao tuyệt quá!”

Cả cuộc đời của tôi chắc sẽ không khi nào cảm giác hân hoan như những lần Tết ngày xưa ấy được mẹ may cho áo mới hay chiếc áo dài trắng đầu tiên ngày vào lớp Đệ Thất, nghe mẹ reo vui, “ôi áo mẹ may vừa vặn con quá.”

Đến khi khôn lớn tôi có thể tự mua cho mình vài cái áo dài. Lúc ướm thử vào người tôi luôn thèm nghe giọng nửa Bắc, nửa Nam của mẹ. Chắc có lẽ vì vậy mà tôi xúc động nhiều mỗi khi hát bài “Kỷ Niệm” của Phạm Duy.

***

Sài Gòn sau 14 năm trở về, cảm giác khó tả, thật bồi hồi. Lạ kỳ người ta đi Đông, đi Tây trầm trồ trước vẻ đẹp thành phố này, cảnh thiên nhiên lộng lẫy của xứ khác, ấy vậy mà khi trở về quê hương thấy xao xuyến, thấy thương chi lạ!

Sài Gòn mùa Hè vài cơn mưa đến bất chợt, dòng người lúp xúp chạy trốn mưa dưới mái hiên hai bên đường. Vẫn còn hình ảnh quen thuộc của gánh hàng rong căng vải bạt ni lông che hai đầu gánh. Chiếc nón lá che kín nửa khuôn mặt, một ánh mắt ngước nhìn trời mong tạnh cơn mưa và một tiếng thở dài nhè nhẹ khi gánh hàng vẫn còn đầy. Vậy mà tôi sững người dõi mắt nhìn theo cho đến khi gánh hàng rẽ vào cuối phố. Cái dáng dấp đong đưa nhịp nhàng theo từng gánh nặng đôi đòn gánh trên vai, mang cả vẻ chịu đựng chất chứa nỗi niềm, không than van.

Những em bé áo rách hở vai cầm xấp vé số chào mời, miệng luôn nở nụ cười vậy mà lòng tôi như xát muối.

Nhớ hôm nào ba mẹ con dắt nhau đến thăm các em không có cha mẹ nương náu cửa chùa, nhìn các em tay nắm chặt những viên kẹo ngọt, ngồi chia nhau trên chiếc giường gỗ ọp ẹp. Nhìn hai con gái của mình đang vui đùa với các em. Bất chợt tiếng gõ mõ tụng kinh từ chánh điện vang lên “Nam mô bổn sư thích ca mâu ni Phật” nghe sao buồn chi lạ!

Nếu có Thuyết Luân hồi như trong đạo Phật và nếu có diễm phúc đầu thai làm người tôi vẫn xin làm người Việt Nam, không phải do những mơ ước viển vông, xa xôi. Bởi những rung động tình cảm rất thật thà, chia sẻ tình gia đình mà tôi nhận được từ cha mẹ, chị em.

Sau 14 năm về quê hương xúc động gặp lại gia đình chị Nguyễn Thị Sơn, Hồng Vân, Hồng Trang, Hồng Hạnh, chị Thúy. Gặp bạn bè trung học Nhung, Trang, Lan v.v…

Mỗi sáng được đánh thức bằng tiếng chim hót đầu cành xen lẫn tiếng rao hàng từ xa vọng vào “Bánh mì nóng giòn đây,” tôi như đang trở về tuổi thơ của mình.

Hơn 30 năm sau, ôm nhau thật chặt cười khóc như con nít nghe Thúy Lan thổn thức “Cuối cùng gặp được nhau rồi.” Hội ngộ Xuân Hiền, Phương Đằng, Tuấn…

Người Việt như thế đấy cách xa nhau vạn dặm, không nhìn thấy nhau hằng chục năm trời vậy mà tình cảm dành cho nhau luôn nguyên vẹn, luôn đong đầy, thương nhau, chia sẻ mọi thứ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ tôi ao ước được là người Việt.

Người Việt sống rất tình cảm, duy chỉ có một điều tôi không hiểu nổi và cũng không có câu giải đáp, “Sao các bà mẹ trẻ có thể vứt bỏ con mình ở cổng Chùa? Người Việt sống thiên về tình cảm hơn bất cứ dân tộc nào mà? Hay xã hội đang phát triển, quy hoạch đô thị bất ổn kia đã làm xói mòn đạo lý làm người, trách nhiệm với bản thân mình, với hình hài mà mình cưu mang?” Tôi không hiểu được! Chính vì vậy khi nghe tiếng chuông chùa vang lên “Nam mô A di đà Phật ” tôi đã bật khóc như đúa trẻ.

Dẫu sao tôi vẫn yêu quê hương, yêu dân tộc của mình – một tình yêu vô tận không bờ bến!

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Dân Mỹ tin tưởng Trump hơn là Biden về kinh tế, lạm phát

Nhiều người Mỹ bày tỏ lòng tin tưởng ở cựu Tổng Thống Donald Trump về…

22 mins ago
  • Việt Nam

Chủ nhà hàng ở Sài Gòn làm nhục và trấn lột khách $370

Năm bị can là chủ, quản lý và nhân viên nhà hàng Nari ở quận…

27 mins ago
  • Việt Nam

Việt Nam ‘xuống nước’ trước Cambodia vụ kênh đào Funan Techo

Bộ Ngoại Giao Việt Nam mong muốn Cambodia "phối hợp chặt chẽ để chia sẻ…

34 mins ago
  • Hoa Kỳ

Du lịch đem về $150.4 tỷ cho California năm 2023, Thống Đốc Newsom loan báo

Dữ liệu mới công bố hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, cho thấy California tiếp…

50 mins ago
  • Sài Gòn Nhỏ

5 sản phẩm đang giảm giá hơn 70% trên Amazon

Sam Nguyễn/SGN Không có gì bí mật khi Amazon luôn giảm giá các sản phẩm,…

1 hour ago
  • Việt Nam

Phạm Thái Hà ‘thành khẩn, nộp tiền’ sau khi Vương Đình Huệ mất chức

Phạm Thái Hà là “tay hòm chìa khóa" của Vương Đình Huệ và đi theo…

1 hour ago

This website uses cookies.