Friday, April 26, 2024

Ai thắng cuộc tranh luận thứ nhất?

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Ðó là điều cử tri quan tâm đến cuộc bầu cử 2016 muốn biết, và tất cả các cơ quan truyền thông muốn tìm hiểu để tường trình cho độc giả, thính giả, và khán giả của mình.

Ðiều lý thú hơn là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được dư luận thế giới rất chú ý, cho nên ngay cả báo chí và các hãng tin nước ngoài cũng theo dõi sát chuyện này.

Một thắc mắc khác nữa là cuộc tranh luận sẽ có tác động thế nào đối với tình hình tranh cử trong những ngày tới, nhất là ngày bầu cử vào Thứ Ba, 8 Tháng Mười Một.

Vấn đề này thuộc lãnh vực dự đoán, chỉ nhằm phân tích nhận định chứ chưa thể đi đến bất cứ kết luận gì.

Hai ban tranh cử đều nói rằng “gà” của mình thắng trong trận “đá” tối Thứ Hai ở Hofstra University, New York.

CNN là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa ra thăm dò ý kiến một giờ sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, nói rằng bà Clinton thắng (62%) ông Trump (27%).

Những thăm dò khác cho những kết luận trái ngược nhau.

Public Policy Polling: Clinton 52% – Trump 40%. Time: Trump 55% – Clinton 45%. Fortune: Trump 53% – Clinton 47%. NBC/Atlanta: Clinton 77% – Trump 23%.

Thật ra, hầu hết những thăm dò này chưa hẳn theo đúng định nghĩa và phương pháp khoa học, mà chỉ hỏi ý kiến trên mạng, bất cứ ai cũng có thể trả lời bằng một cái nhấn (click) và kết luận chưa được coi là có giá trị. Những ý kiến ấy có thể do cảm tính hay định kiến, không phải bằng nhận định có lý luận.

Los Angeles Times không thăm dò ý kiến như thế, nhưng cho rằng “ông Trump chùn bước trước những lời chỉ trích” và kết luận rằng bà Clinton là người toàn thắng trong cuộc tranh luận. Các tờ báo khác bao gồm Washington Post, New York Times, Politico cũng có cùng những nhận định tương tự,

Những cơ quan truyền thông thiên hẳn về phía Cộng Hòa đưa ra kết luận khác: Trump 75.85% – Clinton 19.52%. Fox/San Diego: Trump 61% – Clinton 39%…

CNBC đưa ra một nhận định chung chung: “Cuộc tranh luận chẳng làm thay đổi cái gì. Trump vẫn có thể thắng,” hàm ý ông Trump thua cuộc tranh luận đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến trên mạng của CNBC lại đưa kết quả: Trump thắng 84% – Clinton 15%.

Các cơ quan truyền thông khi tường trình về cuộc tranh luận thường nhận định căn cứ vào lời phát biểu, đối đáp tranh cãi qua lại giữa hai đối thủ. Khuôn khổ bài viết này không coi việc phân tích những chi tiết ấy giúp ích gì cho việc nhận định về thắng bại trong cuộc tranh luận. Một vài câu nói sơ hở chưa đủ để đánh giá toàn bộ và trong cuộc tranh luận vừa qua, hai người không phạm sai lầm nào trầm trọng thuộc kiểu ấy.

Cũng không đáng kể một số cử chỉ hay thái độ vụng về, chẳng hạn như bà Clinton nói kém mạch lạc lúc khởi đầu, ông Trump để lộ sự căng thẳng trên nét mặt hay việc nhiều lần liên tục nhấc ly nước uống – 11 lần!

Các phóng viên chú ý ông nhiều lần khịt mũi và sau buổi tranh luận ông phàn nàn là ban tổ chức giao cho một chiếc microphone trục trặc. Chẳng qua chuyện ấy chỉ là thường tình như mọi người vẫn lập luận rằng ông Trump có một phong thái khác hẳn mọi người trong tranh cử và tranh luận.

Nhưng phải chú ý là ông Trump đã mất hẳn phong độ so với những lần tranh luận thời bầu cử sơ bộ. Ông không còn làm chủ được diễn tiến cuộc tranh luận và áp đảo như từng áp dụng đối với các đối thủ Cộng Hòa. Trước sự bình tĩnh do kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bà Clinton, nhiều lúc ông bị đẩy vào thế thụ động chống đỡ hoặc nóng nảy ứng phó không cần thiết.

Theo ý kiến của những nhà bình luận uyên thâm, trong cuộc tranh luận, ứng cử viên không được công chúng đánh giá bằng sự so sánh họ với đối thủ, mà chỉ bằng sự đánh giá về chính họ. Do đó, tìm chuyện hay lời lẽ châm biếm để đánh gục đối thủ chưa chắc đã phải là hay, mà cần phải tập trung vào những gì có thể nâng cao giá trị mình. Ông Trump chưa làm được điều này và không chuẩn bị đủ để có thể chủ động hướng nội dung tranh luận về theo hướng của mình.

Ngay cả ông Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York thời điểm xảy ra vụ khủng bố 9/11, người mạnh mẽ ủng hộ và là một đại diện vận động cho ông Donald Trump, cũng thất vọng vì cuộc tranh luận ở Hofstra University. Ông tuyên bố với các phóng viên sau đó: “Nếu tôi là ông Trump, tôi sẽ không tham dự hai cuộc tranh luận sau này nữa.”

Trước ngày tranh luận, ông Reince Preibus, chủ tịch đảng Cộng Hòa, lên đài Fox News nói: “Hillary Clinton đã hoạt động chính trị từ 30 năm. Tôi cho là mọi người sẽ chờ đợi bà hiểu mọi việc từ chi tiết nhỏ.” Như vậy có vẻ như ông Preibus muốn mô tả là bà Clinton có lợi thế nắm vững mọi vấn đề hơn và nếu không bằng lời hùng biện để đánh gục đối thủ trong 90 phút thì cử tri sẽ coi đó là thất bại và ông Trump thắng.

Nhưng dường như bên phía bà Clinton hiểu đó là một cái bẫy chính trị, nên theo tiết lộ từ trong ban tranh cử, các cố vấn đã nhắc nhở bà đừng tỏ vẻ gì khinh thường đối thủ và phải luôn luôn đi trong khuôn khổ các vấn đề đã định, nắm vững chủ động, không cần đối đáp trả đũa tất cả mọi lời lẽ. Bà đã thi hành đúng chiến thuật ấy và thể hiện sự bình tĩnh tự tin trong suốt cuộc tranh luận.

Các phóng viên truyền thông ghi nhận ông Trump có tổng cộng 58 lần xen vào một câu hay vài tiếng trong khi bà Clinton đang nói. Bà tỏ vẻ thản nhiên tiếp tục nói không bày tỏ sự bực tức và lúc khác yên lặng lắng nghe khi ông Trump nói không ngắt lời. Phương cách ấy rất quan trọng để thắng lợi trong nội dung tranh luận và về mặt tâm lý với quần chúng cử tri.

Trang mạng FiveThirtyEight (538), chuyên nghiên cứu về bầu cử, khẳng định bà Clinton thắng cuộc tranh luận thứ nhất. Cái thua nặng nhất của ông Trump là đã tỏ ra yếu hơn bà Clinton về tư cách lãnh đạo và phẩm chất của một tổng thống. Theo 538, chênh lệch 62/27 như CNN cho biết là lớn nhất kể từ năm 1984, khi CNN và Gallup bắt đầu việc thăm dò ngay sau tranh luận. Tuy nhiên, điều này chưa có nghĩa là tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ lên hay xa hơn nữa bà Clinton sẽ thắng bầu cử.

FiveThirtyEight nói rằng có lẽ bà Clinton sẽ lên điểm trong thăm dò dư luận, nhưng phải chờ mấy ngày nữa mới có thể biết khi tình hình đủ lắng đọng để có thăm dò đúng đắn. Cũng đừng nên quên rằng thắng lần tranh luận thứ nhất chưa phải đã là quyết định.

Năm 2012, ông Barack Obama thể hiện sự yếu đuối trong lần tranh luận đầu tiên với ông Mitt Romney và kết quả ông Romney thắng tranh luận 67-25. Tới lần tranh luận thứ nhì, ông Obama nỗ lực hơn và hồi phục được với kết quả thắng 46-39 rồi tiếp tục thắng ở lần tranh luận thứ ba 48-40 rồi tái đắc cử.

Năm 2008, ông Obama thắng ông John McCain cả ba lần tranh luận rồi đắc cử. Nhưng năm 2004, ông John Kerry thắng ông George W. Bush trong cả ba lần tranh luận và thất cử.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, bao giờ ứng cử viên đảng đối lập cũng thắng ứng cử viên đương nhiệm trong lần tranh luận thứ nhất. Bà Clinton không phải là đương nhiệm nhưng mọi người đều nhìn nhận bà là người đảng Dân Chủ tin tưởng sẽ là người nối nghiệp Tổng Thống Obama, và bà thắng chứ không thua cuộc tranh luận lần đầu.

Có những sự kiện lý thú bên lề khác về cuộc tranh luận Clinton-Trump. Tờ USA Today nói rằng phe đích thực thắng cuộc tranh luận là truyền thông và “The Cyber” (Internet – Mạng xã hội). Phát ngôn viên Nick Pacilio của Tweeter nói rằng, “Ðây là sự kiện được tweet nhiều chưa từng có, ước lượng khoảng 10 triệu tweet trong 90 phút tranh luận và sau đó.”

Sự kiện này cũng được theo dõi trên khắp thế giới. Tờ Los Angeles Times loan tin truyền hình Israel tiếp vận thẳng và phát lúc 4 giờ sáng, giờ địa phương, có phiên dịch sang tiếng Hebrew, và dân chúng nhiều người vặn đồng hồ báo thức để đón coi.

Ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã loan tin: “Cử tri Mỹ chờ coi màn kịch đấu khẩu giữa hai ứng cử viên tổng thống.” Trung Quốc không truyền hình trực tiếp nhưng hàng trăm ngàn cư dân mạng theo dõi qua Internet.

Báo chí Mexico sáng Thứ Ba loan tin bà Hillary Clinton thắng cuộc tranh luận nhưng chưa hoàn toàn vừa ý vì họ kỳ vọng bà hạ “knockout” ông Donald Trump.

Ở các nước Âu Châu từ Anh đến Pháp, Ðức,… người dân đều có thể theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình trực tiếp, và sau đó báo chí cho biết dân chúng cảm thấy phấn khởi vì bà Clinton thắng.

MỚI CẬP NHẬT