Câu chuyện một vụ cháy

Lê Phan

Không ai không thể rùng mình trước cảnh tòa tháp Grenfell, một chung cư cao ốc, bốc cháy sáng rực một bầu trời Luân Đôn, thiêu rụi một tòa có nhiều trăm cư dân với cho đến nay chưa biết số tử vong sẽ lên đến bao nhiêu người. Trước áp lực và chỉ trích từ mọi phía, Thủ Tướng Theresa May đã ra lệnh tổ chức một cuộc điều tra độc lập công khai do một vị thẩm phán chủ trì, trong khi đang có lo ngại về tình trạng an toàn của các tòa nhà chung cư cao ốc khác.

Con số tử vong cho đến nay chưa biết bao nhiêu, với nhà chức trách khuyến cáo là có thể không bao giờ có đủ con số vì họ không biết có bao nhiêu người trong tòa nhà cao 24 tầng và có đến tổng cộng 127 apartment.

Nghị viên Judith Blakeman của Hội Đồng Địa Phương, vốn sống đối diện với tòa nhà, nói là có khoảng từ 400 đến 600 người sống trong đó. Đô Trưởng Luân Đôn Sadiq Khan cho biết vào lúc tột đỉnh của cuộc hỏa hoạn, nhân viên cứu hỏa chỉ lên được đến lầu 12 của căn nhà. Trong số những nạn nhân đã được xác nhận tử vong, người đầu tiên được nhận diện là một di dân đến từ Syria. Tính đa dạng sắc tộc của khu vực này hiện rõ trên tấm bảng nơi mọi người lưu lại những lời chia buồn, tưởng niệm, với kế bên những hàng chữ tiếng Anh, còn có các thứ tiếng Âu Châu khác như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, chưa kể tiếng Ả Rập và một vài tiếng Nam Á.

Trong khi nhân viên cứu hỏa và cảnh sát đang tỉ mỉ điều tra trong đống tro tàn của tòa nhà, các viên chức đang vội vàng kiểm tra an toàn ở những tòa nhà cao tầng khác.

Bà May đã loan báo cuộc điều tra ngay sau khi Đô Trưởng Sadiq Khan của Luân Đôn lên tiếng kêu gọi, và có những câu hỏi được nêu lên về vai trò của ông Gavin Barwell, vốn là thứ trưởng bộ nhà ở cho đến tuần rồi, cho đến khi ông thất cử, và nay là đổng lý văn phòng của bà.

Những người chỉ trích nói là cần phải có một cuộc điều tra và cứu xét toàn diện về các luật lệ an toàn hỏa hoạn – vốn bắt đầu sau vụ hỏa hoạn làm sáu người thiệt mạng ở một khu chung cư khác ở miền Đông Nam Luân Đôn hồi năm 2009 – đã bị bỏ lay lứt trong nhiều tháng khi ông tại chức.

Trong số những câu hỏi được nêu ra có: Phải chăng quy định “ai ở nguyên đó,” vốn bảo mọi người hãy ở nguyên trong apartment của mình cho đến khi nhân viên cứu hỏa tới, đã khiến cư dân mất cơ hội thoát thân? Vai trò gì những vỏ bọc bằng aluminium, được gắn gần đây trong công việc chỉnh trang vừa hoàn tất năm ngoái, có đóng vai trò gì trong việc tại sao mà ngọn lửa lan nhanh đến thế? Và liệu những tòa nhà như tòa tháp Grenfell, vốn được xây dựng năm 1974, có nên được lắp ráp các hệ thống sprinklers xịt nước và một hệ thống báo động hỏa hoạn trung tâm không?

Ông Khan tuyên bố: “Tầm mức của tấm thảm kịch này ngày càng lộ rõ và có những câu hỏi cấp bách đòi hỏi phải có những câu trả lời khẩn cấp.” Tránh không đổ lỗi cho ai, ông thêm “Với sự việc là nhiều khu cao ốc khác cũng đã được tái thiết theo kiểu này, cuộc điều tra cần phải cung cấp một báo cáo tạm thời trễ nhất vào cuối mùa hè này.”

Lý do của vụ hỏa hoạn chưa rõ, nhưng cảnh sát đã loại bỏ khủng bố.

Giám đốc cứu hỏa Luân Đôn, bà Dany Cotton, chiều hôm khi vụ hỏa hoạn xảy ra, đã nói là không có hy vọng tìm thấy thêm kẻ sống sót, trong khi cảnh sát kêu gọi cư dân hãy gọi một đường dây điện thoại nóng để họ có thể kiểm soát xem có bao nhiêu người đã có thể ở trong tòa nhà. Trong số những người mất tích có một cặp vợ chồng trẻ người Ý theo báo chí Ý tường thuật. Chung cư này, cũng như đa số thành phố Luân Đôn, có rất nhiều sắc dân. Một trong những người đầu tiên được nhận diện trong số tử vong là một dân tị nạn từ Syria tên là Mohammed Alhajali. Được cho biết 23 tuổi, Mohammed đang học kỹ sư công chánh. Chiến dịch Đoàn Kết Syria viết “Anh đã mạo hiểm trên cuộc hành trình để bỏ trốn chiến tranh và chết chóc ở Syria, chỉ để chết ở đây, trên đất Anh, và trong nhà của mình.”

Bà Dany Cotton cho biết là nhân viên cứu hỏa đã kiểm soát toàn thể 24 tầng của tòa tháp, nhưng vì lý do an toàn chưa thể lục soát các nơi. Tòa tháp này, vốn xây dựng với một cái lõi bằng xi măng cốt thép ở giữa vốn bao gồm thang máy và cầu thang, rất chắc và khó sụp đổ, nhưng điều đáng ngại là các căn nhà bên ngoài cái trục giữa đó.

Bà May, vốn đang gặp nhiều khó khăn sau khi mất đa số ở Quốc Hội, đã đến thăm các nhân viên cứu hỏa hai ngày sau khi hỏa hoạn xảy ra. Một điều người ta nay cũng nhắc lại là cố gắng cắt giảm ngân sách dưới thời chính phủ Bảo Thủ tiền nhiệm đã khiến ông Đô Trưởng Boris Johnson, nay là ngoại trưởng trong chính phủ May, đã cắt ngân sách của sở cứu hỏa, một lý do mà theo đại diện nghiệp đoàn, đã khiến nhiều nhân viên cứu hỏa đã làm việc 12 đến 14 giờ vì không có thêm lực lượng nào khác.

Nhóm Hành Động Grenfell, một hiệp hội cư dân của chung cư, đã than phiền nhiều năm với hội đồng địa phương của Quận Hoàng Gia Kensington và Chelsea, vốn là chủ nhân của tòa nhà này, và tổ chức quản trị tài sản này là đã nhiều lần bỏ qua những quan ngại của họ về hỏa hoạn trong tòa nhà.

Những người sống sót kể lại họ biết được hỏa hoạn qua hàng xóm báo tin. Eddie Daffarn, sống ở tầng 16, vốn cũng là thành viên của Nhóm Hành Động, nói chỉ biết có cháy nhờ chuông báo động của người bạn hàng xóm. Ông kể “Báo động duy nhất là từ smoke alarm của người bạn hàng xóm của tôi. Tôi tưởng anh chàng lại làm cháy mấy miếng khoai tây French fries. Tôi mở cửa và khói mù mịt, tôi vội đóng cửa lại và nghĩ: Đây là hỏa hoạn thực sự, không phải ông ban chiên cháy đồ ăn.” Một người bạn ở tầng thứ năm điện thoại cho anh và bảo chạy đi. Ông kể tiếp: “Tôi cuốn một cái khăn lông ướt quanh người và mở cửa. Khói dày đặc đến nỗi tôi không thấy gì cả. Tôi nghĩ ‘Thế này là hết hy vọng rồi.’” Sau cùng ông leo xuống cầu thang và được một ông lính cứu hỏa giúp. Ông ta nói là mình thật may mắn mới sống sót.

Bà Meriam Antur, sống ở lầu 19, là một trong những cư dân được bảo là hãy ở yên, mặc dầu tiếng còi hụ và khói tạo hốt hoảng. Bà bảo người bạn bảo phải chờ và không đi xuống được. Bà kể mấy đứa con khóc lóc sợ quá và bà còn mang thai nữa. May họ được cứu kịp.

Luật Sư Matthew Needham-Laing, vốn cũng là một kiến trúc sư và một kỹ sư xây dựng, chuyên môn về những vụ liên quan đến các vấn đề của các tòa nhà, nói là khói đen bao trùm tòa nhà là chỉ dấu của các vật liệu bọc ngoài.

Bà Sian Berry, chủ tịch của Ủy Ban Nhà Đất của Nghị Viện Luân Đôn, nói là bà rất quan ngại là thẩm định hỏa hoạn của các tòa nhà cao ốc đã không đủ chặt chẽ. Bà giải thích: “Trước đây cơ quan cứu hỏa đã thường xuyên đi kiểm tra, nay chủ nhân quyết định khi nào kiểm tra và ngay cả sau khi kiểm tra, họ không chịu làm điều đòi hỏi.” Bà thêm là hệ thống báo động trung tâm cho toàn căn nhà không được đòi hỏi – tháp Grenfell rõ ràng không co – bởi nó phải luôn được bảo trì mới hữu hiệu.” Tòa tháp Grenfell cũng không có sprinkers, vì luật lệ chỉ bắt các cao ốc mới phải có, và luật lệ đó đưa ra cả thập niên sau khi tòa tháp được xây dựng.

Bà Berry cũng chỉ ra là sau vụ hỏa hoạn ở chung cư Lakanal House lần trước, đã có yêu cầu bỏ việc yêu cầu cư dân ở đâu yên đó, một bài học có vẻ đã không được những ai quản trị tòa tháp để ý.

Dân biểu David Lammy của quận Tottenham ở miền Đông Bắc Luân Đôn, nói với đài BBC là ông coi vụ này là “một tội vô ý sát nhân tập thể.” Ông nói: “Đây là quận giàu có nhất nước đối xử với dân của họ như vậy, thì chúng ta gọi nó là gì nữa? Nó là sát nhân của cơ quan. Và thực sự là phải có người đi tù. Đây là một chuyện không thể dung thứ được.”

Ông kể là sau khi gõ cửa nhiều căn nhà housing trong cuộc bầu cử vừa qua, ông đã thấy có quá nhiều tòa nhà với hệ thống chữa lửa cổ lỗ xỉ và rất tệ hại. Ông bảo với đài BBC: “Những tòa nhà thời 70, nhiều cái phải phá hủy đi. Chúng không có hệ thống thang cấp cứu fire escapes. Chúng không có sprinkler. Nó hoàn toàn, hoàn toàn không thể được chấp nhận ở Anh Quốc ngày nay để cho một vụ như thế này xảy ra và người ta mất mạng sống. Ai đó phải chịu trách nhiệm.”

Ông Pilgrim Tucker, một nhân viên xã hội, coi vụ hỏa hoạn này là hậu quả của nhiều năm toàn thể một phần của cộng đồng bị bỏ rơi. “Đã có rất nhiều tái tạo. Đất đai ở đây rất mắc, đây là một trong những khu giàu nhất nước. Nó là một trong những khu có nhu cầu nhà đất cao nhất nước. Và tôi nghĩ những người thuê nhà chính phủ ở đây biết họ được thấy như thế nào – rằng địa ốc quan trọng hơn họ. Tài sản quan trọng hơn tính mạng của họ. Nếu chính phủ làm nhiệm vụ của họ… thì vụ này đã không xảy ra.”

Một trong những kết quả gây cú shock trong cuộc bầu cử tuần rồi là cái ghế dân biểu quận Hoàng Gia Kensington và Chelsea, vốn từ khi thành lập từ thập niên 1950 đến nay nằm trong tay của đảng Bảo Thủ, đã mất vào tay Lao Động. Bà Thủ Tướng Bảo Thủ Theresa May đã viếng thăm tháp Grenfell hai ngày sau cơn hỏa hoạn nhưng bị chỉ trích là chỉ nói chuyện với nhân viên cứu hỏa không đoái hoài đến dân. Ngược lại, lãnh tụ Lao Động Jeremy Corbyn được chào đón ở nhà thờ gần đó và gặp dân chúng và những người tình nguyện. Một bà cầm tay ông bảo: “Ông phải bắt họ chịu trách nhiệm.” Họ đây chính là chính phủ Bảo Thủ.