Thursday, April 25, 2024

Khi Âu Châu tuyên bố độc lập

Lê Phan

Nếu Tổng Thống Donald Trump muốn tạo một ấn tượng mạnh cho chuyến công du đầu tiên của ông đến Âu Châu tuần rồi thì ông đã hoàn toàn thành công.

Mỗi người một kiểu, Thủ Tướng Angela Merkel của Đức và tân Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp đã đưa ra chỉ dấu trong lúc cuối tuần trước về việc họ không còn bao nhiêu tin tưởng vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Thái độ của họ có vẻ là một phản ứng trực tiếp vào thái độ của tổng thống ở hai hội nghị thượng đỉnh, Hội Nghị Thượng Đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và hội nghị của khối G-7.

Dĩ nhiên cả hai vị đều muốn nhắm vào khán giả nội địa. Bà Merkel, vốn sẽ đối diện với một cuộc tổng tuyển cử vào Tháng Chín – đã nhận được nguyên một phút vỗ tay hoan hô cho lời tuyên bố mà nay đã vang dội khắp các nơi trên thế giới hôm Chủ Nhật trước, rằng không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ và Anh Quốc nữa. Ông Macron, vừa mới thắng cử vẻ vang, đã muốn chứng tỏ uy tín là một thế lực trung dung có thể đối phó được với cả Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Mắc kẹt ở giữa là Anh Quốc, với chính phủ của Thủ Tướng Theresa May có vẻ hết sức lạc điệu với phần còn lại của Âu Châu trong khi điều đình cho chuyện rút lui khỏi Liên Hiệp Âu Châu.

Sau khi được rộng rãi coi như là so tài được với Tổng Thống Trump trong cái trò chơi cạnh tranh trong những cái bắt tay, ông Macron cuối tuần qua đã xông vào một cuộc đối đầu với lãnh tụ Nga, ông Vladimir Putin. Với ông Putin đứng kế bên ở một cuộc họp báo chung ngay trước Điện Verseille, tòa lâu đài tráng lệ mà đến cái thú sơn son thếp vàng của Tổng Thống Trump cũng thua, tổng thống Pháp đã lớn tiếng chỉ trích các cơ quan truyền thông có liên hệ với điện Kremlin và hành động của Moscow ở Ukraine, ở Trung Đông và trên thế giới. Ông còn đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu có thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Tốc độ mà cặp tay đôi cánh trung dung của Âu Châu này – một bà Merkel đã vững chãi trong vị thế quyền lực và một ông Macron mới vào nghề – đã chứng tỏ niềm tự tin đầy sức mạnh mới tìm thấy của họ thật đáng chú ý. Chỉ mới đây thôi, cả Pháp và Đức đều có vẻ như có thể rơi vào tay cánh cực hữu, với những nhân vật như bà Marine Le Pen, một ứng cử viên được Tổng Thống Trump ủng hộ, có triển vọng có thể thắng cử, trong khi ủng hộ cho đảng cực hữu AfD của Đức gia tăng trong cuộc khủng hoảng tị nạn. Sự việc là có vẻ như ít nhất ở Pháp, chuyện đó đã không xảy ra, và việc này đã cho giới cầm quyền ở Âu Châu một sự tăng lực.

Về phương diện kinh tế, khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng tốt đẹp nhất từ hơn một thập niên nay, với mức tăng trưởng của khu vực này vượt mức tăng trưởng của Hoa Kỳ trong quý đầu năm. Cuộc khủng hoảng di dân đã giảm thiểu phần nào, và với nó ảnh hưởng chính trị của các cuộc tấn công khủng bố. Tất cả những vấn đề này – cũng như của phe cực hữu ở Âu Châu – có thể trở lại. Nhưng ít nhất hiện nay, năng lực chính trị đã có vẻ trở về với canh trung dung. Bà Merkel và ông Macron cương quyết lợi dụng tình thế này.

Tổng Thống Donald Trum (thứ 3 từ trái) và các lãnh đạo nhóm G7. (Hình: Getty Images)

Riêng về Hoa Kỳ, hình ảnh tốt nhất cũng phức tạp. Nhiều thế hệ lãnh tụ Hoa Kỳ, đặc biệt là ông Trump, đã lâu nay cố gắng thuyết phục Âu Châu hãy tự đứng vững một mình, hãy chịu trách nhiệm cho sự phòng thủ của chính mình và những vấn đề khác. Nhưng cách mà sự kiện này đang xảy ra có vẻ như là một cái tát vào mặt. Mà quả thật đó là điều mà người ta muốn.

Trong một thời bình thường hơn, bà Merkel và ông Macron – cả hai vốn bản chất là những người chủ trương Đại Tây Dương, tin tưởng vào một liên minh xuyên Đại Tây Dương – muốn củng cố liên hệ với Washington và Luân Đôn. Với Brexit và sự đắc cử của Tổng Thống Trump, họ cảm thấy là Hoa Kỳ và Anh Quốc đã đột ngột chọn lầm đường – và họ có ý định chứng tỏ họ sẽ điền vào khoảng trống đó.

Việc này đã càng quan trọng hơn trước thái độ của Tổng Thống Trump tại hôi nghị thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Hoa Kỳ đã thực sự xô đẩy một lãnh tụ sang một bên, từ chối không chịu tuyên bố là ông sẽ tuân thủ Điều 5 của Hiến Chương NATO, điều khoản vốn gọi là một cho tất cả và tất cả cho một, và vẫn có vẻ không hiểu cách thức mà các thành viên của liên minh tài trợ cho ngân sách quốc phòng của họ.

Chúng ta không được biết chuyện gì xảy ra đằng sau hậu trường. Nhưng như một nhà ngoại giao Anh đã trả lời trên đài BBC, mặc dầu đang trong mùa bầu cử, bà Merkel không có thói quen khiêu khích đồng minh, trong khi ông Macron, mới đắc cử cũng không có lợi thế gì khi gây sự với Hoa Kỳ.

Thực sự ra ở rất nhiều khía cạnh, sẽ chả có mấy thay đổi. Liên minh NATO vẫn sẽ là nền tảng chính của hệ thống quốc phòng của Âu châu, và việc đó sẽ tùy thuộc vào sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ. Liên hệ giữa quân đội Hoa Kỳ và các quân đội Âu Châu có lẽ sẽ vẫn tiếp tục, mặc dầu những luận điệu của các chính trị gia có thay đổi. Tình chiến hữu kéo dài từ Đệ Nhị Thế chiến, trải qua các cuộc chiến kể cả Afghanistan không phải một sớm một chiều mà tiêu tan.

Nhưng những quốc gia chính của Âu Châu nay có vẻ đã có một quyết định là sẽ làm chủ tình hình nhiều hơn, sẵn sàng cho cái ngày mà Washington chọn vắng mặt. Chúng ta có thể chờ đợi gia tăng các hoạt động chung cho toàn Liên Hiệp trong lãnh vực quốc phòng – về kế hoạch, quân nhu, huấn luyện. NATO sẽ là khí cụ qua đó Âu Châu lục địa đối thoại với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Nhưng các quốc gia trụ cột của Âu Châu sẽ có những kế hoạch để tích cực hơn trong việc đơn phương chiến đấu nếu cần.

Đối với Anh Quốc, tình hình mới có nguy cơ trở thành một thảm họa ngoại giao.

Chính phủ của Thủ Tướng Theresa May đã chọn một luận điệu gây gổ không cần thiết khi nói đến điều đình về Brexit. Đa số mà bà hy vọng đạt được khi giải tán Quốc Hội và tổ chức bầu cử lại có vẻ đang giảm dần. Và nay bà Merkel, chính trị gia uy quyền nhất Âu Châu, đã cố tình loại Anh Quốc cùng với Hoa Kỳ và Nga như là những quốc gia mà cột trụ của Âu Châu có thể hợp tác với nhưng không trông cậy được.

Việc này sẽ có triển vọng đáng ngại cho Brexit. Nhưng nó cũng là một chỉ dấu cho thấy là Anh sẽ có ít vũ khí hơn khi muốn đạt được bất cứ cái gì mình muốn đối với lục địa.

Chiều hướng bà Merkel và ông Macron nhìn thế giới nay rõ ràng. Nga là một đe dọa. Họ biết nhiều người trong dân chúng của họ coi tổng thống Hoa Kỳ là một trò hề, và rằng họ có thể có nhiều lợi ích chính trị nếu chống lại ông. Bảo đảm là Brexit sẽ là một thảm họa cho Anh Quốc nằm thật gọn gàng trong chiến thuật này.

Tất cả những điều đó đều có thể hiểu được, và sự tái lập niềm tự tin ở Âu Châu có thể mang lại những điều tốt. Nhưng nó cũng mở cửa cho rất nhiều bất định. Và nếu và khi nào Tổng Thống Donald Trump muốn quay trở lại với Âu Châu, sự chờ đón lần tới sẽ chắc chắn rất lạnh nhạt. Bà May đã chứng kiến sự lạnh nhạt đó rồi.

MỚI CẬP NHẬT