Friday, April 26, 2024

Lỗi lầm của bà May

Lê Phan

Thủ Tướng Theresa May của Anh Quốc vừa mới khám phá là bầu cử nhiều khi khó hơn bà tưởng. Hôm 3 Tháng Năm, bà giải tán Quốc Hội để tổ chức bầu cử lại, tin chắc là bà sẽ thắng áp đảo bởi vì các cuộc thăm dò dư luận cho biết bà hơn đảng đối lập lớn nhất là đảng Lao Ðộng đến 20 điểm.

Ðối với bà đây là một bước trên con đường mà bà dự định theo thời điểm kể từ khi bà lên nắm quyền, với những bước định sẵn. Bà May, như ai biết bà đều nói, là một người ưa trật tự, thích kiểm soát mọi việc và thực sự không phải là một chính trị gia dân chủ có tài. Bà hẳn đã tính là cuộc bầu cử này là một bước tiến từ sau khi bà khởi động Ðiều 50 của hiệp ước thành lập Liên Hiệp Âu Châu hôm Tháng Ba và trước khi bắt đầu điều đình với Liên Hiệp Âu Châu vào cuối Tháng Sáu này.

Khổ một nỗi bà đã quên là bầu cử cũng như chiến tranh có rất nhiều chuyện bất thường. Trong sự tự kiêu bà quên mất là bà đã trở thành thủ tướng chỉ là một sự tình cờ, một thứ ứng viên thứ ba mà sau khi hai phe trong đảng bảo thủ đánh nhau chí tử, còn bà đứng giữa nên được đưa lên nắm quyền.

Mục đích của bà để tổ chức cuộc bầu cử này là để bà có thể giành nhiều hơn là đa số 12 ghế mà bà thừa hưởng của ông David Cameron, vốn theo bà quá ít. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, bà thường xuyên nhắc nhở là đất nước cần một lãnh tụ “mạnh và ổn định” như bà để đối phó với những điều đình khó khăn với Âu Châu, chứ không phải là một nhân vật cực tả vẫn còn mơ thời đại xã hội chủ nghĩa như ông Jeremy Corbyn của đảng Lao Ðộng.

Dĩ nhiên mặc dầu bản chất bà không phải là người ưa cá độ, bà đã đánh cá sự nghiệp của mình với cuộc bầu cử này. Ðể đạt được điều bà muốn, đảng Bảo Thủ phải thắng những ghế vốn truyền thống của đảng Lao Ðộng ở miền Bắc nước Anh. Nhưng khi bà bắt đầu cuộc vận động thì triển vọng thật xán lạn.

Càng đến gần ngày bầu cử, có vẻ như rõ ràng là kế hoạch trật tự của bà đã xoay chiều đáng ngại. Những cuộc thăm dò dư luận ngày càng cho thấy đa số của bà đang biến mất dần. Trong khi bà là một người bản chất không mấy hoạt bát, đảng Bảo Thủ của bà đã xây dựng cuộc bầu cử quanh một thần tượng, đó là bà thủ tướng, và không có gì khác. Nhiều tài liệu tranh cử có khi không nhắc cả đến đảng Bảo Thủ nữa mà chỉ thấy nói đến bà May.

Thành ra đảng Bảo Thủ không có một thông điệp nào ngoài bà thủ tướng và khi một đối thủ sống động xuất hiện, kịch bản của bà thủ tướng không sao đối phó nổi. Kết quả của cuộc bầu cử là bà chỉ có 318 ghế trong khi bà cần 326 ghế để có thể có đủ đa số cai trị không cần liên minh với ai cả. Ðảng Lao Ðộng, ngược lại, được thêm 30 ghế, và tuy vẫn còn thua với chỉ có 262 ghế, đã gia tăng số phiếu cao nhất từ giữa hai kỳ bầu cử của bất cứ đảng nào từ năm 1945. Và ông Jeremy Corbyn, vốn tẻ nhạt trong cuộc trưng cầu dân ý đã khác hẳn lần này. Một nhà tranh đấu từ nhỏ, ông như cá gặp nước trong bầu không khí nhộn nhịp của các cuộc meeting vận động. Trong khi đó bà thủ tướng đã chứng tỏ nhút nhát, cứng ngắc và thiếu khả năng ứng phó.

Cái lỗ thủng lớn nhất trong chiến thuật của đảng Bảo Thủ đáng lẽ phải được bà thấy rõ: Dầu cho có coi Brexit là tốt hay là xấu, nó rõ ràng không phải là về ổn định hay tiếp tục. Nó có tiềm năng thay đổi đến tận gốc rễ các chính sách đối nội và ngoại giao của Anh Quốc trong hơn nửa thế kỷ, một bước sẽ thay đổi không những cuộc sống của mọi người dân trong nước mà của con cháu họ nữa.

Bà May luôn bị mắc kẹt giữa hai thực tế, ủng hộ Brexit, nhưng từ chối không chấp nhận tiềm năng náo loạn của nó, tốt hay xấu. Và khi bị thúc đẩy, người phụ nữ vốn tìm cách chứng tỏ sức mạnh và sự ổn định đã tỏ ra là một chính trị gia không mấy cứng cỏi, và chỉ theo thời, nói những gì mà mọi người muốn nghe. Doanh nghiệp nghe là sẽ không có đoạn tuyệt với thị trường chung Âu Châu vốn là tối quan trọng; những nơi đất nhà của đảng Bảo Thủ thì nghe là bà sẽ là “một bà khó tính” vốn sẽ không chấp nhận những điều khoản của Liên Hiệp Âu Châu để ở lại trong thị trường đó (vốn sẽ dẫn đến một liên hệ như Na Uy, trong đó phải chấp nhận những luật lệ của Liên Hiệp mà không có được tiếng nói trong Liên Hiệp). Càng ngày, thái độ thực sự của bà về Brexit ngày càng tối mù, và bà nghe có vẻ né tránh và rụt rè khi bị hỏi về những điểm tối căn bản.

Một lỗi lầm lớn nữa của đảng Bảo Thủ là họ quên mất sự chia rẽ thế hệ vốn nay định nghĩa chính trị Anh. Ngày nay, nhóm 18 đến 25 là nhóm nòng cốt của đảng Lao Ðộng trong khi nhóm trên 65 là rường cột của đảng Bảo Thủ. Chính vì đảng Bảo Thủ trông đợi rất nhiều vào lá phiếu của những người trên 65 tuổi, nên bà May đã phải vội vàng đổi giọng trước sự tức giận của các ông bà trên 65 tuổi khi bà tìm cách đòi họ phải đóng góp thêm cho việc chăm sóc lúc tuổi già bằng cách là sau khi họ chết, bán nhà đi để trả nợ cho nhà nước, trừ 100,000 cuối cùng thì con cháu được hưởng. Phản ứng giận dữ của cử tri, chặn các ứng cử viên Bảo Thủ ở mọi nơi để chỉ hỏi có mỗi một câu, “Phải chăng chúng tôi phải bán nhà đi, không còn gì để lại cho con cháu nữa sao?” Sự đổi giọng của bà thủ tướng vốn tự nhận mình là người cương quyết đã làm cho nhiều cử tri ngờ vực, nhất là khi bà còn nói là có thay đổi gì đâu.

Nhưng dĩ nhiên chúng ta cũng phải công nhận là đối thủ của bà đã chứng tỏ khác xa mọi người tưởng. Ông Jeremy Corbyn, bị mọi người chê bai trong suốt hai năm qua kể từ ngày ông được bầu lên lãnh đạo đảng Lao Ðộng, không dè lại sống sót sau khi đã chứng kiến hai thủ tướng Bảo Thủ đổ. Sức mạnh căn bản của ông, ngược lại với bà May, là sự chân tình của ông, vốn ngay cả đến một người như ông Nigel Farage, lãnh tụ cũ của đảng UKIP, cũng phải công nhận. Khác với bà May, người ta tin vào những gì ông nói ngay cả khi người ta không đồng ý với ông. Vấn đề chính của ông là lập trường chính trị cực tả. Nhưng may cho ông là tuyên ngôn của đảng Lao Ðộng, vốn phản ảnh lập trường của đa số dân biểu Lao Ðộng, gần với trung tâm hơn là lập trường của ông Corbyn. Nó cũng chẳng thiệt hại gì khi nhiều người bỏ phiếu cho bên Lao Ðộng chỉ để phản đối sự kiêu căng của chiến dịch vận động của đảng Bảo Thủ, vốn coi chiến thắng là chuyện đã rồi.

Vậy bây giờ thì sao?

Anh Quốc này có một Quốc Hội treo, một “hung Parliament,” với không đảng nào có đủ 326 ghế cần thiết để một mình cai trị. Lần cuối chuyện này xảy ra là năm 2010, vốn dẫn đến việc thành lập liên minh Bảo Thủ-Dân Chủ Tự Do giúp liên minh có được đa số 36 ghế. Lần này bà May đã chọn liên minh với đảng Dân Chủ Liên Bang (DUP) của Bắc Ái Nhĩ Lan, vốn chỉ mang đến được có 10 ghế. Cộng với 318 ghế của bên Bảo Thủ là họ chỉ có đa số có 2 ghế.

Kết quả là chúng ta có một điều kiện lý tưởng cho một chính phủ có thể đổ bất cứ lúc nào. Người ta bắt đầu nhớ đến năm 1974, khi Anh Quốc có đến hai cuộc bầu cử trong một năm chỉ vì lúc đó đảng Lao Ðộng không có đủ đa số phải cai trị với tư cách là một chính phủ thiểu số.

Trong khi đó Anh Quốc sẽ phải đối phó với cuộc điều đình Brexit, đến cái gọi là “Great Repeal Bill” tức là một đạo luật hủy bỏ hết hàng trăm ngàn luật lệ của Liên Hiệp Âu Châu mà Anh Quốc đã gộp vào luật lệ nước mình trong suốt hơn 40 năm qua. Ấy là chưa kể đảng DUP còn có một đòi hỏi mà bà May sẽ khó thực hiện, đó là phải làm sao duy trì cho Bắc Ái Nhĩ Lan và Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan không có biên giới. Liên Hiệp Âu Châu sẽ không chấp nhận việc đó nếu Anh Quốc không chấp nhận những điều kiện để mở cửa biên giới. Ðó là mới chỉ một vài thí dụ.

Nhưng bà May vẫn cương quyết không chịu từ chức. Và bà sẽ tiếp tục bước thấp bước cao tiến tới cho đến ngày nào đó, một ai trong đảng của bà, có thể lại là ông Boris Johnson tuốt gươm ra đòi bà phải rút lui. Trong khi nội bộ đảng Bảo Thủ tranh quyền, đất nước sẽ nổi trôi và tương lai không biết đi về đâu.

MỚI CẬP NHẬT