Thursday, April 25, 2024

Một bài thi cho sử gia tương lai

Lê Mạnh Hùng

Báo chí thường được coi như là bản viết nháp đầu tiên của lịch sử. Những hàng chữ tít to lớn trên trang nhất các báo thường sẽ thành các đề tài của những cuốn sách sử nhiều năm sau đó. Năm mươi năm sau những sử gia tương lai sẽ nghĩ gì về những điều xảy ra hiện nay? Dưới đây chúng ta hãy thử tưởng tượng một sinh viên khoa sử của năm 2066 tại một trường đại học nào đó ở Anh hay Mỹ trong kỳ thi về lịch sử thế giới cận đại. Quý vị độc giả thử đặt mình vào vai trò sinh viên này.

Dưới đây là đề thi của 2066 (mỗi câu trả lời từ 500 đến 700 chữ)

Phần A: Hoa Kỳ

1-Phân tích chính sách ngoại giao của Tổng Thống Obama. Phải chăng là một chính sách chấp nhận suy thoái một cách từ tốn?

2-Một nhà cải cách xã hội lớn hay là một thất vọng lớn? Nhận xét nào là công bằng nhất đối với ông Obama?

3-Vì sao các dòng họ Bush và Clinton chi phối chính trị Mỹ trong giai đoạn từ 1988 đến 2016 đến như vậy?

4-Sự nổi lên của ông Donald Trump không phải là một sự ngẫu nhiên mà là hậu quả cuối cùng của một tiến trình lâu dài trong chính trị và xã hội Mỹ. Bình luận.

Phần B: Âu Châu

1-Brexit chỉ là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân căn bản của sự suy thoái của Liên Hiệp Âu châu. Bình luận.

2-Tại sao “Dự án Âu Châu” không thể nào giải quyết được tận gốc “vấn đề nước Đức?”

3-Tại sao người Pháp lại bị ám ảnh bởi sự suy thoái của mình trong đầu thế kỷ thứ 21?

4-Một người thừa kế xứng đáng các ông Adenauer và Kohl. Bình luận về phán đoán này đối với bà Angela Merkel.

5-Tại sao đồng Euro lại là một thảm họa đối với vùng Nam Âu?

6-Ông Vladimir Putin là một sa hoàng tốt hay là xấu cho nước Nga?

7-Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại quay lưng lại với di sản của Ataturk?

Phần C: Trung Đông

1-Nguyên nhân xảy ra “mùa Xuân Arab” và vì sao nó thất bại?

2-Kể từ năm 2011, người dân Syria trở thành nạn nhân của các thế lực nước ngoài nhiều hơn là chính chính phủ của họ. Bình luận.

3-Một nước Iran hậu cách mạng có còn là đe dọa đối với vùng Trung Đông và thế giới hay không?

4-Một hợp đồng với ác quỷ. Bình luận nhận định này về quan hệ Mỹ-Saudi trước và sau 9/11.

5-Vấn đề tranh chấp Israel-Palestine phải chăng là trọng tâm các vấn đề tại Trung Đông hay chỉ là một điều làm người ta quên đi các vấn đề thực sự?

Phần D: Á Châu

1-Tại sao Trung Quốc lại bị ám ảnh với việc chiếm lãnh những hòn đảo và cồn cạn không người ở?

2-Bảo vệ quyền cai trị của đảng Cộng Sản là cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc từ 1978 đến 2016. Bình luận.

3-Tại sao Trung Quốc lại trở thành chuyên chế hơn dưới ông Tập Cận Bình

4-Vì sao Trung Quốc và Đông Âu đi theo hai con đường thật khác nhau sau năm 1989?

5-Phải chăng Thủ Tướng Narendra Modi biểu hiệu cho một nước Ấn độ mới?

6-Sự kiện quan trọng nhất trong chính trị toàn cầu từ 1980 trở về sau là sức mạnh kinh tế gia tăng của châu Á. Bình luận.

7-Abenomics thành công hay thất bại tại Nhật. Bình luận

8-Tại sao Mỹ và Trung Quốc lại để cho Bắc Hàn phát triển vũ khí hạch nhân?

Phần E: Phi Châu và châu Mỹ La Tinh

1-Nước Nam Phi mới đến mức nào?

2-Tại sao Phi Châu là lục địa đầu tiên trở thành mục tiêu của cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ?

3-Dầu lửa là một tai họa chứ không phải là một ân sủng. Bình luận về nhận định này đối với trường hợp Nigeria và Angola vào đầu thế kỷ 21

4-Tại sao ông Hugo Chavez trở thành thần tượng của cánh tả trên thế giới?

5-Brazil có một tương lai huy hoàng và bao giờ cũng vậy. Phải chăng đó là một phán đoán công bình về Brazil từ 1950 đến 2016.

6-Gần gũi với Hoa Kỳ là một tai họa hay là một ân sủng cho Mexico kể từ 1980 trở về sau? Bình luận và so sánh với các quốc gia châu Mỹ La tinh khác.

Phần F: Tổng Quát

1-Tại sao cái gọi là “Kết Thúc của Lịch Sử” của sử gia Francis Fukuyama chỉ kéo dài được có 20 năm?

2-Phải chăng “chủ nghĩa tân tự do” (neoliberalism) là một từ hữu dụng trong việc tìm hiểu kinh tế chính trị trong đầu thế kỷ 21?

3-Phải chăng “chủ nghĩa tân bảo thủ” (neo conservatism) là một từ hữu dụng trong việc tìm hiểu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong đầu thế kỷ 21?

4-Phải chăng tiến trình toàn cầu hóa đã dẫn đến việc hình thành một giai cấp thống trị toàn cầu.

5-Tại sao toàn cầu hóa không làm chết đi tinh thần dân tộc?

6-Sự nổi lên của các môi trường truyền thông xã hội đã làm đảo lộn tiến trình chính trị bình thường. Bình luận.

7-Phải chăng thay đổi khí hậu cho thấy một thế giới của các quốc gia-nhà nước (nation states) và chính trị dân chủ thì không thể đáp ứng được với những thách thức của thế kỷ 21?

8-Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đánh dấu mức cao điểm của hệ thống pháp luật quốc tế. Bình luận.

9-Liệu một cái máy có thể trả lời những câu hỏi này hay hơn một con người hay không?

Đó là một số câu hỏi mà một sử gia tương lai có thể phải trả lời. Phải chăng còn có những câu hỏi nào khác?

MỚI CẬP NHẬT