Friday, April 26, 2024

Mùa thuế tìm hiểu Luật Thuế

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Ở Mỹ người ta thường nói chỉ có hai điều chắc chắn xẩy ra trong đời đó là chết và thuế. Luật thuế ảnh hưởng tới bất cứ ai sinh sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ và có liên quan đến hầu hết các sinh hoạt trong cuộc sống tại đây; cho nên nếu có được một bộ luật thuế giản dị, rõ ràng và dễ hiểu thì là điều “phước đức” vô cùng.

Khổ một nỗi hệ thống thuế vụ hiện hữu của Hoa Kỳ không có ưu điểm đó. Thông thường các nhà lập pháp tạo ra luật thuế thường có khuynh hướng thỏa hiệp nhiều áp lực chính trị lẫn xã hội cho nên phải viết đi viết lại nhiều lần, đến khi ban hành thành luật thì mục tiêu áp dụng của đạo luật đó trở thành mù mờ không còn rõ ràng nữa. Cũng có những đạo luật thuế tuy viết thì rất rõ nhưng khi thi hành thì lại phức tạp không biết áp dụng ra sao mới đúng cho từng giới thọ thuế khác nhau. Sau nữa tòa án tại nhiều vùng khác biệt có thể lấy cùng một điều luật xử những vụ khiếu nại thuế có cùng yếu tố và sự kiện giống nhau nhưng lại diễn giải theo nghĩa khác mà lối diễn giải ấy chỉ có giá trị tại địa phương đó mà thôi.

Giới chức thu thuế (tax collectors) giữ một trọng trách đặc biệt bởi vì họ thực hiện việc đòi tiền thuế bằng cách nào mà họ thấy đúng luật và đạt được công bằng cho mọi người thọ thuế. Do đó nẩy sinh ra hình thức “kiểm thuế” (tax audit) là một phương cách hữu hiệu của chính quyền trong việc thúc đẩy người dân thi hành nghĩa vụ đóng thuế của mình cho đúng. Sở dĩ kiểm thuế hiệu nghiệm như vậy vì có tác dụng “dọa” cho người khai thuế biết rằng nếu khai man trá thì sẽ bị trừng phạt nên mọi năm cứ đến mỗi kỳ khai thuế thì mối lo âu bị kiểm thuế lại đeo đẳng mọi người khiến ai nấy đều chú tâm cố khai đúng cho khỏi sơ sót.

Đồng hương Việt Nam hàng năm cũng phải khai thuế lợi tức cá nhân như bất cứ sắc dân nào khác tại Hoa Kỳ. Trước tính chất phức tạp của luật thuế, loạt bài tìm hiểu này không thể đề cập tới hết mọi khía cạnh của luật thuế và cũng không đưa ra những chỉ dẫn trong việc khai thuế. Thay vào đó chúng tôi trình bày ý niệm căn bản về hệ thống thuế Hoa Kỳ với các loại tòa án chuyên xử các vụ khiếu nại và kháng cáo liên quan đến thuế. Trong các vụ án thuế nguyên đơn bao giờ cũng là người thọ thuế và phía bên bị cáo là ông thần khổng lồ IRS. Dĩ nhiên chẳng ai muốn dại dột khi không mà “đem trứng chọi đá” hoặc “châu chấu đá xe,” tuy nhiên những ai cảm thấy sau một vụ kiểm thuế mà mình có lý lẽ đúng nhưng bị xử oan ức; kết quả trở thành chung cuộc kèm theo một số tiền thuế sai biệt phải đóng khá lớn thêm vào nhiều khoản tiền phạt, tiền lãi linh tinh thì vẫn còn đường chống trả là đi kiện… IRS.

IRS là chữ viết tắt của cơ quan thuế vụ liên bang có tên là Internal Revenue Service. Cơ quan này trực thuộc Bộ Tài Chính Hoa Kỳ (U.S. Department of the Treasury) và là cánh tay mặt của chính phủ mang trách nhiệm thu thuế và kiểm thuế. Bị kiểm thuế bao giờ cũng là chuyện đau đầu làm nhiều “nạn nhân” mất ăn mất ngủ. Nguyên nhân bị chọn kiểm thuế thông thường nhất là số phận xui xẻo do máy điện toán đem “sao quả tạ” tới chiếu. Không kể đến những hồ sơ khai thuế chứa nhiều sự kiện vô lý hoặc có bằng chứng man khai; thông thường IRS dùng máy điện toán lựa ra bất chợt (random) vì IRS không có đủ nhân sự để thực hiện kiểm lại 100% hồ sơ khai thuế. Tiêu chuẩn và chỉ tiêu ấn định cho máy điện toán chọn có thể theo từng vùng địa dư, ngành nghề, khu vực kỹ nghệ, mức thang lợi tức, vv&cùng rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau do IRS ấn định kín tùy từng năm thuế. Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết thủ tục thi hành một vụ kiểm thuế điển hình trong một bài tới.

Sau mỗi vụ kiểm thuế IRS không ít thì nhiều cũng vạch ra một số sai sót của người thọ thuế đưa đến kết quả bắt họ phải trả số tiền thuế sai biệt cùng với tiền lãi. Đó cũng chưa kể đến những yếu tố khai không chứng minh được thường kèm thêm tiền phạt tùy theo nặng nhẹ. Trước những quyết định cứng rắn của IRS, theo luật người thọ thuế có quyền hạn khiếu nại (dispute) hoặc kiện IRS ra trước tòa án thuế.

Trách nhiệm chính của IRS là thu thuế lợi tức liên bang (federal income taxes). Đối với hầu hết dân tiêu thụ (consumers) trong nước thì thuế lợi tức cá nhân là khoản tiền thuế lớn nhất mà mọi người phải đóng cho chính phủ. Mặc dù chính phủ liên bang cũng còn thâu đủ mọi loại thuế khác theo luật định, thí dụ như thuế điện thoại, thuế chuyển vận hàng không, thuế thuốc lá, hay thuế đánh trên các hàng hóa nhập cảng, v.v… nhưng phần đông giới tiêu thụ ít dính dấp đến các món thuế khác ngoài thuế lợi tức.

Khác biệt giữa tránh thuế và trốn thuế:

Một điều hiển nhiên là chính phủ không thể nào có đầy đủ nhân lực để tính thuế và kiểm soát mọi tờ khai thuế cá nhân do dân chúng nộp mỗi năm. Do đó hệ thống thu thuế Hoa Kỳ đặt giả thiết trên căn bản tin tưởng mọi người thọ thuế (taxpayers) đều có tinh thần “thành thật khai báo với nhà nước” trong mỗi bản khai thuế (tax return) hàng năm khi khai lợi tức cá nhân cũng như tính toán đúng số tiền thuế mà họ có bổn phận phải trả cho chính phủ.

IRS có rất nhiều phương cách và trang cụ tân tiến hiện đại phụ giúp thi hành tiến trình kiểm điểm tờ khai thuế thí dụ như hệ thống điện toán giúp kiểm tra chính xác những dữ kiện hay con số mà người thọ thuế cung cấp. Hàng năm chủ nhân các cơ sở nghiệp vụ hay công ty, hãng xưởng đều gửi báo cáo đến IRS số tiền lợi tức trả trong năm cho mỗi nhân công. Tương tự như vậy ngân hàng và công ty tài chánh đều báo cáo tiền lãi trả cho người đầu tư hay ký thác tiền tiết kiệm.

Mặc dù vậy vẫn có nhiều căng thẳng cố hữu tiềm ẩn trong hệ thống thu thuế. Kẻ thọ thuế bao giờ cũng muốn trả ít tiền thuế nhất trong mức được luật cho phép nhưng giới chức thâu thuế muốn chắc chắn rằng người thọ thuế phải trả tối đa số tiền thuế mà họ có bổn phận đóng cũng theo luật định. Hai cụm từ “tránh thuế” (tax avoidance) và “trốn thuế” (tax evasion) thường thường được sử dụng thay thế lẫn nhau để diễn tả tình trạng căng thẳng này, tuy nhiên hai từ ngữ trên lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.

“Tránh thuế” là dùng những phương thức hợp pháp giới hạn bớt mức thuế mà một cá nhân phải đóng. Điều này hoàn toàn chấp nhận được đối với người thọ thuế tìm nỗ lực tránh bớt những khoản thuế mà luật pháp cho phép. Ngay chính các bộ luật thuế liên bang và tiểu bang cũng khuyến khích sự kiện này bằng chỉ dẫn rõ ràng những phương thức và điều kiện mà người thọ thuế có quyền khai giảm bớt gánh nặng thuế phải đóng.

Trong các phương thức khai thuế có rất nhiều lối sắp xếp lợi tức khai sao cho đạt được mức mà người thọ thuế chỉ phải đóng thuế tối thiểu một cách hợp pháp. Không có gì sai trái và bất hợp lệ khi một người thọ thuế tìm cách chiếm lợi điểm bằng những sơ hở (loophole) của luật thuế hoặc dùng các phương thức phân tán bớt số lợi tức kiếm được vào những trương mục che chở (shelter) hợp pháp như trương mục dành tiền hưu trí IRA để bớt được số thuế phải đóng cao nếu khai nguyên vẹn lợi tức thật sự.

Mặt khác “trốn thuế” (tax evasion) là một kẻ tìm phương cách bất hợp pháp để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Khai thuế man trá không thành thật cho mục đích đóng thuế ít hơn số tiền thuế đáng lẽ phải đóng cũng là một hình thức trốn thuế.

Qua hai định nghĩa căn bản trên đa số người thọ thuế chúng ta là “người tránh thuế” (tax avoiders) hợp pháp. Mặt khác nhiệm vụ chính của giới chức thu thuế IRS là truy tầm các “kẻ trốn thuế” (tax evaders) để bắt phải đóng cho đúng số thuế theo luật định và còn trừng phạt bằng tiền hay phạt tù đối với vài vụ án nặng nề hơn như đã từng xẩy ra cho một vài tên tuổi có tiếng trong nước.

Kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày hệ thống tổ chức các loại tòa án thuế tại Hoa Kỳ và phân tích các trường hợp nào thích hợp với mỗi loại tòa án thuế. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT