Sunday, May 12, 2024

Tìm hiểu Giao Ước Thương Mại Quốc Tế

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Tại Hoa Kỳ trong giao dịch thương mại quốc tế ngoài việc tuân thủ luật lệ xứ nhà, các doanh gia quốc tế còn phải thi hành luật pháp của quốc gia mà mình có ý định giao thương – tạm gọi là “xứ khách” (the host country) – cộng thêm với nhiều loại luật quốc tế có xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau.

Cũng nên lưu ý một điều căn bản, “xứ nhà” ở đây có nghĩa là nước Mỹ và ngược lại xứ khách là tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Do đó đồng hương người Việt tại Hoa Kỳ nếu có buôn bán với người Việt ở Gia Nã Đại, Á Châu, Úc Châu hay Âu Châu chẳng hạn thì các xứ theo thí dụ kể trên đều là “xứ khách” cho dù đối với quê hương Việt Nam.

Trên thế giới có quá nhiều “xứ khách,” mỗi nước đều có luật lệ riêng về xuất nhập cảng, cơ cấu tổ chức thương mại cũng như có truyền thống văn hóa, phong tục hoàn toàn khác biệt. Vì lý do đó bài này chỉ phác họa một cách tổng quát những lãnh vực thương mại quốc tế mà doanh gia thường phải đối đầu với hệ thống luật pháp của xứ khác ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.

Mỗi doanh gia hay công ty Hoa Kỳ hoạt động ở nước ngoài đương nhiên phải tuân theo luật của xứ đó. Những loại luật lệ xa lạ này nhiều khi thiếu tính cách công bằng và trái ngược hẳn với luật Mỹ có thể đưa đến nhiều hậu quả trong lãnh vực thuế má, giới hạn hoạt động tư bản, chi phối việc sáp nhập công ty, hoặc đòi hỏi công ty phải tiết lộ tình hình tài chính của mình.

Nhiều luật xứ khách có thể đem lại hậu quả nặng nề khác thường. Thí dụ tại một vài xứ tài sản và vốn liếng công ty ngoại quốc có thể bị sung công và chủ nhân bị đi tù giống như vụ án quốc tế mới đây một doanh gia Hòa Lan gốc Việt kiện nhà nước Cộng Sản Việt Nam vì trước đó công ty của ông kinh doanh ở Việt Nam mà ông không khéo lấy lòng quan chức địa phương để đến nỗi bị nhà cầm quyền buộc tội phá hoại kinh tế, không những tịch biên hết của cải công ty mà chủ nhân còn bị tù tội nữa. Do đó các doanh gia và cá nhân kinh doanh ở ngoại quốc cần am hiểu tường tận về nền kinh tế xứ ấy cùng với chính sách của chính phủ họ về thương mại, bối cảnh chính trị cũng như chủ trương của Hoa Kỳ đối với nước đó.

1.Luật lệ và thỏa ước quốc tế

Có rất nhiều loại lệ luật và hiệp ước chi phối các hoạt động thương mại quốc tế, thí dụ như “Thỏa Ước Buôn Bán Hàng Hóa Quốc Tế” (Convention on International of Goods), “Hiệp Định Tổng Quát Thuế Quan Mậu Dịch” (General Agreement on Tariffs and Trade viết tắt là GATT), và “Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ” (North American Free Trade Agreement viết tắt là NAFTA). Những thỏa ước và luật lệ này có ảnh hưởng rất quan trọng đối với các công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại ngoại quốc. Lấy thí dụ hiệp định NAFTA cho phép buôn bán miễn thuế trên một vài loại mặt hàng, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận chính gốc (certificate-of-origin) cho các nhà xuất cảng cũng như điều hòa mậu dịch trên toàn lãnh thổ miền Bắc Châu Mỹ đối với vài lãnh vực được nêu danh rõ rệt thí dụ như kỹ nghệ năng lượng, kỹ nghệ tài sản trí tuệ, và kỹ nghệ thông tin. Các hiệp định NAFTA và GATT đồng thời cũng thiết lập khuôn khổ căn bản cho các cuộc điều đình thương lượng mỗi khi xẩy ra tranh chấp về những vấn đề ngoài phạm vi thỏa ước.

Thêm vào đó việc tôn trọng các qui tắc đạo đức trong giao dịch thương mại quốc tế cho dù không bị chi phối do luật pháp của bất cứ nước nào, nhưng tổng quát ra các qui tắc này thường gắn liền vào quan hệ thương mại giữa các thành phần hợp tác với nhau. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ có một số tài liệu cung cấp tin tức liên quan tới vài lãnh vực mậu dịch đặc biệt theo luật lệ quốc tế. Do đó quí vị thương gia xuất nhập cảng nên tham vấn với các luật sư chuyên môn về thỏa ước và luật mậu dịch quốc tế áp dụng chuyên biệt cho ngành thương mại hay kỹ nghệ của công ty mình.

  1. Lập hợp đồng thương mại quốc tế

Cũng tương tự như các giao dịch thương mại quốc nội, hợp đồng là văn kiện căn bản xác nhận mọi thỏa thuận ký kết giữa hai bên trong các hoạt động mậu dịch quốc tế. Phần nhiều khế ước thương mại quốc tế được lập ra theo cùng phương thức lập khế ước trong quốc nội, thí dụ như hợp đồng mướn người làm, hợp đồng lập đại lý phân phối, hay hợp đồng mua bán sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên có vài vấn đề đặc biệt cần chú trọng hơn trên thương trường quốc tế. Thí dụ trong hợp đồng quốc tế thường có điều khoản xác định rõ ràng loại ngôn ngữ nào được dùng trong nghiệp vụ hay điều khoản ấn định rõ ràng hối xuất nước nào được dùng làm căn bản trong việc đổi tiền giữa hai nước. Thêm vào đó vì lý do các cuộc kinh doanh thương mại trên bình diện quốc tế ít nhiều thường dính dấp đến luật lệ của chính phủ nước ngoài trong tầm mức nào đó cho nên trong mọi hợp đồng quốc tế thường có viết “điều khoản chấp thuận của chính phủ” (governmental approval clause). Những điều khoản loại này xác định rõ thành phần ký kết nào trong hợp đồng sẽ đứng ra nhận trách nhiệm liên lạc xin phép hai chính phủ trong mọi giao dịch liên hệ.

Hợp đồng hay khế ước cũng còn có điều khoản ấn định phương thức giải quyết những vấn đề tranh chấp hay khiếu nại nếu xảy ra trong tương lai giữa các thành phần ký kết. Trong tinh thần hòa giải, hợp đồng nào cũng phải có chỉ thị rõ ràng yêu cầu các bên ký kết nên cố gắng nỗ lực giải quyết vấn đề trong nội bộ với nhau trước khi đem thưa kiện ra tòa. Trong hợp đồng thương mại quốc tế cũng thường có điều khoản ấn định việc lựa chọn tòa án (choice of forum) là tòa tại xứ có thẩm quyền tài phán sẽ xử vụ án và lựa chọn luật quyền lực tài phán (choice of law) là luật lệ hiện hành của tòa có thẩm quyền sẽ áp dụng trong việc xử vụ kiện.

3.Tín Thư Quốc Tế

Không giống như việc buôn bán trong nội địa Hoa Kỳ thông thường người mua kẻ bán biết rõ nhau hoặc có thể tìm hiểu gốc gác và thực lực tài chánh của người sắp giao dịch một cách dễ dàng. Ngược lại trong các thương vụ quốc tế người mua kẻ bán chưa chắc biết rõ nhau từ trước cũng như khó lòng tìm hiểu lý lịch thực sự cùng tình trạng vốn liếng, tiền bạc của đối tác.

Trở ngại chính yếu là người bán hàng có thể mù mờ không biết rõ người mua đáng tín cậy là bao cũng như giá cả hối xuất tiền tệ giữa hai nước thường thay đổi bất chợt khiến cho điều kiện mua bán hay giá hàng cũng bị ảnh hưởng theo. Ngược lại người mua cũng khó nắm vững vấn đề uy tín của người bán trong không biết đáng tin cậy bao nhiêu về phẩm chất hàng hóa cũng như về việc giao hàng không biết có thường đúng hẹn không. Ngoài ra cũng khó mà biết rõ khả năng người bán trong bổn phận dàn xếp thủ tục quan thuế cũng như thủ tục nhập cảng sao cho đầy đủ thỏa đáng để kịp giao hàng hay gửi hàng đi đúng hạn định.

Trong nhiều vụ thương lượng quốc tế, nếu người mua có xuất trình được một “tín thư” (letter of credit) thì sẽ giúp giải quyết trở ngại trong giao dịch mua bán rất nhiều. Từ ngữ “tín thư” thực ra là cách nói gọn ám chỉ toàn bộ một hợp đồng gồm các văn kiện hay chứng từ ủy nhiệm ngân hàng đứng ra thanh toán tiền bạc cho phía người bán và đồng thời ngân hàng cũng bảo đảm người bán phải gởi hàng đàng hoàng đúng hẹn.

Trong nội dung một tín thư điển hình người mua hàng lập hợp đồng với ngân hàng để cơ sở này viết tín thư gửi cho người bán. Tín thư biểu thị lời hứa của ngân hàng sẽ thanh toán một số tiền ấn định cho người bán hàng nếu – và chỉ với điều kiện “nếu” – người bán xuất trình đầy đủ giấy tờ như biên lai, hóa đơn chuyển vận hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm tra, vv& để chứng minh rằng hàng hóa đã được gửi đi cẩn thận để người mua nhận được đúng theo điều kiện giao ước. Riêng người mua và ngân hàng sẽ lập giao kèo riêng biệt với nhau trong việc bồi hoàn số tiền ngân hàng ứng ra. Trong một vài giao dịch quốc tế đôi khi ngân hàng của phía người bán cũng dính dáng trách nhiệm bảo đảm số tiền thanh toán.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT