Monday, May 13, 2024

Xe Tesla và các vụ tai nạn liên tiếp liên quan đến chế độ Autopilot

Tư Mỏ Lết

Hồi cuối Tháng Ba vừa qua, hãng xe điện Tesla cho ra mắt thế hệ xe điện giá phải chăng Model 3 đã gây ra một cơn sốt Tesla trên toàn nước Mỹ. Mọi người đã nghĩ đến một tương lai toàn màu hồng cho hãng xe hơi điện made in California này.

Thế nhưng… cuộc đời có mấy khi suôn sẻ mãi… Trong khoảng hai tháng trở lại đây, ba vụ đụng xe có liên quan đến chế độ hỗ trợ lái tự động (Autopilot) của Tesla, khiến cho giới lái xe đang trở nên do dự hơn trước những phát kiến đi trước thị trường của tỷ phú Elon Musk. Vụ đụng xe đầu tiên xảy ra vào ngày 7 Tháng Năm ở Florida, dẫn đến chết người, khi một chiếc Tesla Model S chui vào gầm một chiếc xe tải kéo container. Vụ đụng xe thứ hai xảy ra vào ngày 1 Tháng Bảy tại Pennsylvania, một chiếc Model X đụng vào những rào cản bên đường, khiến cho chiếc xe này bị lật ngửa. Cả tài xế và người ngồi cạnh đều bị thương. Vụ thứ ba được ghi nhận ở Montana vào ngày 10 Tháng Bảy, khi một chiếc Model X đang từ xa lộ I-90 đi ra thì lạc hướng về phía bên phải, va vào các song chắn bằng gỗ. Chiếc xe này bị hư hai nặng ở sườn bên phải, nhưng rất may là tài xế và người đi cùng không bị thương tích. Trong ba trường hợp trên, cả ba chiếc Tesla đều được báo cáo là đang chạy ở chế độ Autopilot.

Chế độ Autopilot của Tesla là gì? Khái niệm “Autopilot,” dịch sát nghĩa là “lái tự động,” cũng đã bắt đầu được nhiều hãng xe trên thị trường Mỹ áp dụng trong vài năm trở lại đây. Chỉ có điều là chưa có hãng nào cho áp dụng mức độ tự động cao như Tesla. Điều này có thể lý giải là vì với động cơ điện, khả năng áp dụng tự động hóa trở nên dễ dàng hơn nhiều so với động cơ chạy xăng dầu.

Nguyên tắc chung trong chế độ Autopilot của Tesla và các hãng xe khác đều giống nhau: sử dụng hệ thống ra đa, các sensor sóng siêu âm, một máy thu hình đặt ở kính trước xe để “quan sát” phía trước. Những thiết bị này cho phép các xe đời mới có nhiều chức năng an toàn: giữ khoảng cách với xe phía trước, tự động thắng để tránh đụng với xe phía trước, cảnh báo khi có xe vượt bên hông… Trong hệ thống Autopilot của Tesla còn có thêm hệ thống GPS với độ chính xác cao, và một bản đồ kỹ thuật số (digital) có độ phân giải cao, để xe có thể tự vận hành ở nhiều tình huống.

Radar có chức năng dò tìm các vật thể trước xe, có thể phân biệt được cơ bản đó là xe hơi, xe tải, hay xe mô tô hai bánh… Radar còn có thể nhận dạng ra một số vật thể ba chiều khác, thí dụ như bảng hiệu giao thông treo trên cao. Những tín hiệu này sẽ được đưa vào bộ điều khiển trung tâm của xe để “ra quyết định.” Các sensor sóng siêu âm giúp cho xe nhận dạng những vật thể ở khoảng cách gần, giúp cho xe tự đậu xe, nhận biết những làn xe bên cạnh có trống hay không… Máy thu hình lắp ở đỉnh kính trước giúp cho xe nhận dạng vật thể phía trước, “đọc” bảng chỉ dẫn giao thông để biết được tốc độ giới hạn, lằn sơn phân làn xe, chướng ngại vật trên đường để thắng tự động khi cần thiết. Bản đồ với độ phân giải cao giúp xe nhận dạng phía trước đường đi. Khi kết hợp với thông tin về làn xe từ máy thu hình, nó sẽ điều khiển xe thực hiện một số động tác như cho xe đi chậm lại khi vào một khúc quanh gắt. Kết hợp toàn bộ hệ thống này lại, xe có khả năng tự động điều chỉnh tốc độ để giữ khỏang cách an toàn với xe phía trước, thắng tự động khẩn cấp, đi theo đường cong của lằn sơn phân làn xe, tuân thủ tốc độ giới hạn và đổi làn xe theo lệnh của người lái.

Tesla đã cho phép chủ xe chạy thử chế độ Autopilot trên nhiều Model khác nhau (beta testing), và xem đây là một trong những tính năng vượt trội so của xe điện Tesla so với các đối thủ cạnh tranh. Những đoạn video quảng cáo vẫn còn để trên Youtube, cho thấy khách hàng của Tesla đã đắc ý như thế nào với chế độ này. Một đoạn phim quảng cáo quay lại cảnh chạy thử chế độ Autopilot, tài xế và người ngồi cạnh đắp chăn ngủ, đánh cờ với nhau trong khi xe tự lái! Có lẽ vì vậy, mà chủ nhân các chiếc Tesla đã “ngủ quên trên chiến thắng!”

Tesla đã phải điều tra và giải thích nguyên nhân các tại nạn kể trên để tránh bị tai tiếng, và không phải nhận trách nhiệm liên lụy. Trong vụ đụng xe gây chết người ở Florida, Tesla thông báo là chiếc Tesla Model S đang đi trên một xa lộ có làn phân cách ở giữa, thì chiếc xẻ tải lao từ phía bên kia đường qua chặn vuông góc. Trong một tình huống như vậy, cả người lái và hệ thống Autopilot không kịp nhận diện, nên không thể thắng kịp lúc. Còn trong trường hợp tai nạn ở Pennsylavania, cảnh sát giao thông nói rằng lỗi là do người lái xe bất cẩn.

Tesla đã phải đăng tải trên blog của mình những giới hạn của hệ thống Autopilot, vốn đã được giải thích cặn kẽ ngay từ đầu, nhưng những người lái có lẽ vì quá hào hứng với kỹ thuật tiên tiến mà quên cảnh giác. Tesla gọi Autopilot là “hệ thống hỗ trợ người lái xe” (driver assist system). Có người lái, và hệ thống chỉ trợ giúp mà thôi, chứ không phải là “lái tự động.” Theo định nghĩa của cơ quan An Toàn Giao Thông Quốc Gia (NHTSA), có năm cấp tự động khi lái xe. Cấp 0 là tài xế tự lái 100%. Cấp 4 là xe tự vận hành từ điểm A tới điểm B mà không cần tác động của người lái. Tesla xếp loại Autopilot ở cấp 2: xe kiểm soát một số chức năng, nhưng người lái phải tuyệt đối để tâm và chịu trách nhiệm. Chuyện quảng cáo “ngủ và đánh cờ” trên xe khi chạy Autopilot là một sự hiểu lầm tai hại, một sự vẽ vời quá mức!

Tesla nhấn mạnh rằng chế độ Autopilot là chế độ tùy chọn trong hệ thống lái. Khi chọn chế độ này để lái xe, người lái xe phải xác nhận mình hiểu rằng đây là chế độ còn đang thử nghiệm. Chế độ này đòi hỏi người lái luôn phải đặt tay của mình lên trên tay lái trong lúc vận hành. Thậm chí, Autopilot còn phát ra tiếng kêu báo động, khi phát giác ra rằng người lái xe không đặt tay lên tay lái.

Tuy cẩn thận “rào trước đón sau” như vậy, nhưng Tesla cho biết không có ý định loại Autopilot ra khỏi chế độ vận hành tùy chọn của các chiếc Tesla trong tương lai, kể cả Model 3. Bởi vì Autopilot – với sự kiểm soát của người lái – thực ra an toàn hơn nhiều lần so với chế độ lái bình thường. Theo Tesla, sau 130 triệu dặm vận hành thì Autopilot mới gặp một tai nạn dẫn đến tử vong đầu tiên (ở Florida). Trong khi đối với các loại xe hơi bình thường ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi 94 triệu dặm có một tai nạn chết người. Còn nếu thông kê trên toàn thế giới, thì con số này giảm xuống còn khoảng 60 triệu dặm mới có một tai nạn chết người.

Nói tóm lại, chuyện giao sinh mạng của mình hoàn toàn cho một chế độ tự động còn đang thử nghiệm như Autopilot là do người lái không hiểu rõ, chứ Tesla không khuyến khích, mà đã có cảnh báo ngay từ đầu. Cần tỉnh táo một chút, đừng quá tin vào kỹ thuật mới. Hiện đại quá, đôi khi lại… hại điện!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT