Friday, April 26, 2024

Diễm Xưa của Khánh Ly tại Little Saigon

Một Buổi Sáng Mùa Xuân, Người Già Em Bé, Bà Mẹ Ô Lý, Ca Dao Mẹ, và Gia Tài Của Mẹ là những ca khúc được chọn trình bày trong số những bài thuộc dòng nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nói đến Trịnh Công Sơn là người ta nhắc đến Khánh Ly. Nhưng Khánh Ly không chỉ thành công ở dòng nhạc này, mà nhiều tác giả khác với các nhạc phẩm của mình cũng góp phần làm nên tên tuổi Khánh Ly.

Sau liên khúc Diễm Xưa, và các ca khúc Da Vàng, thì Kinh Khổ của Trầm Tử Thiêng và Đời Đá Vàng của Vũ Thành An có thể xem là điểm nhấn trong đêm “Khánh Ly-Diễm Xưa.”

“Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu/Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau,” giọng ca Khánh Ly cứ từ từ nhả đi, không thanh thoát, không cao vút, mà lại trĩu nặng cái chất chồng của năm tháng lẫn những ngổn ngang của nỗi niềm từ bao người cộng lại, trong đêm. Ray rứt để rồi vỡ ra. “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc/Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng.”

Sức hút của Khánh Ly là vậy, dù có muốn phủ nhận hay chối bỏ với bất kỳ lý do gì.

Con đường đưa cô bé Nguyễn Thị Lệ Mai 11 tuổi của 60 năm trước đến với âm nhạc là “do thiên định, chứ bản thân tôi không định cái gì cả,” cô tâm sự.

“Tôi đi là vì tôi mê hát quá. Còn làm ca sĩ thì ai nghĩ tới đâu, mãi tới sau này khi hát với Trịnh Công Sơn tôi vẫn không nghĩ mình là ca sĩ. Lúc đó tôi hèn lắm, vừa hèn vừa ngu nữa. Tôi chẳng biết gì cả, ai nói gì mình cũng nghe, cũng tin, mà lại mặc cảm mình dốt, mặc cảm mình xấu, mặc cảm mình không có gì hơn ai cả, cái gì mình cũng thua người ta cả. Cho nên lúc nào tôi cũng thu người lại, nhỏ chừng nào, tốt chừng nấy, và không bao giờ tôi quên một câu mà người Tây nói (mà Tây nói thường đúng chứ Mỹ nói thì phải xem lại) đó là chúng ta đi chậm thì đi chắc, mà đi chắc thì đi lâu.”

Khánh Ly là vậy. Khán giả yêu cô, đến với cô không chỉ vì giọng hát pha khói thuốc gắn với khuôn mặt mang dáng dấp quê hương – đẹp mà buồn, quyến rũ mà hoang mang – mà còn bởi cách cô nói về mình. Dí dỏm mà thâm sâu. Cười đó mà đau đó.

Đêm Diễm Xưa ở Little Saigon, điều còn đọng lại trong lòng mỗi người, bên cạnh một Khánh Ly của hoài niệm, có thể là tiếng đàn mandolin réo rắt của người nhạc sĩ vốn đã đóng được dấu ấn mình trên chiếc vĩ cầm Hoàng Công Luận, có thể là một Quang Thành đủ tự tin hát nhạc Trịnh Công Sơn bên cạnh thần tượng Khánh Ly, cũng có thể là một Thương Linh trẻ trung trong Bay và Rơi của Trần Dạ Từ hay “man dại” trong Crazy của Willie Nelson, hoặc cũng có thể là khung cảnh của mái lá, hàng tre gợi nhớ về thời xưa cũ…

Nhưng với tôi, sao ngẩn ngơ hoài với hình ảnh Khánh Ly trong câu hát “Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…” Bao lâu nữa, còn tiếng hát của ngày xưa đó, như đêm nay?

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT