Friday, April 26, 2024

‘On Life-Cuộc Ðời’ cùng ‘Câu Chuyện Bà Thị Kính’

ORANGE, California (NV) – Buổi hòa nhạc mang tên “On Life-Cuộc Ðời” do Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc của Người Mỹ gốc Việt (VASCAM) thực hiện sẽ được trình diễn lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 26 Tháng Ba, tại Musco Center for The Arts, thuộc Chapman University, One University Dr., Orange, CA 92866.

Chương trình gồm hai phần. Phần đầu trình diễn âm nhạc của Cung Tiến, Tôn Thất Tiết và một tác phẩm mới nhất của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục), một violin concerto viết cho violinist Nguyễn Bảo Thi, cùng vài tác phẩm khác của ông qua tiếng đàn piano của Nguyễn Hải Hoàng.

Phần thứ hai là những trích đoạn tiêu biểu từ vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) với những giọng opera chuyên nghiệp Bryan Arreola, Veronica Jensen, Teresa Mai, Bích Vân, Angela Yoon, cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble do nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ điều khiển, và sự phụ họa hợp xướng của nhóm Ngàn Khơi. Hình ảnh chiếu trên màn hình là sự đóng góp của hai họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai.

“Câu Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn của nhà soạn nhạc P.Q. Phan, từng được mở màn tại sân khấu lớn chuyên nghiệp của trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University vào Tháng Hai, 2014.

Vở opera này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc phương Tây, bởi vì đây là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, được đón nhận nồng nhiệt từ khán giả bản xứ.

Bản gốc truyện “Quan Âm Thị Kính” còn có tên là “Quan Âm Tân Truyện” là một truyện thơ Nôm Việt Nam, hiện chưa rõ tác giả, mô tả đức tính nhẫn nhục và lòng từ bi của bà Thị Kính (nhân vật chính), vì đó mà sau này bà trở thành Phật Quan Âm.

Chia sẻ khi dựng vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính,” Giáo Sư P.Q. Phan nói: “Khi sáng tác vở opera này tôi không kể lại chuyện xưa, mà kể lại khía cạnh mới, với lối nhìn mới. Tôi nhìn vẻ đẹp của những người đàn bà trong câu chuyện, và nhất là vẻ đẹp của Thị Kính, một người có tâm hồn cao thượng, với vẻ đẹp từ lòng yêu người, tình người là cao nhất, tình người là quan trọng, chấp nhận hy sinh cho người khác. Ðây là vẻ đẹp của người đàn bà Việt Nam, đã có từ thời xưa.”

Ngay cả nhân vật phản diện Thị Mầu, hay nhân vật Mẹ Mõ, ông cũng cho rằng họ có cái đẹp riêng. Ông nói: “Qua câu chuyện đối đáp giữa Mẹ Mõ và ông lý trưởng thì Mẹ Mõ chứng minh rằng mình không có học thật, không biết chữ thật, nhưng rất thông minh và khôn khéo. Ðừng nghĩ đàn bà trong xã hội Việt Nam không có học thì rất ngu, họ thông minh và khéo léo không thua gì đàn ông.”

“Thị Kính chấp nhận lấy Thiện Sĩ, nhưng Thị Mầu thì lại khác, cô thương ai thì muốn lấy cho được thôi. Tôi nghĩ trong xã hội Việt Nam xưa, đàn bà bị một khuôn khổ quá chặt chẽ, nên người ta cũng muốn được tự do chứ. Tôi nghĩ người ta phải đào tạo, phải sáng chế vai Thị Mầu để chứng minh rằng đàn bà cũng muốn có được một mối yêu tự do của mình,” ông giới thiệu.

“Tinh thần người đàn bà của mình xưa kia nếu so sánh với người đàn bà trong thế giới Âu Châu, cũng ngang nhau cả, cũng lấy tình yêu làm đầu. Ðó là muốn chứng minh về vấn đề tình yêu tự do và tình yêu lý tưởng của người đàn bà trong xã hội Việt Nam. Ðối với tôi, câu chuyện về bà Thị Kính là câu chuyện dân gian đặc sắc nhất của mình. Tôi muốn đem câu chuyện nhân bản này chia sẻ với mọi người,” ông nói.

Vé có các hạng $75, $60, $45, $30, bán tại các nhật báo Người Việt (714) 892-9414, Việt Báo (714) -894-2500, Viễn Ðông (714) 379-2851. (V.Ð.T.)

Mời độc giả xem phóng sự “Dạy thi quốc tịch Mỹ ở Little Saigon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT