Friday, April 26, 2024

Tháng Tư và ‘Đêm Nhớ Về Sài Gòn’

Vũ Đình Trọng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” là chủ đề đêm nhạc thính phòng sẽ diễn lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, 1 Tháng Tư, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Nhạc trưởng Thomas Ngô, người dàn dựng và biên tập chương trình, chia sẻ: “Cuối năm 2016, sau khi tổ chức đêm guitar cho Dương Kim Dũng, thì nhà báo Phạm Phú Thiện Giao (cựu chủ bút nhật báo Người Việt) đề nghị tôi làm một đêm nhạc ‘unplug,’ nghĩa là không có nhạc cụ điện tử, chơi mộc thôi. Anh nói ‘nghe như thế mới thích.’ Tôi cũng thích như thế, và chúng tôi cùng chọn thực hiện trong dịp Tháng Tư này. Tên chủ đề đêm nhạc cũng do nhà báo Thiện Giao đề nghị. Đây là tựa một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.”

Với nhạc trưởng Thomas Ngô, thực hiện một chương trình như thế này, dù ở hội trường 200 chỗ, hay ở rạp hát 1,000 chỗ thì công sức tổ chức cũng như nhau, chất lượng vẫn như thế. “Làm chương trình mà không hay thì làm làm gì?” ông nói.

Đến với “Đêm Nhớ Về Sài Gòn,” năm giọng ca thính phòng ngọt ngào, trầm ấm gồm Bích Vân, Lê Hồng Quang, Anh Dũng, Hoàng Anh Thư, Quang Tuấn, cùng ban nhạc Little Saigon Music Association với chín thành viên, qua sự dàn dựng của nhạc trưởng Thomas Ngô, sẽ đưa khán giả tìm về những quá khứ.

Ca sĩ Hoàng Anh Thư. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Ca sĩ Hoàng Anh Thư. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Đêm nhạc chỉ có piano, guitar, violin, contrabass

Giới thiệu về đêm nhạc, nhạc trưởng cho biết: “Điểm đặc biệt của chương trình này là chúng tôi chơi acoustic, chỉ có piano, guitar, violin, contrabass. Khán giả đã nghe nhạc thính phòng qua dàn nhạc điện tử nhiều rồi, nay tôi muốn chúng ta cùng thay đổi cách nghe, sẽ khác lắm. Tôi tin rằng sự khác biệt này sẽ cho khán giả nhiều điều ngạc nhiên và thú vị.”

Ông cho hay, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” là một đêm để khán giả nhớ về thành đô một thời xưa cũ, với những tình khúc vượt thời gian như “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” và “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, kế đến là nhạc phẩm “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, và gần 20 tình khúc khác của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Văn Cao, La Hối, Tô Vũ, Ngọc Bích, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Lam Phương…

Thomas Ngô, cái tên không xa lạ với giới yêu âm nhạc, ông từng viết phối âm phối khí và biểu diễn nhiều buổi hòa nhạc lớn của nhạc trưởng Lê Văn Khoa, ban hợp xướng Ngàn Khơi, Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, hay tổ chức những đêm nhạc thính phòng như “Đêm Nhạc Ngô Thụy Miên,” “Tình Ca Một Thuở,” hay “Đêm Thi Ca Qua Âm Nhạc”…

Nhạc trưởng Thomas Ngô. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)
Nhạc trưởng Thomas Ngô. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Có lẽ, vì tốt nghiệp khoa điều khiển dàn nhạc giao hưởng, nên dàn nhạc đối với ông không chỉ để đệm cho ca sĩ hát, mà dàn nhạc sẽ đưa nhạc phẩm lên một tầm cao mới, đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn qua những nhạc cụ dành cho dàn nhạc giao hưởng. Khán giả đến không chỉ xem ca sĩ biểu diễn, mà được thưởng thức trọn vẹn nét đẹp của hòa âm, của từng nhạc cụ, sắc thái của âm thanh.

Năm phong cách trình diễn mới lạ

Nói về ca sĩ Bích Vân, ông nhận xét: “Bích Vân có tầm cữ rất rộng, gần 3 quãng 8. Cô có thể hát từ giọng Soprano, xuống cho đến Alto. Ngoài ra, cô còn có thể chơi dương cầm, nên trong đêm diễn cô sẽ trình diễn tác phẩm ‘Bài Không Tên Cuối Cùng’ của nhạc sĩ Vũ Thành An và tự đệm đàn cho mình.”

Ông cho hay, Bích Vân từng xuất hiện trong nhiều chương trình âm nhạc của một số trung tâm băng nhạc lớn và nhiều sân khấu với phong cách sang trọng cùng giọng hát đẹp. Đặc biệt, Bích Vân là một trong những nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi thành công trên sân khấu nhạc kịch (gồm cả nhạc kịch hiện đại – musical và cổ điển – opera) tại Mỹ.

Ca sĩ Lê Hồng Quang. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Ca sĩ Lê Hồng Quang. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Một ca sĩ trẻ tham gia chương trình, đó là Hoàng Anh Thư. Với phong cách trẻ trung, nhưng lắng đọng, cô chững chạc khi trình diễn những ca khúc tiền chiến, hay nhạc thính phòng của các tác giả Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy…

Ca sĩ Hoàng Anh Thư lớn lên trong một gia đình mà song thân đều hoạt động trong lãnh vực âm nhạc, nên cô làm quen với âm nhạc ngay từ bé. Năm 2011, cô đoạt giải nhất cuộc thi “Giọng Ca Vàng” do trung tâm Asia tổ chức, với bài hát “Anh Không Chết Đâu Em” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và chính thức bước vào sinh hoạt với trung tâm này như một trong những giọng hát chính.

“Đó là một điều lạ. Có nhiều ca sĩ trẻ không hát được nhạc xưa, vì các bạn không sống trong thời kỳ đó nên rất khó ‘cảm’ được cái ‘tình’ của nhạc sĩ lúc đó. Hoàng Anh Thư thì khác, dù không sống trong giai đoạn lịch sử đó, nhưng lại thể hiện đúng những gì nhạc sĩ muốn gởi gắm. Cô nhập tâm được cái hồn của nhạc xưa, như cô là một phần của nó vậy. Trong đêm nhạc này, cô trình diễn tác phẩm ‘Chiếc Lá Cuối Cùng’ của nhạc sĩ Tuấn Khanh,” nhạc trưởng chia sẻ.

Ca sĩ Anh Dũng. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Ca sĩ Anh Dũng. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Kế đến là giọng hát Tenor trung, lên cao rất ấm, mà xuống thấp cũng rất đầy đặn, đó là ca sĩ Anh Dũng, người dễ dàng tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa tài năng mới do nhạc sĩ Ngọc Chánh tổ chức vào năm 1993. Một số ca khúc luôn gắn với tên tuổi anh là “Còn Chút Gì Để Nhớ” (Phạm Duy), “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” (Văn Phụng), hay “Tình Tự Mùa Xuân” (Từ Công Phụng).

“Trong đêm nhạc, có lẽ Anh Dũng sẽ để lại thêm một dấu ấn mạnh mẽ nữa qua ca khúc ‘Đôi Mắt Người Sơn Tây’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Anh muốn thử thách bản thân qua tác phẩm này, vì đoạn cuối rất khó, nhưng tôi tin chắc rằng anh sẽ làm cho khán giả hài lòng,” nhạc trưởng cho biết.

Tiếp theo là giọng nam Tenor chính của ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, ca sĩ Lê Hồng Quang. Anh trình diễn nhiều nơi trên thế giới. Ngoài giờ trình diễn, anh dạy thanh nhạc tại Lê Hồng Quang Studio, được thành lập cuối năm 2003.

Theo nhạc trưởng, nghe Lê Hồng Quang ca, khán giả có thể liên tưởng đến những giọng ca nổi tiếng như Luciano Pavarotti, Jonathan Antoine, Placido Domingo, José Carreras, Andrea Bocelli, Enrico Caruso…

“Giọng Lê Hồng Quang rất đẹp. Trong đêm nhạc, anh sẽ hát trường ca ‘Thiên Thai’ của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là một tác phẩm rất khó trình diễn vì đòi hỏi ca sĩ phải có trình độ thanh nhạc, và chất giọng đặc biệt. Giao cho anh tác phẩm này thì không có gì phải ngại cả,” ông giới thiệu.

Ca sĩ Quang Tuấn. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)
Ca sĩ Quang Tuấn. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

Sau cùng là giọng ca Quang Tuấn. Anh thành danh hơn 20 năm nay, và từng nhận được nhiều lời mời tham gia vào các trung tâm tên tuổi của làng nhạc hải ngoại, nhưng anh luôn từ chối. Ngoài lý do muốn được tự do trình diễn, anh còn muốn tự chọn lựa những tác phẩm phù hợp với chất giọng của mình.

Với chất giọng trầm ấm, nồng nàn, Quang Tuấn là ca sĩ “chuyên trị” dòng nhạc tiền chiến, và cả dòng nhạc tình mới sau này.

Nhạc trưởng Thomas Ngô cho biết: “Trong chương trình, Quang Tuấn sẵn sàng nhận phần khó về mình, như trong bài hợp ca mở màn, anh sẽ hát bè 3. Đây là một bè rất khó, mà ngay cả người ca sĩ có trình độ cũng không muốn nhận. Nhưng cũng chính bè 3 này, dù chỉ là bè phụ, nhưng lại tạo cho người nghe nhiều cảm xúc.”

Giá vé VIP $40, vé đồng hạng $25. Vé bán tại Tú Quỳnh (714) 531-4284, Tự Lực (714) 531-5290.

Liên lạc ban tổ chức (714) 369-3955.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 7 tháng 3 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT